Sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công

17:54, 14/09/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Xác định rõ nguồn vốn, lập kế hoạch, triển khai phân bổ sớm và điều chỉnh vốn khi cần thiết... là những biện pháp mà Quảng Ngãi đã áp dụng trong điều hành công tác đầu tư công xuyên suốt nhiều năm qua. Qua đó, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, đảm bảo cân đối thu, chi ngân sách theo đúng quy định.
 
Cắt giảm những khoản chi không cần thiết
Mới đây, UBND tỉnh đã thống nhất trình HĐND tỉnh cắt giảm 20% kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 do nguồn thu giảm. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư trung hạn sẽ được cắt giảm từ 26,6 nghìn tỷ đồng xuống còn khoảng 21,3 nghìn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2021 - 2023 đã bố trí 10,9 nghìn tỷ đồng, như vậy trong vòng 2 năm tới kế hoạch vốn còn khoảng 10,4 nghìn tỷ đồng.
 
Công trường thi công kè sông Phước Giang (Minh Long).
Công trường thi công kè sông Phước Giang (Minh Long).

Hiện nay, 13 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh cũng đang triển khai rà soát để thực hiện cắt giảm kế hoạch chi đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021- 2025. Thành phố Quảng Ngãi có tỷ lệ cắt giảm cao nhất trong toàn tỉnh. Điều này cũng phù hợp với yêu cầu và cả thực tế hiện tại của thành phố, vì đây là địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp nhất tỉnh (8 tháng năm 2023 chỉ giải ngân được 18% tổng vốn được giao).

Trong 3 năm qua, UBND tỉnh cũng đã xem xét chấm dứt một số dự án đầu tư công không hiệu quả để tránh lãng phí. Đơn cử như dự án Đầu tư hệ thống tưới tiêu phía đông huyện Mộ Đức, nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, có tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng vì không còn phù hợp thực tế. Cắt giảm một số hạng mục để giảm quy mô, tổng mức đầu tư của một số dự án khác trên địa bàn huyện Lý Sơn, Sơn Tây, Ba Tơ, vì xét thấy việc cắt giảm là cần thiết, nhằm phát huy hiệu quả vốn đầu tư công.

Linh hoạt trong bố trí, điều chỉnh vốn

Việc cắt giảm kế hoạch chi đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021  - 2025 được tỉnh xác định chỉ là phương án tạm thời, vì hiện tại nguồn thu từ khai thác quỹ đất bị hụt. Tuy nhiên, khi có sự tăng thu từ nguồn này thì tỉnh sẽ kịp thời điều chỉnh tăng, bổ sung đủ vốn trung hạn cho các địa phương, sở, ngành theo kế hoạch đã ban hành.

Ngoài ra, tỉnh cũng đang theo dõi thông tin về những cơ chế chính sách mới từ trung ương cho phép sử dụng một số nguồn quỹ tài chính hiện tại có số kết dư lớn để chi đầu tư công, nhằm phát huy hiệu quả vốn ngân sách. Quảng Ngãi đã chủ động xây dựng kịch bản chi đầu tư công, tức là chuẩn bị các dự án để đón các nguồn vốn lớn khi trung ương chính thức ban hành cơ chế mới này. Theo đó, tổng nguồn vốn đầu tư công có khả năng sẽ bổ sung cho Quảng Ngãi từ 7.000 - 8.000 tỷ đồng. UBND tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải nghiên cứu, hình thành các dự án đầu tư công để đề xuất thực hiện ngay khi có vốn, tránh tình trạng có vốn mà không dùng được vì không có dự án.

Quảng Ngãi cũng sẵn sàng phương án chi đầu tư công khi nguồn vốn trên chính thức được xác định. Theo đó,  tỉnh sẽ ưu tiên cho 2 dự án lớn, cần thiết là cầu Trà Khúc 1, có tổng mức đầu tư dự kiến 2.200 tỷ đồng, dự án Hệ thống thu gom, xử lý nước thải tập trung của TP.Quảng Ngãi, tổng mức đầu tư dự kiến 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, dành nguồn vốn này ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông ở KKT Dung Quất với 4 tuyến chính, tổng mức đầu tư khoảng 350 tỷ đồng; đầu tư dự án chỉnh trang đô thị TP.Quảng Ngãi. Ngoài ra, tỉnh sẽ ưu tiên bổ sung cho các huyện miền núi thực hiện 6 dự án cần thiết, dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 320 tỷ đồng. Để có thể khơi thông nguồn vốn này, UBND tỉnh yêu cầu các địa phương cần bố trí kinh phí thực hiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, để năm 2024 sẽ chính thức triển khai.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:54, 14/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.