(Báo Quảng Ngãi)- Ở gần cửa biển Cửa Lở, thuộc thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi), có một ngôi làng nhỏ nằm tách biệt với đất liền bởi sông nước bao quanh. Người dân gọi đó là ngôi làng mồ côi. Ở ngôi làng này, người dân mưu sinh và làm giàu từ nghề sông nước, cùng nhau xây dựng ngôi làng xanh mát, mộc mạc và thanh bình.
“Làng mồ côi” nhìn từ trên cao. ẢNH: ĐĂNG HIỀN |
Làng dựa vào sông, người dựa vào nhau
Ngôi làng rộng chừng 8ha, trong đó diện tích ao nuôi tôm, cua, cá chiếm gần 6ha. Sống ở cồn đất nằm giữa vùng sông nước chè hai nên người dân nơi đây đã nhạy bén tận dụng ưu thế này để làm giàu.
Chậm rãi nhớ về quãng thời gian con tôm sú lần đầu "bén duyên" ở vùng nước chè hai này, ông Võ Văn Thuật, một người dân ở “làng mồ côi” hào hứng bảo, từ những năm 1994, 1995, khi nuôi tôm vẫn còn là nghề mới mẻ ở Quảng Ngãi, những nông dân gốc rạ của làng tôi đã bàn bạc, rủ nhau nuôi tôm sú.
"Những năm 1980 - 1990, đi từ đầu làng đến cuối làng, đâu đâu cũng là lúa và lác. Làng biệt lập với đất liền, chúng tôi thu hoạch lúa rồi chèo ghe chở lúa đi bán dọc theo sông lên tận Nghĩa Hòa, sang tới Đức Lợi mà vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Rồi dần dà, khi nước mặn ngày càng lấn sâu vào cửa sông, cũng là lúc người dân không còn canh tác lúa được nữa. Giữa cái khó, chúng tôi đã ló ra sáng kiến tận dụng thủy triều dâng để lấy nước mặn vào ao nuôi tôm sú. Sự mạnh dạn đó đã giúp cuộc sống của người dân trong làng khấm khá hơn. Thời điểm những năm 1994, 1995, giá mỗi chỉ vàng chừng 500 nghìn đồng. Vậy mà, chỉ 1 năm thả nuôi 3 hồ tôm sú, tôi đã sắm được gần cả trăm chỉ vàng", ông Thuật bồi hồi kể.
Ngôi làng rợp bóng dừa cổ thụ. ẢNH: Ý THU |
Gần 30 năm qua, người dân ở làng mồ côi luôn đoàn kết, chỉ bảo nhau cách nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả. "Khi chi phí thức ăn nuôi tôm tăng cao, nhưng chất lượng nước sông thì ngày càng ô nhiễm, khiến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh, người làng tôi đã bàn nhau chuyển sang nuôi cua xanh và cá đối cồi. Chúng tôi rủ nhau cải tạo hồ, mua cá vụn với giá rẻ làm thức ăn cho cua, hướng đến nuôi cua theo hướng sinh thái để vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế dịch bệnh. Mô hình này đang được người dân làng thực hiện, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Riêng mô hình nuôi cá đối, hộ ông Bốn Đó sau khi nuôi 2 vụ, đều thắng lớn nên ông chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm để chúng tôi cùng thực hiện", ông Võ Bàn phấn khởi nói.
Mỗi khi có khách phương xa ghé thăm làng, người dân nơi đây đều đưa khách đi trải nghiệm, tham quan những hồ nuôi tôm, cá. ẢNH: Ý THU |
Làng xanh giữa bốn bề sông nước
Người dân ở “làng mồ côi” không chỉ chung chí hướng phát triển kinh tế, mà còn bảo ban nhau xây dựng môi trường sống xanh. Làng hiện có 21 ngôi nhà. Điều rất thú vị là các ngôi nhà ở đây đều nằm giữa những khoảng sân vườn rợp bóng cây dừa cao vút. Ở cồn đất nằm giữa sông này, cây dừa được trồng nhiều vì có khả năng chịu hạn, chịu lũ. Nhà ít thì trồng 5 - 10 cây, nhà trồng nhiều lên đến 30 - 40 cây. Dọc theo các bờ hồ nuôi tôm cũng rợp bóng dừa xiêm.
Xung quanh làng, người dân trồng dừa nước ở các đoạn thường xuyên sạt lở và quy ước với nhau cùng giữ lại diện tích cây ráng - loại cây mọc tự nhiên dọc theo các lạch nước mặn, để giữ đất, giữ làng, chống xói mòn, sạt lở. Cũng nhờ phát triển không gian xanh, mà ngôi làng trở thành điểm đến tận hưởng sự yên tĩnh, trong lành của nhiều người ở khu vực trung tâm xã Nghĩa An và trung tâm thành phố.
Tất cả các đường trong làng, đều được trồng dừa, nhằm tạo không gian xanh. ẢNH: Ý THU |
"Chúng tôi vẫn luôn xem ngôi làng này là không gian cổ tích. Bởi, cùng là xã Nghĩa An, mà phía đất liền, nhà cửa san sát, đường sá chật hẹp, không có không gian để vui chơi. Vì vậy, tôi và gia đình thường sang “làng mồ côi” để tận hưởng không gian xanh. Ngày trước, khi chưa có cống đi qua, tôi vẫn chịu khó chèo ghe. Còn giờ đầy, đã có đường, nên mỗi khi có thời gian rảnh, tôi đưa con sang đây để tham quan hệ sinh thái sông nước đa dạng ở nơi này", anh Nguyễn Đăng Hiền, ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An bày tỏ.
ẢNH: Ý THU |
Cũng bởi yêu mến không gian xanh tại làng mà ông Võ Văn Sơn, ở thôn Tân Mỹ, xã Nghĩa An lựa chọn nơi này làm địa điểm tận hưởng tuổi già. "Lúc trước, tôi chỉ sang bên làng này để nuôi tôm. Còn giờ, tôi ở hẳn bên này, vừa nuôi tôm vừa tận hưởng không khí trong lành, yên tĩnh. Xã Nghĩa An đất chật, người đông, làm gì có chỗ nào yên bình, mát mẻ hơn nơi này!", ông Sơn vừa nói, vừa tranh thủ cắt những cây lác mọc hoang ngoài lạch nước mặn mang đi phơi.
"Người ta phân biệt con cua xanh nuôi ở vùng khác, với cua xanh nuôi ở nơi đây là từ sợi lác này đấy. Chúng tôi dùng lác để cột cua, chứ không dùng sợi vải hay sợi ni - lông. Sợi lác nhẹ, lại có sẵn ngoài tự nhiên, thân thiện với môi trường", ông Sơn hồ hởi khoe.
Hồ nuôi cua mang lại nguồn thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi năm cho ông Võ Văn Thuật. ẢNH: Ý THU |
Việc người dân cộng đồng trách nhiệm trong gìn giữ, phát triển không gian xanh đã giúp ngôi làng thu hút khách thập phương. Khi hình ảnh chụp từ trên cao về làng mồ côi được nhiều bạn trẻ quê ở Nghĩa An đăng tải trên mạng xã hội, nhiều du khách đã tìm đến ngôi làng nhỏ này để tham quan và trải nghiệm.
Đón tiếp du khách, những người dân chân chất, hồn hậu ở làng luôn niềm nở, hiếu khách; xởi lởi làm quen và nhiệt tình mời khách uống nước dừa miễn phí, cho khách trải nghiệm vớt tôm, cua dưới hồ... Họ còn kể cho những người khách phương xa nghe về cây lúa nước mặn có hạt gạo màu đỏ; cây lác ở làng mồ côi một thời từng theo những chuyến ghe ngược sông lên Nghĩa Hòa để bán cho các cơ sở làm chiếu... Đan xen giữa những câu chuyện là niềm hy vọng mới được thắp lên trong mỗi người dân, về ngày mà “làng mồ côi” trở thành địa chỉ du lịch cộng đồng quen thuộc của nhiều người.
Ý THU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: