Nhọc nhằn theo con nước
Trưa đứng bóng, nắng gắt nhưng dọc theo bãi biển An Sen, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) thấp thoáng những bóng người đi cào ngao (nghêu). Họ kéo cào đi giật lùi trên bãi biển, mắt chăm chăm nhìn xuống cát, chốc chốc khom người cúi xuống nhặt những con ngao bỏ vào túi lưới. Công cuộc mưu sinh của họ gắn với con nước thủy triều mỗi ngày.
Nghề cào ngao của người dân ở bãi biển An Sen, xã Bình Tân Phú (Bình Sơn) phụ thuộc vào con nước thủy triều. |
Thấy chúng tôi đến bắt chuyện, bà Nguyễn Thị Điểu (65 tuổi), ở thôn An Sen, vui vẻ trò chuyện. Bà Điểu kể rằng, tôi gắn bó với nghề cào ngao từ nhiều năm trước. Mỗi ngày, sau khi làm xong việc nhà, tầm khoảng 9 giờ sáng, tôi lại mang “đồ nghề” ra biển An Sen cào ngao. Nói là đồ nghề nhưng thực tế đó chỉ là một chiếc cào tự chế bằng tre dài khoảng 2m, phần dưới chiếc cào dang ra 2 bên để gắn cố định 1 vòng sắt khoảng 30 - 40cm gọi là lưỡi cào và một túi lưới đựng ngao.
“Hôm nào cào được ít, ngao nhỏ thì mình mang về nấu canh, còn hôm được nhiều thì đem bán cho các hàng quán và thương lái thu mua. Có nghề này cũng đỡ, không lo vốn liếng, cứ vác cào ra biển là có tiền. Ai siêng năng thì bắt được nhiều. Ngày vài chục nghìn, thậm chí trúng thì vài trăm nghìn, đủ chi tiêu ăn uống cho gia đình”, bà Điểu tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi được một lát, bà Điểu lại vội vàng ra mép biển tiếp tục công việc mưu sinh của mình. Nhìn đôi tay, đôi chân bạc thếch vì ngâm trong nước quá lâu và khuôn mặt sạm đen vì nắng của bà Điểu, tôi cảm nhận được nghề cào ngao của người dân nơi đây thật nhọc nhằn.
Ngoài cào ngao, nhiều người dân sống gần biển An Sen còn làm nghề lặn ngao. Để bắt được những con ngao to, chất lượng, bán được giá cao hơn, những người có sức khỏe (chủ yếu là thanh niên trai tráng) sẽ bơi ra xa bờ khoảng 25m rồi lặn bắt ngao.
Gặp anh Phạm Văn Tùng, ở thôn An Thạnh, xã Bình Tân Phú, khi anh vừa lặn ngao lên bờ. Với thành quả lặn được 6,5kg ngao, anh Tùng "lận túi" được gần 500 nghìn đồng. Đối với anh Tùng, thu nhập hôm nay không bằng một nửa mấy hôm trước, nhưng như thế cũng đủ để anh chi tiêu sinh hoạt cho gia đình trong ngày.
Theo anh Tùng thì ngao bán được cao hay thấp còn phụ thuộc vào ngao lớn hay nhỏ. Thường thì ngao lớn có giá 100 nghìn đồng/kg, ngao vừa có giá khoảng 70 nghìn đồng/kg, còn ngao nhỏ dưới 35 - 55 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, nếu cân bao tiêu hết thì có giá trên 80 nghìn đồng/kg.
Lặn bắt ốc trên đảo
Sáng, khi mặt trời vừa ló dạng, hàng chục hộ dân ở Lý Sơn bắt đầu một ngày lặn ốc xà cừ quanh đảo. Phương tiện hành nghề chỉ với một chiếc ca nô hoặc thuyền máy công suất nhỏ, có gắn hệ thống nén khí và vài chục mét dây hơi.
Ngao được thương lái thu mua ngay tại biển. |
Với hành trang mang theo là nước uống, đồ ăn trưa, thiết bị lặn hơi, anh Nguyễn Khương (37 tuổi), ở thôn Đông An Vĩnh, cùng với những người lặn ốc xà cừ khác ở đảo Lý Sơn đã nổ ca nô chạy ra cách bờ vài trăm mét để hành nghề. Anh Khương là người đã có thâm niên hơn chục năm hành nghề đánh bắt xa bờ, nhưng 7 năm nay đã chuyển sang theo nghề lặn bắt ốc xà cừ quanh đảo. Anh Khương chia sẻ, nghề này hoạt động quanh năm, vốn đầu tư ít nhưng cho thu nhập cao không thua kém gì nghề đánh bắt xa bờ. Vả lại, thợ lặn ít gặp rủi ro so với nghề lặn hải sâm, bởi nghề này chỉ lặn ở độ sâu trên dưới 10m nước.
Theo những người lặn ốc xà cừ, trước đây ốc xà cừ nhiều nên vào tận các bãi đá sát bờ, chỉ cần lội xuống nước là bắt được ốc. Tuy nhiên, những năm gần đây do khai thác nhiều nên ốc gần không còn. Mùa này không phải là mùa chính của ốc xà cừ nên mỗi ngày đi lặn, trung bình mỗi người thu hoạch được từ 25 - 30kg. Sáng đi, nửa buổi chiều vô bờ, sau khi trừ đi các khoản chi phí, trung bình mỗi người lặn ốc cũng kiếm được 500 - 700 nghìn đồng.
Ốc xà cừ được xem là món ăn đặc sản của Lý Sơn, vì vậy ốc sau khi được đưa lên bờ sẽ có thương lái đợi sẵn để thu mua. Hiện ốc xà cừ bán tại biển có giá 25 nghìn đồng/kg, còn nếu bán tại chợ sẽ có giá 30 - 35 nghìn đồng/kg.
Ngoài cào ngao, bắt ốc, nhiều người dân sống ven biển và đảo Lý Sơn còn dựa vào lợi thế để khai thác rau chân vịt, rong mơ. Những “lộc biển” này thường có theo mùa, nhưng cũng nhờ nó mà nhiều người dân nghèo có thêm nguồn thu nhập.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: