Cấp huyện được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao

06:29, 12/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) thì UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao.

Thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg, đến nay, một số huyện, thị xã, thành phố đã thành lập hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP năm 2023 (hội đồng OCOP). Tuy bước đầu thực hiện có những khó khăn và hạn chế nhưng quá trình đánh giá, xét chọn sản phẩm OCOP do hội đồng OCOP cấp huyện thực hiện cơ bản đảm bảo các quy định.

Địa phương chủ động

Huyện Bình Sơn là một trong những địa phương thành lập hội đồng OCOP cấp huyện sớm nhất tỉnh. Các thành viên của hội đồng đã trực tiếp tham gia, đồng hành cùng chủ thể trong quá trình thực hiện và hoàn thiện thủ tục hồ sơ, các tiêu chí cho sản phẩm trước khi tham gia đánh giá, phân hạng. Đến cuối tháng 7/2023, Hội đồng OCOP huyện đã tổ chức thành công hội nghị đánh giá sản phẩm OCOP, qua đó đã công nhận 5 sản phẩm OCOP 3 sao.

Việc phân cấp trong đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP sẽ tạo thuận lợi, nâng cao vai trò và trách nhiệm trong thực hiện và phát triển OCOP của chính quyền địa phương.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, được phân cấp thực hiện xét chọn và phân hạng sản phẩm OCOP 3 sao nên huyện chủ động hơn trong công tác tổ chức, còn các chủ thể thì không phải mất quá nhiều thời gian và chi phí đi lại để hoàn thiện hồ sơ thủ tục như trước.

Đối với huyện Tư Nghĩa, các thành viên hội đồng phối hợp với đơn vị tư vấn tăng cường hướng dẫn chủ thể thực hiện các bước xây dựng sản phẩm, cũng như hoàn thiện nội dung, tiêu chí, hồ sơ dự thi. Đến tháng 8/2023, Hội đồng OCOP huyện Tư Nghĩa đã công nhận 6 sản phẩm OCOP 3 sao. Trong khi đó, Hội đồng OCOP huyện Mộ Đức cũng đã tiếp nhận hồ sơ dự thi của 9 sản phẩm. Đến thời điểm này, hội đồng đã tổ chức thẩm định hồ sơ thủ tục, kiểm tra thực tế quy trình và điều kiện sản xuất, qua đó kịp thời hướng dẫn chủ thể bổ sung và hoàn thiện các tiêu chí sản phẩm. Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai, thành viên Hội đồng OCOP huyện cho biết, đây là năm đầu tiên huyện đảm nhận việc xét chọn và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao nên quá trình thực hiện còn khó khăn, lúng túng. Nhất là tình trạng thiếu cán bộ có chuyên môn trong lĩnh vực thẩm định, đánh giá và xét công nhận OCOP.

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh, từ khi thực hiện Quyết định số 148/QĐ-TTg đến nay, toàn tỉnh đã có 3 địa phương là Bình Sơn, Tư Nghĩa và TP.Quảng Ngãi tổ chức đánh giá và công nhận 16 sản phẩm OCOP 3 sao. Riêng huyện Sơn Tịnh đã tổ chức hội nghị xét chọn nhưng chưa ra quyết định công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Khắc phục những hạn chế

Theo Quyết định số 148/QĐ-TTg và hướng dẫn của Công văn số 1158/SNNPTNT-NTM ngày 28/3/2023 của Sở NN&PTNT thì, hội đồng OCOP cấp huyện phải đảm bảo số lượng và cơ cấu. Trong đó, đại diện 3 ngành chức năng của tỉnh là NN&PTNT, KH&CN, TN&MT buộc phải tham gia hội đồng OCOP cấp huyện; còn những ngành khác sẽ tham gia khi có sản phẩm trong lĩnh vực quản lý... Tuy nhiên, một số địa phương chỉ mời đại diện các sở, ngành quản lý sản phẩm tham gia hội đồng OCOP với vai trò là... khách mời! Trong khi đó, các sở, ngành trực tiếp hướng dẫn các địa phương, chủ thể quy trình triển khai thực hiện các tiêu chí, cũng như lập hồ sơ công bố chất lượng theo quy định đối với các nhóm sản phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành. Chính vì vậy, nếu đại diện các sở, ngành cấp tỉnh tham gia hội đồng OCOP với vai trò khách mời, dẫn đến một số sản phẩm được đánh giá, phân hạng và công nhận sao OCOP không thực chất, ảnh hưởng đến thương hiệu sản phẩm OCOP của tỉnh.

Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng  NTM tỉnh Nguyễn Thanh Hiên cho biết, việc cấp huyện đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm OCOP 3 sao sẽ tạo thuận lợi, chủ động đối với các địa phương. Đồng thời tạo điều kiện để cán bộ quản lý OCOP cấp huyện, xã cọ xát thực tế, nhằm hỗ trợ và tư vấn chủ thể thực hiện kịp thời, đầy đủ các tiêu chí. Qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, chính quyền cơ sở trong quá trình thực hiện, phát triển chương trình OCOP. Với những khó khăn và tồn tại, Văn phòng Điều phối Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM tỉnh sẽ đồng hành, hỗ trợ cùng các địa phương để tháo gỡ, khắc phục, qua đó thúc đẩy sản xuất, nâng cao uy tín, sức cạnh tranh của sản phẩm OCOP trên thị trường.

Bài, ảnh: MỸ HOA

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 06:29, 12/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.