Quản lý tàu cá bằng phần mềm
Sáng 4/3, chủ tàu Trương Văn Chính, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn), đưa tàu cập vào cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) để bán sản phẩm. Sau khi hoàn tất thủ tục cập cảng, các thuyền viên cấp tập chuyển cá để bán cho thương lái, còn ông Chính thì được cán bộ Ban quản lý cảng cá Tịnh Kỳ phổ biến, hướng dẫn cách cài đặt, đăng nhập tài khoản và các bước sử dụng “Hệ thống phần mềm truy xuất nguồn gốc thủy sản điện tử” (eCDT VN).
Ông Chính cho biết, phần mềm eCDT VN không quá phức tạp, nhưng thuận lợi và hữu ích với ngư dân. Việc khai báo thông tin thực hiện các thủ tục xuất, nhập bến qua phần mềm này sẽ giúp chủ tàu, thuyền trưởng chủ động và tiết kiệm thời gian hơn so với trước. Tuy nhiên, có thể vì phần mềm eCDT VN vừa được nghiên cứu, đưa vào sử dụng từ đầu tháng 1/2024 nên chưa ổn định, có lúc xử lý dữ liệu chậm.
Phụ trách Ban quản lý Cảng cá Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Hoàng Minh Phú hướng dẫn chủ tàu Trương Văn Chính, ở thôn Tây An Hải (Lý Sơn), cách cài đặt, sử dụng phần mềm eCDT VN. |
Trong khi đó, chủ các doanh nghiệp (DN), cơ sở thu mua thủy sản cũng cho rằng việc sử dụng phần mềm eCDT VN sẽ giúp họ thuận lợi hơn trong việc thực hiện các thủ tục xác minh nguồn gốc, sản lượng nguyên liệu.
Phần mềm eCDT VN có 6 bước triển khai, gồm: Quản lý tàu xuất cảng và ghi nhận dữ liệu ban đầu về tàu và thuyền viên; ghi chép sản lượng khai thác tại thời điểm đánh bắt thông qua thiết bị nhật ký điện tử; quản lý tàu vào cảng, cập nhật sản lượng khai thác; giám sát sản lượng lên cảng, cấp biên nhận bốc dỡ, mua cá tại cảng; cấp giấy xác nhận và giấy chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu cho nhà máy chế biến.
Bên cạnh đó, phần mềm eCDT VN hỗ trợ ghi nhật ký khai thác và nhật ký chuyển tải sản phẩm khai thác, tự động đồng bộ khi tàu cập cảng và kết nối Internet. Vì vậy, khi tàu về đến cảng cá, phần mềm eCDT VN tích hợp vào hệ thống quản lý của cảng, giúp các đơn vị chuyên môn xác định sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt, đảm bảo tính minh bạch và chính xác.
Vì mục tiêu chung
Khác với mọi năm, đợt kiểm tra kết quả chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) vào tháng 4 đến, Đoàn Thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) yêu cầu báo cáo chi tiết số liệu, thực trạng tàu cá của từng địa phương, gắn với công tác quản lý, giám sát và xử lý những trường hợp vi phạm. Từ những chỉ tiêu trên, đoàn thanh tra của EC sẽ lựa chọn tỉnh để kiểm tra hồ sơ cũng như thực tế tại các cảng cá, cảng neo trú tàu thuyền.
Để thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị trên, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cơ quan, đơn vị chuyên môn tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương kiểm tra, rà soát chặt chẽ hoạt động của tất cả tàu cá; đồng thời kiểm tra và xử lý các tàu cá vi phạm quy định về lắp đặt, sử dụng thiết bị giám sát hành trình (VMS). Theo đó, từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng của tỉnh đã xử phạt 25 trường hợp tàu cá mất kết nối VMS trên 10 ngày, với số tiền 620 triệu đồng; xóa tên 30 tàu cá trong danh sách tàu cá đủ điều kiện tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa do chưa đáp ứng hoặc vi phạm các quy định.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương cho biết, với quyết tâm không để xảy ra vụ việc nào vi phạm liên quan đến hợp thức hóa hồ sơ hoặc vi phạm công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản, Sở NN&PTNT đã ban hành quy trình phối hợp kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng và giám sát bốc dỡ thủy sản qua cảng giữa ban quản lý các cảng cá, Văn phòng kiểm soát IUU tại cảng cá. Ban Quản lý các cảng cá kiểm tra, giám sát hồ sơ, đối chứng số liệu truy xuất nguồn gốc; kiểm soát chặt chẽ công tác xác nhận nguồn gốc tại cảng. Qua đó, góp phần minh bạch hóa thông tin từ công tác quản lý tàu cá ra, vào cảng đến bốc dỡ hàng hóa, đảm bảo việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các khuyến nghị của EC đạt kết quả cao nhất.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: