Huy động các nguồn lực để phát triển công nghiệp

17:20, 24/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU, công nghiệp của tỉnh đã có bước phát triển nhanh và hướng đến bền vững, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các chỉ tiêu phát triển công nghiệp tăng

Báo cáo đánh giá của Sở Công thương về thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 11/5/2021 của Tỉnh ủy về huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, từ năm 2021 đến nay, hầu hết các chỉ tiêu phát triển công nghiệp đều tăng, dự báo đến năm 2025 sẽ đạt và vượt so với chỉ tiêu nghị quyết đề ra.

Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng sang Singapore.       ẢNH: DS 
Doosan Vina xuất khẩu sản phẩm công nghiệp nặng sang Singapore.       ẢNH: DS 

Theo đó, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân khoảng 8%/năm. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp (DN) có đóng góp lớn như Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và các DN thuộc KCN VSIP Quảng Ngãi. Hoạt động công nghiệp ổn định góp phần giải quyết một lượng lớn lao động tại địa phương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Hiện tại, KKT Dung Quất và các KCN tỉnh đã giải quyết việc làm cho hơn 67 nghìn lao động.
Việc thực hiện chỉ tiêu thu hút đầu tư đã ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Chỉ tính riêng KKT Dung Quất và các KCN tỉnh, từ năm 2021 đến nay đã thu hút được 16 dự án đầu tư mới và điều chỉnh vốn tăng cho 63 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt trên 5,3 tỷ USD, đạt 106% so với nghị quyết đề ra. Trong đó có 9 dự án nước ngoài; 2 dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật tại cụm công nghiệp; 15 dự án thứ cấp, tổng vốn đăng ký 702 tỷ đồng, đạt 87,75% chỉ tiêu nghị quyết.

Góp phần giải quyết việc làm

Hiện nay, Quảng Ngãi được đánh giá là một trong những địa phương có lao động chất lượng với giá nhân công hợp lý. Trên địa bàn toàn tỉnh có hơn 36 nghìn lao động được đào tạo nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 61,43% năm 2022 và dự kiến đạt 70% vào năm 2023. Đặc biệt chất lượng đào tạo lao động các ngành nghề cơ khí, chế tạo, dệt may, da giày, điện - điện tử, bảo trì hệ thống thiết bị cơ khí... tăng cả về số lượng và chất lượng. Đối với trợ lực về nghiên cứu khoa học công nghệ, phục vụ phát triển công nghiệp, từ năm 2021 đến nay, có 145 dự án đầu tư được thẩm định, phê duyệt và 18 DN được tư vấn ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Trước yêu cầu thực tế phát triển, tỉnh đã tổ chức các hội nghị, hội thảo chuyên đề sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới, với hơn 60 DN, nhà quản lý tham gia. 

 

Thời gian qua, Quảng Ngãi chú trọng công tác giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai các dự án công nghiệp lớn, trọng điểm, như dự án Điện khí miền Trung, Trung tâm điện lực Dung Quất; Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 và dự án Nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Tỉnh cũng đã phê duyệt và đưa vào thực hiện Đề án huy động các nguồn lực xây dựng các khu tái định cư phục vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trong KKT Dung Quất đến năm 2030 làm cơ sở di dân, thu hồi đất, giao đất cho dự án công nghiệp. Đồng thời, tỉnh cấp giấy phép cho 165 hồ sơ thăm dò, khai thác khoáng sản; 38 hồ sơ cấp phép tài nguyên nước; 9 hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước... kịp thời phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp tại địa phương.

Về đầu tư hạ tầng KKT, KCN, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã chi ngân sách gần 210 tỷ đồng để hoàn thiện hạ tầng tại KKT Dung Quất và nâng cấp hạ tầng đường truyền kết nối thông tin. Đồng thời, hỗ trợ DN đầu tư hạ tầng xã hội thiết yếu tại KKT Dung Quất cho người lao động với 6 khu nhà ở với tổng số lượng 1.198 căn, đáp ứng cho 4.482 người lao động...

THANH NHỊ

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 17:20, 24/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.