Chính sách "tam nông" trong giai đoạn mới

10:03, 30/03/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết tam nông), Quảng Ngãi đã gặt hái nhiều kết quả nổi bật. Đây là tiền đề để tỉnh tiếp tục đầu tư phát triển nông nghiệp, hoàn thiện hạ tầng nông thôn và nâng cao chất lượng cuộc sống nông dân.
[links()]
 
Cụ thể hóa Nghị quyết “tam nông”, UBND tỉnh đã xây dựng các chính sách, chương trình hành động gắn với thực hiện có hiệu quả Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
 
Khởi sắc nhờ “tam nông”
 
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, Nghị quyết “tam nông” không chỉ từng bước nâng tầm lĩnh vực nông nghiệp, làm mới hạ tầng nông thôn, mà còn thổi làn gió mới vào ý thức sản xuất của nông dân. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất, diện mạo nông thôn khởi sắc, thu nhập và cuộc sống nông dân được cải thiện.
 
Nghị quyết “tam nông” gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được kiên cố.
Nghị quyết “tam nông” gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giúp hạ tầng giao thông nông thôn ngày càng được kiên cố.
So với năm 2008, sản xuất nông, lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay phát triển và chuyển biến tích cực theo hướng hàng hóa, năng suất và chất lượng không ngừng được nâng lên. Chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã được hình thành và phát huy hiệu quả, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm. Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trọng tâm là đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, nhằm kết nối thị trường để quảng bá, tiêu thụ sản phẩm... góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện mức sống của người dân nông thôn. 
 
Tại huyện Sơn Hà, địa phương được xem là điểm sáng trong thực hiện Nghị quyết Tam nông gắn với Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững đã gặt hái nhiều thành tựu nổi bật trong gần 15 năm qua. Với nhiều giải pháp hay, thiết thực, hiệu quả, tiêu biểu là mạnh dạn triển khai thực hiện các dự án liên kết trong việc tổ chức và tiêu thụ sản phẩm đặc sản, với tổng nguồn vốn thực hiện hàng chục tỷ đồng, đã tạo cơ hội để nông dân, hợp tác xã nông nghiệp và doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ, ứng dụng vào sản xuất. Nhiều mặt hàng nông sản của nông dân Sơn Hà đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin tưởng, lựa chọn sử dụng.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Phùng Tô Long cho rằng, thông qua những chính sách, cơ chế phù hợp với thực tiễn giai đoạn 2008 - 2020, Nghị quyết “tam nông” đã thay đổi tích cực bức tranh kinh tế - xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của đại bộ phận người dân trên địa bàn huyện. Đây cũng là đòn bẩy giúp huyện triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, giúp người dân trên địa bàn huyện thoát nghèo, góp phần đưa Sơn Hà thoát ra khỏi huyện nghèo trong năm 2018.
 
Chuyển dịch trong giai đoạn mới
 
Kế thừa thành tựu gần 15 năm thực hiện Nghị quyết “tam nông”, giai đoạn 2021 - 2030, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục nỗ lực thực hiện thành công mục tiêu phát triển “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Cụ thể, đến cuối năm 2030, phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn từ 1 - 1,5%/năm; trên 85% số xã và 60% đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM, trong đó có 50% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu và 30% đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM nâng cao...
 
Thực hiện mục tiêu trên, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung phát triển mạnh sản xuất sản phẩm hàng hóa chủ lực, gắn với liên doanh, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị các bộ, ngành trung ương tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách “tam nông” phù hợp với điều kiện và Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. 
 
Theo đó, ngoài việc xây dựng các tiêu chí tương thích với Chương trình xây dựng NTM và Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, chính sách “tam nông” giai đoạn mới cần hướng đến việc tạo cơ chế khuyến khích gắn với môi trường thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ thông qua việc tăng cường kết nối giữa các địa phương, đẩy mạnh liên kết vùng... Bên cạnh ngân sách bố trí nguồn lực đầu tư tương xứng, cần ban hành cơ chế đặc thù thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị nông sản.
 
Thay đổi để phù hợp
 
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc và bảo vệ môi trường sinh thái. Vì vậy, trong giai đoạn mới, Nghị quyết “tam nông” cần thay đổi, điều chỉnh một số chính sách, cơ chế phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ mới, nhằm tạo đòn bẩy đẩy nhanh tốc độ phát triển ngành nông nghiệp nói riêng, kinh tế - xã hội nói chung, góp phần nâng cao mọi mặt đời sống nhân dân.
 
Bài, ảnh: MỸ HOA
 
 

.