(Báo Quảng Ngãi)- Tỉnh ưu tiên các nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông); nông dân thay đổi tư duy chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Đó là những điểm nhấn sau một năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tam nông đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nông dân thay đổi phương thức sản xuất
Ông Nguyễn Lo, thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức) cho biết, làm nông nghiệp bây giờ phải đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng cũng như thị trường, thay vì tìm mọi cách gia tăng sản lượng thì tập trung vào chất lượng và an toàn thực phẩm, việc sản xuất chuyển từ độc canh đơn lẻ sang luân canh và liên kết. Chính vì vậy, 7 sào đất sản xuất rau màu nhà ông Lo được đầu tư hệ thống phun sương bài bản, các loại rau màu từ bầu, bắp đến đậu phụng, mía... phủ xanh quanh năm. Ông Lo còn liên kết với thương lái để tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm mình làm ra.
Nông dân trên địa bàn xã Đức Thắng (Mộ Đức) mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hệ thống tưới phun nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. |
Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt từ 4 - 5%/năm; giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất canh tác nông nghiệp 100 triệu đồng; thu nhập bình quân trên 48 triệu đồng/người/năm đối với các xã đặc biệt khó khăn, an toàn khu và hơn 53 triệu đồng/người/năm đối với khu vực nông thôn. |
Đối với xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ), thủ phủ của cây mía ngày xưa, giờ cũng bạt ngàn các loại cây mì, đậu phụng, mè... Trong đó đậu phụng đã trở thành cây trồng chủ lực qua việc hình thành vùng sản xuất tập trung với diện tích khoảng 50ha, tại các thôn An Tây Điền, Tân Sơn, Nhơn Bích và Phước Lợi. Đặc biệt, người trồng đậu phụng đã hợp tác với Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Phổ Nhơn, xây dựng chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Nhơn Nguyễn Trọng Sơn cho biết, từ khi liên kết với hợp tác xã, người dân thay đổi thói quen và tư duy sản xuất, mạnh dạn đầu tư hệ thống tưới phun sương, sử dụng giống chuẩn, dùng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật “đúng loại, đủ lượng”... Vậy nên sản phẩm “dầu phụng Phổ Nhơn” không chỉ có mặt tại các chợ dân sinh, cửa hàng tạp hóa trong xã, ngoài thị xã mà còn xuất hiện trên các trang bán hàng điện tử, website... Được nhiều người tiêu dùng và thị trường đón nhận.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho rằng, một trong những điểm nhấn của “tam nông” là nông dân đã nắm bắt được quy luật thị trường, để thay đổi và chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp. Hoạt động sản xuất từ độc canh, đơn lẻ chuyển sang thâm canh xen vụ, hàng hóa tập trung gắn với liên kết phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng. Nông dân tiếp cận và ứng dụng các nền tảng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa để chuẩn hóa quy trình, sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm. Qua đó hình thành hàng trăm cánh đồng lớn với giá trị sau thu hoạch đạt trên 100 triệu đồng/ha/năm.
Nhà nước đồng hành
Từ khi tuyến kênh tiêu Dương Quang, xã Đức Thắng (Mộ Đức) hoàn thành đưa vào sử dụng, việc sản xuất nông nghiệp của người dân cũng thuận lợi và gia tăng hiệu quả rõ rệt. Ông Mai Xuân Đại, thôn Dương Quang cho biết, là vùng thấp trũng nên vào mùa mưa, nước ngập sâu và kéo dài nên nhiều đồng rau, ruộng mì của người dân trong thôn thường bị hư hỏng. Nhưng từ cuối năm 2022, khi tuyến kênh tiêu nước nổi qua thôn Dương Quang hoàn thành thì cây cối hoa màu thoát cảnh ngập úng vào mùa mưa, khô hạn trong mùa nắng. Việc sản xuất thuận lợi, hiệu quả nâng cao nên thu nhập và cuộc sống của người dân được cải thiện.
Kênh tiêu Dương Quang là 1 trong số 12 tuyến kênh thuộc công trình Hệ thống tiêu nước nổi các xã Đức Phong, Đức Minh, Đức Thắng (Mộ Đức), với quy mô dài hơn 22km, tổng mức đầu tư 35 tỷ đồng. Theo đánh giá của ngành nông nghiệp, công trình trên đã phát huy hiệu quả thiết thực trong việc hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Từ dự án này, nhiều diện tích đất nông nghiệp ven biển thuộc các xã Đức Phong, Đức Thắng, Đức Minh đã được khai thác hiệu quả.
Đầu tư hoàn thiện hạ tầng nông thôn là một trong những mục tiêu của "tam nông". |
Thời gian qua, việc đầu tư nâng cấp và hoàn thiện hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn luôn được ngành nông nghiệp chú trọng, tỉnh quan tâm. Năm 2023, Sở NN&PTNT được UBND tỉnh giao trên 233,4 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách địa phương trên 78,4 tỷ đồng, vốn ngân sách trung ương 155 tỷ đồng để thực hiện các công trình, dự án nhằm hoàn thiện hạ tầng, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền khẳng định, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã thúc đẩy hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung lớn, các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp có quản trị và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, xây dựng nông thôn mới liên tục được nâng chất. Tỉnh cũng đã tập trung đào tạo nghề cho lao động nông thôn, gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, hình thành lực lượng lao động đảm bảo chất và lượng tham gia sản xuất tại các vùng nguyên liệu, vùng sản xuất tập trung.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: