(Báo Quảng Ngãi)- Tai nạn giao thông (TNGT) không chỉ cướp đi sức khỏe, mạng sống của nhiều người, mà còn gây ra thiệt hại về kinh tế cùng nhiều hệ lụy khác cho gia đình và xã hội.
Đối với chị L.T.T.V, ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), nỗi đau do TNGT sẽ còn âm ỉ mãi. Vào một ngày cuối năm 2022, anh Đ.K (chồng của chị V) di chuyển bằng xe máy trên đường về gần đến nhà thì bị xe ô tô chở gỗ lưu thông cùng chiều tông trúng, làm anh K tử vong. Chị V và anh K cưới nhau được hơn 3 năm và vừa đón đứa con đầu lòng. Anh K là lao động chính trong gia đình. Sự ra đi đột ngột của anh K khiến chị V bàng hoàng, đau xót khôn nguôi.
Hiện trường vụ xe tải mất lái đã tông hàng loạt xe máy trên đường Trương Định (TP.Quảng Ngãi) vào ngày 9/4/2023 khiến nhiều người bị thương. Ảnh: PV |
Tai nạn giao thông để lại hậu quả lâu dài, không chỉ riêng cho bản thân người bị nạn, mà còn làm cho người thân, gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Như trường hợp của anh Bùi Tá Thanh Hiệp (36 tuổi), ở tổ 7, phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi). Sau vụ TNGT vào năm 2016, đến nay mọi sinh hoạt, vệ sinh cá nhân của anh Hiệp đều do người thân làm thay. Trước khi bị TNGT, anh Hiệp làm nghề thợ điện. Anh làm việc chăm chỉ, ai kêu đi làm ở đâu, dù có xa mấy anh cũng nhận để có thêm thu nhập. Năm 2016, sau đám cưới của mình 3 ngày, anh Hiệp nhận làm điện cho một công trình nhà ở tại xã Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi).
Chiều hôm đó, trên đường về nhà khi đến Quốc lộ 24B thuộc địa phận phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi), xe máy của anh Hiệp va chạm với xe máy đi ngược chiều. Tai nạn làm anh Hiệp bị chấn thương sọ não. Sau 3 năm nằm thực vật, anh được cấy ghép não nhân tạo. Tuy cơ thể phục hồi một phần, nhưng đến nay anh Hiệp vẫn chưa thể đi lại và nói chuyện được bình thường. "Con trai tôi vốn khỏe mạnh, đang tràn đầy nhiệt huyết và có nhiều ước mơ, hoài bão, nhưng chỉ vì TNGT mà trở nên thế này”, ông Bùi Tá Hợi (65 tuổi), cha của anh Hiệp, chua xót nói.
Dìu con tập đi từng bước trên chiếc khung tự chế, ông Hợi cho biết, hai vợ chồng ông giờ chỉ ở nhà để chăm sóc cho Hiệp. Tiền sinh hoạt hằng ngày phải dựa vào những người con khác. Kinh tế gia đình sa sút hẳn, vì bao nhiêu tiền dành dụm đều dùng để chạy chữa cho anh Hiệp, ông Hợi lại vừa bị tai biến, đi lại khó khăn...
Một khi ý thức của người tham gia giao thông chưa được nâng lên thì hiểm họa TNGT vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội, mà gia đình nạn nhân chính là những người đầu tiên phải gánh chịu.
Theo Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 35 vụ TNGT, làm chết 7 người, bị thương 36 người. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến TNGT, gây hậu quả nghiêm trọng do không đội mũ bảo hiểm khi ngồi trên mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện; qua đường không quan sát; điều khiển phương tiện lấn tuyến; không tuân thủ tín hiệu đèn giao thông; chạy quá tốc độ cho phép; điều khiển phương tiện tham gia giao thông khi đã uống rượu, bia...
Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh Phạm Văn Thanh cho rằng, TNGT đã để lại nỗi đau và mất mát lớn đối với người bị nạn, gia đình và xã hội. Tuy nhiên, những bất hạnh này có thể ngăn ngừa và hạn chế được nếu người tham gia giao thông có ý thức chấp hành tốt pháp luật về ATGT.
Thời gian qua, cùng với tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ, công tác tuyên truyền pháp luật đến người dân được các cơ quan chức năng đẩy mạnh thực hiện. Hằng năm, Ban ATGT tỉnh cùng với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp hỗ trợ hàng trăm triệu đồng cho các gia đình người bị tử vong, bị thương trong các vụ TNGT. Để kéo giảm các vụ TNGT, cần sự chung tay của các ngành, các cấp và người tham gia giao thông trong việc thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo trật tự ATGT; phòng ngừa, hạn chế thấp nhất vi phạm và TNGT xảy ra.
VŨ YẾN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: