Gàu tát nước ngày xưa ở xứ Quảng

01:03, 15/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ngày xưa, khi chưa có hệ thống thủy lợi, nông dân ở xứ Quảng sáng tạo ra nhiều công cụ để “dẫn thủy nhập điền” như bờ xe nước, guồng nước, xe đạp nước... Phương tiện thủ công phổ biến, dùng sức người, đó là gàu giai và gàu sòng.
 
Hai loại gàu giai và gàu sòng được đan bằng tre, là công cụ lao động phổ biến của người nông dân để tát nước chống hạn cho ruộng đồng và tát cá dưới ao, mương. Ngày nay, ở dọc các con sông Trà Khúc, Thu Bồn đã vắng bóng các bờ xe nước, chỉ còn thấy xuất hiện ở bản làng vùng cao Tây Bắc. Các loại gàu tát nước cũng thưa vắng, trở thành hiện vật bảo tàng... 
 
Bức ảnh “Tát nước” của Trương Trừng in trên tờ giấy bạc Đông Dương. ​ ẢNH: TL
Bức ảnh “Tát nước” của Trương Trừng in trên tờ giấy bạc Đông Dương. ​ ẢNH: TL
Gàu giai và gàu sòng có cấu tạo và cách sử dụng khác nhau. Gàu giai được đan thành hình cái phễu, miệng loe. Trên miệng gàu có cạp một vành nứa to cho chắc chắn, phía hai bên thành có gắn với khung nẹp tre, ở giữa có cầu tre bắc ngang qua chia đôi miệng gàu. Mỗi chiếc gàu thường có 4 sợi dây thừng, một bên có hai sợi gắn vào miệng và đáy gàu. Khi tát nước, hai người đứng hai bên bờ mương, ao, hồ. Công việc tát nước chẳng những đòi hỏi có sức lực mà còn có sự kết hợp khéo léo, nhịp nhàng của động tác cơ thể.
 
Còn gàu sòng giống như một cái máng, một đầu to có hình bầu dục chia đôi, đầu nhỏ dần về phía đáy gàu. Trên miệng gàu có cạp vành, thân gàu đan bằng tre, dài khoảng 1m. Nếu gàu giai tát nước hoàn toàn dựa vào sức người thì gàu sòng lợi dụng điểm tựa, áp dụng nguyên tắc “cánh tay đòn” để khỏi bị tốn sức trong lúc tát nước. Trước khi tát nước, người nông dân phải dựng cái giá đơn giản làm bằng 3 đoạn sào tre già. Một đầu của sào cắm xuống đất thành 3 chân kiềng, một đầu chụm lại với nhau thành đỉnh tam giác vững chắc làm giá đỡ treo chiếc gàu. Sau đó, họ lấy một đoạn dây thừng ròng từ đỉnh xuống cán gàu. Loại gàu này chỉ một người đứng dưới mương nước để tát. Lúc tát nước, một tay nắm cuối chuôi cán gàu sòng, một tay nắm đoạn giữa cán, gần chỗ buộc dây thừng vục xuống múc từng gàu nước đầy đổ nhẹ nhàng qua bờ ruộng.
 
Tát nước bằng gàu giai có thể linh hoạt số người tham gia tùy theo số gàu sử dụng. Nếu 1 gàu thì 2 người đứng 2 bên để tát. Lúc đồng áng cần nguồn nước nhiều để tưới tiêu thì có thể dùng đến 3 cái gàu với 6 người tát cùng một lúc. Khi đó, những cái gàu giai được liên kết với nhau thành hàng sau, trước bởi hệ thống dây thừng. Nhờ vậy mà 6 người mới cùng hợp lực kéo 3 cái gàu liên tục tát nước lên ruộng.
 
Tát nước là công việc vất vả nhưng cũng rất thú vị. Nó đã đi vào các di sản văn hóa dân gian với truyền thuyết, tục ngữ, dân ca, câu đố... có nội dung sâu sắc, nói lên sự hữu ích của vật dụng nhà nông xưa, quý trọng giá trị sức lao động. Về truyền thuyết, có câu chuyện về “Quận Mèo/Quận Giai”, là ông tổ nghề làm gàu giai. Những câu đố dân gian đầy hình ảnh: “Bằng đầu trâu, có 4 cái râu, 2 người rị”. Hay một cấu đố khác: “Hai người trên hai ụ cao, 4 tay 4 tai ngước lên cúi xuống”.
 
Tát nước bằng gàu sòng.                ẢNH: TL
Tát nước bằng gàu sòng. ẢNH: TL
Những đêm trăng thanh, những người nông dân vừa thay nhau tát nước vừa hát nhơn ngãi. Nhiều tác phẩm mỹ thuật, nhiếp ảnh khắc họa cảnh tát nước của người nông dân, ca ngợi vẻ đẹp của cuộc sống lao động miền thôn quê. Những bức ảnh chụp về cảnh tát nước gàu giai, gàu sòng có giá trị tư liệu và nghệ thuật. Tiêu biểu là bức ảnh “Tát nước” của nhà nhiếp ảnh Trương Trừng từng đoạt giải nhất cuộc thi ảnh do Toàn quyền Đông Dương tổ chức năm 1940. Bức ảnh chụp khoảnh khắc 6 người nông dân cùng hợp lực nâng 3 chiếc gàu giai tát nước lên đồng. Tác phẩm này được in trên tờ giấy bạc Đông Dương.
 
Các nhà nhiếp ảnh tiền bối đã để lại trong kho tàng di sản ảnh nhiều bức ảnh có giá trị tư liệu, nghệ thuật về chủ đề làm thủy lợi với bờ xe nước, tát nước bằng gàu giai, gàu sòng. Ta có thể bắt gặp hiện vật gàu giai, gàu sòng ở bảo tàng, hoặc hình ảnh gàu tát nước trên sách, báo... Ngày nay, gàu tát nước vắng bóng trong đời sống, canh tác nông nghiệp của người nông dân xứ Quảng. Nó được thay bằng đập thủy lợi, hệ thống kênh mương dẫn nước tưới tiêu khắp cánh đồng. Cũng chính vì vậy, những bức ảnh tát nước một thời trong kho tàng di sản ảnh trở thành tư liệu độc đáo và càng có giá trị theo thời gian.
 
TẤN VỊNH 
 
 
 
 

.