Bất cập trong hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

17:38, 18/09/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Tiến độ thực hiện chậm, tỷ lệ giải ngân thấp, quy mô dự án nhỏ... là những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025) tại các địa phương trong tỉnh.
 
Ông Nguyễn Văn Hậu, ở xã Bình An (Bình Sơn) cho biết, được Nhà nước hỗ trợ bò, gia đình có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Nhưng chăn nuôi bò cần chi phí đầu tư và chăm sóc ban đầu, thời gian sinh lợi và quay vòng chậm. Vì vậy, nếu được hỗ trợ từ 2 con bò trở lên, những hộ nghèo như tôi sẽ có điều kiện hơn trong việc chăm sóc, thoát nghèo. Đây cũng là tâm tư của các hộ được hỗ trợ bò Zebu sinh sản, bò vỗ béo, bò vàng từ Tiểu dự án 1 (Tiểu DA 1).
Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết các địa phương đều hỗ trợ bò cho các đối tượng thụ hưởng.
Thực hiện Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, hầu hết các địa phương đều hỗ trợ bò cho các đối tượng thụ hưởng.

Một số hộ dân ở phường Phổ Ninh (TX.Đức Phổ) cũng cho rằng, việc hỗ trợ sản xuất là cần thiết nhưng phải đúng đối tượng, càng không được “cào bằng”. Cụ thể như việc hỗ trợ giống lúa, với kinh phí 36 triệu đồng nhưng có đến 125 người tham gia (bình quân 1 hộ chỉ nhận được 14,4kg giống). Điều này vừa giảm hiệu quả sản xuất, lại không đảm bảo mục tiêu là tạo sinh kế giúp hộ nghèo phát triển kinh tế.

Theo lý giải của chính quyền địa phương, do đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nên việc xác định và xây dựng kế hoạch vốn lúng túng, dẫn đến quy mô DA nhỏ, dàn trải, chưa đảm bảo mục tiêu tạo sinh kế giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho rằng, khó khăn lớn nhất hiện nay là việc lựa chọn mô hình, đối tượng hỗ trợ sao cho hiệu quả và bền vững. Bởi mô hình trồng trọt rủi ro cao, theo mùa vụ nên không thể duy trì sản xuất liên tục; còn mô hình chăn nuôi thì địa phương nào cũng chọn hỗ trợ bò, trong khi tình hình dịch bệnh trên bò diễn biến phức tạp, giá bán giảm mạnh. Với mô hình chế biến nông sản thì rất khó tìm được những hộ tham gia đáp ứng đầy đủ các điều kiện của Tiểu DA 1.

Năm 2022, nguồn vốn được bố trí để thực hiện Tiểu DA 1 là gần 5,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 4,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện mục tiêu chậm so với kế hoạch, dẫn đến vốn phân bổ năm 2022 phải chuyển sang 2023. Hiện đã triển khai thực hiện 17/18 DA, nhưng tiến độ  chậm, dẫn đến tỷ lệ giải ngân chỉ đạt hơn 4%. Năm 2023, vốn phân bổ thực hiện Tiểu DA 1 là trên 4,9 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 4,3 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các DA chỉ ở bước xây dựng kế hoạch, nên chưa được giải ngân.

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN&PTNT), tiến độ thực hiện chậm là do một số vướng mắc trong quá trình thực hiện việc đấu thầu, mua sắm thường xuyên. Trong đó, các quy định về quỹ quay vòng vốn chưa phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Bởi lẽ, đối tượng thụ hưởng Tiểu DA 1 là người dân thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định), hộ nghèo dân tộc thiểu số, phụ nữ thuộc hộ nghèo… nhưng tỷ lệ thu hồi, quay vòng vốn theo quy định từ 5 - 40% là không khả thi.

Bài, ảnh: THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:38, 18/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.