Triển vọng từ cây dược liệu

17:22, 06/09/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nhiều địa phương trong tỉnh đang định hướng, hỗ trợ người dân trồng cây dược liệu theo hướng sản phẩm hàng hóa. Đây là hướng đi phù hợp, góp phần đa dạng sinh kế, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân.

Khuyến khích trồng cây dược liệu

Vừa thu hoạch cây địa liền và tam thất nam sau 1 năm trồng dưới tán rừng, anh Đinh Văn Pay, ở thôn Bà He, xã Sơn Tinh (Sơn Tây) vui mừng thông tin, trước đây, tôi trồng tam thất nam và địa liền, nhưng chỉ trồng nhỏ lẻ rồi bán cho thương lái. Còn từ năm 2022 đến nay, khi được địa phương hỗ trợ kỹ thuật và lo đầu ra, tôi mạnh dạn đầu tư trồng 1ha. "Cây tam thất nam và địa liền phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, nên sau 1 năm trồng và chăm sóc, mô hình cho thu hoạch gần 2 tấn. Sau thu hoạch, sản phẩm đang được địa phương hỗ trợ sấy khô để chuyển ra Hà Nội tiêu thụ”, anh Pay nói.

Có nhiều công dụng đối với sức khỏe nên sản phẩm vỏ quế Trà Bồng được người tiêu dùng lựa chọn. 

Năm 2022, UBND xã Sơn Tinh đã vận động người dân tham gia thực hiện thí điểm mô hình trồng cây tam thất nam và địa liền với tổng diện tích 2ha. Địa phương hỗ trợ kỹ thuật và tìm đầu ra cho người dân. Anh Đinh Văn Pay là một trong những hộ gia đình tham gia mô hình. Chủ tịch UBND xã Sơn Tinh Trần Quý cho biết, cùng một diện tích đất, nhưng cây dược liệu tam thất nam và địa liền mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với một số cây trồng truyền thống của người dân địa phương như cây mì, bắp, keo... Hơn nữa, 2 loại cây dược liệu này không tốn nhiều công chăm sóc, thích hợp trồng dưới tán rừng, nên địa phương khuyến khích người dân tận dụng diện tích đất rừng hiện có để trồng kết hợp, giúp nâng cao hiệu quả kinh tế.

Tại các xã Sơn Long, Sơn Bua (Sơn Tây), nhiều hộ dân triển khai mô hình trồng và chế biến sản phẩm dược liệu từ cây đương quy. Theo các hộ dân, cây đương quy phải chờ đủ 18 tháng mới thu hoạch, để củ đủ hàm lượng dược chất. Bình quân mỗi sào, đương quy cho thu hoạch 2 - 3 tấn củ. Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất nông - lâm - nghiệp và Thương mại - Dịch vụ Sơn Bua Lê Thị Ánh cho biết, cây đương quy phù hợp với điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng địa phương nên phát triển tốt. Tuy nhiên, giá bán của đương quy dạng thô so với chế biến chênh lệch rất cao. Củ đương quy tươi giá bán từ 20 - 25 nghìn đồng/kg, chủ yếu bán cho các tiệm thuốc đông y. Còn sản phẩm đương quy ngâm mật ong sau khi chế biến, được hợp tác xã bán ra với giá gần 1 triệu đồng/lít. Vì vậy, về lâu dài, để cây đương quy mang lại hiệu quả kinh tế bền vững, hợp tác xã hướng đến trồng cây dược liệu gắn với chế biến.

Phát triển vùng chuyên canh

Cùng với xây dựng mô hình trồng thử nghiệm để đánh giá chất lượng, khả năng thích ứng với điều kiện canh tác của địa phương đối với các loại dược liệu, nhiều địa phương tập trung nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu đã có thế mạnh tại địa phương thành vùng chuyên canh. Tại xã Bình Châu (Bình Sơn), nhờ phát triển vùng trồng nghệ vàng tập trung với diện tích hơn 20ha, người dân Bình Châu đã xây dựng được nhãn hiệu tập thể “Nghệ vàng Bình Châu” và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) công nhận. “Gần 500 hộ gia đình tham gia trồng nghệ vàng tại xã Bình Châu được phép sử dụng nhãn hiệu tập thể trong tiêu thụ, chế biến bột nghệ, tinh bột nghệ. Uy tín và giá trị của sản phẩm nhờ vậy được nâng tầm. Mức giá bán ra của nghệ tươi và tinh bột nghệ Bình Châu luôn cao hơn từ 10 - 20% so với những sản phẩm nghệ không có nhãn hiệu”, ông Nguyễn Ngân, một hộ dân sản xuất tinh bột nghệ tại xã Bình Châu, chia sẻ.

Tại huyện Trà Bồng, quế là cây dược liệu được người dân trồng theo hướng chuyên canh với diện tích hơn 5.000ha, mỗi năm thu hoạch khoảng 2.000 tấn vỏ quế. Quế Trà Bồng đã được công nhận nhãn hiệu tập thể. Cùng với đó, 17 sản phẩm từ quế Trà Bồng đã được công nhận là sản phẩm đạt chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Việc phát triển vùng chuyên canh quế Trà Bồng gắn với xây dựng thương hiệu cho sản phẩm giúp người trồng quế có thu nhập ổn định. “Trước đây, chúng tôi chỉ bán vỏ của cây quế. Còn bây giờ, khi quế được sản xuất thành nhiều sản phẩm đa dạng như tinh dầu, bột quế, nhang, nước lau nhà, nước rửa chén... thì ngoài vỏ quế, chúng tôi còn bán được cả lá quế khô. Giá quế tăng và không đủ để bán, chứ không bấp bênh, ế ẩm như trước”, anh Hồ Văn Thẩm, ở xã Trà Hiệp (Trà Bồng), vui mừng chia sẻ.

Để phát triển cây dược liệu theo hướng ổn định, lâu dài với quy mô lớn, Quảng Ngãi đang tập trung phát triển các vùng chuyên canh sản xuất cây dược liệu. Định hướng đến năm 2025, phát triển 14,5ha cây đinh lăng, nghệ, gừng, ba kích, kim tiền thảo tại huyện Mộ Đức; 15ha ba kích, sa nhân tại huyện Ba Tơ; hơn 46ha ba kích, đinh lăng tại huyện Sơn Hà; 3.600ha quế tại huyện Trà Bồng... Qua đó, từng bước đưa nghề trồng cây dược liệu trở thành một nghề có thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân.

Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:22, 06/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.