(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, các lực lượng chức năng của tỉnh đã thực hiện có hiệu quả công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản nguyên liệu sau khai thác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng phát sinh nhiều bất cập, khó khăn.
Từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng tại 5 cảng cá, cảng neo trú tàu cá có đủ hệ thống xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác, gồm Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi), Mỹ Á, Sa Huỳnh (TX.Đức Phổ) và Lý Sơn, cùng với 4 văn phòng đại diện kiểm soát nghề cá đã kiểm tra, kiểm soát trên 10,3 nghìn lượt tàu cập cảng, gần 10,5 nghìn lượt tàu rời cảng. Lực lượng BĐBP cũng kiểm soát trên 12,6 nghìn lượt tàu xuất, nhập (với gần 91 nghìn thuyền viên) qua các trạm kiểm soát biên phòng. Các cơ quan, đơn vị đã cấp 71 giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác (SC) cho doanh nghiệp (DN), với sản lượng gần 1.400 tấn hải sản và 57 giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC), với sản lượng 871 tấn. Không có trường hợp nào sai sót về hồ sơ xuất khẩu hải sản phải xác minh hay giải trình.
Việc truy xuất nguồn gốc thủy sản nguyên liệu sau khai thác thực hiện bằng phương thức thủ công, vừa mất thời gian, vừa tốn nhân lực, thiếu chính xác. |
Tuy nhiên, việc xác nhận SC và chứng nhận CC chủ yếu thực hiện cho các DN ngoài tỉnh, đối tượng thủy sản là cá ngừ vây vàng và cá cờ kiếm. Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu tháng 1/2021 đến cuối tháng 7/2023, lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh đã cấp 275 giấy SC cho DN, với sản lượng hơn 2.240 tấn; cấp 67 giấy CC cho DN, với sản lượng hơn 5.000 tấn. Quảng Ngãi chỉ có duy nhất 1 DN là Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thủy sản Hải Phú (KCN Quảng Phú) thực hiện xác nhận SC và chứng nhận CC phục vụ xuất khẩu, với sản lượng bình quân khoảng 430 tấn mỗi năm. Do đó, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua các cảng chỉ định của tỉnh mỗi năm chỉ đạt gần 5.500 tấn, trong tổng số 147 nghìn tấn thủy sản khai thác.
Ngoài ra, việc xác nhận thông tin để chứng nhận CC gặp khó khăn do thời gian chứng nhận CC chỉ 2 ngày. Vì vậy, Chi cục Thủy sản tỉnh không đủ thời gian để thẩm định thông tin về tàu cá và giấy phép khai thác thủy sản, giấy xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác cho các tàu cá lên cá ở tỉnh ngoài.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười cho biết, nhiều tàu cá hoạt động kiêm nghề (nghề chính và nghề phụ), nhưng trong dữ liệu nghề cá quốc gia Vnfishbase chỉ hiển thị thông tin nghề chính. Vì vậy, lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn và đối diện nguy cơ sai sót trong việc xác nhận SC, chứng nhận CC đối với sản lượng thủy sản khai thác từ nghề phụ.
Những tồn tại và bất cập trong xác nhận SC, chứng nhận CC phần lớn là do thông tin trong nhật ký khai thác thủy sản vừa thiếu, lại không chính xác. Như thành phần loài thủy sản trong nhật ký khai thác “vênh” so với khi bốc dỡ thực tế... nên sản lượng qua cảng chênh lệnh trên 20% so với sản lượng khai báo trước khi tàu cập cảng.
Giám đốc Ban Quản lý Các cảng cá tỉnh Trần Lê Hồng Sơn cho rằng, sản phẩm thủy sản từ khi đánh bắt đến lúc cập cảng, về đến nhà máy chế biến trải qua nhiều khâu. Việc xác nhận SC, chứng nhận CC bằng phương pháp thủ công như hiện nay còn thiếu chính xác. Do đó, cần ứng dụng công nghệ số ngay ở khâu khi nhật ký khai thác thủy sản; đồng thời tích hợp hệ thống phần mềm quản lý của cảng cá với truy xuất nguồn gốc thủy sản. Điều này không chỉ đảm bảo thông tin chính xác trong suốt hành trình tàu cá hoạt động trên biển, mà khi tàu về đến cảng cá, ngành chức năng xác định được sản lượng lên bến với sản lượng đánh bắt. Qua đó đảm bảo việc xác nhận SC, chứng nhận CC nhanh gọn, chính xác và minh bạch.
Vấn đề này, Chi cục Thủy sản tỉnh cũng đã tham mưu Sở NN&PTNT kiến nghị Bộ NN&PTNT xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu chung cho việc xác nhận SC, chứng nhận CC, nhằm tạo thuận lợi trong việc kiểm tra, thống nhất hồ sơ kiểm soát tàu ra vào cảng tại 53 cảng cá chỉ định trong cả nước.
Bài, ảnh: MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: