(Báo Quảng Ngãi)- Để phát triển bền vững, doanh nghiệp không thể đứng ngoài guồng chuyển đổi xanh, một xu thế tất yếu của thời đại. Vì thế, những doanh nghiệp đầu đàn ở Quảng Ngãi đã tiên phong thực hiện mục tiêu phát triển xanh và bền vững.
Mang lại giá trị kinh tế cao
Chia sẻ về thành quả của sự bền bỉ trong việc thực hiện kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững, Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi Võ Thành Đàng cho biết, năm 2024, lợi nhuận của công ty đạt và vượt chỉ tiêu, đời sống người lao động được đảm bảo. Đây là niềm vui lớn của công ty giữa bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. “Tôi nhận thấy khi doanh nghiệp tiến hành chuyển đổi xanh, sản phẩm làm ra có giá trị rất lớn, là tiêu chí để vào các thị trường lớn. Từ đó, giúp công ty xây dựng một tương lai bền vững”, ông Võ Thành Đàng nhấn mạnh.
Nhà máy Đường An Khê (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) đưa cơ giới vào thu hoạch mía. Ảnh: THANH HUYỀN |
Hiện nay, sản phẩm của Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã có mặt ở khắp các thị trường trong và ngoài nước. Bánh kẹo Biscafun, sữa đậu nành Vinasoy đã xuất khẩu sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Riêng sản phẩm đường, cuối năm 2024 công ty đã xuất khẩu lô hàng đầu tiên sang Đài Loan (Trung Quốc), tiếp đến là Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2024 cũng là năm thứ 8 liên tiếp, 4 sản phẩm: Nước khoáng Thạch Bích, bánh kẹo Biscafun, sữa đậu nành Vinasoy và đường QNS của công ty tiếp tục được công nhận Thương hiệu quốc gia.
"Chuyển đổi xanh là một trong 17 chỉ tiêu phát triển bền vững của công ty và là xu thế tất yếu của thời đại. Khi đã chuyển đổi xanh, phát triển bền vững thì doanh nghiệp sẽ dự đoán được rủi ro, tăng khả năng ứng phó, ổn định phát triển sản xuất, kinh doanh ngay cả khi nền kinh tế suy thoái”. Tổng Giám đốc Công ty CP Đường Quảng Ngãi VÕ THÀNH ĐÀNG |
Ông Võ Thành Đàng dẫn chứng cụ thể về chiến lược kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi xanh của công ty. Đối với trồng mía, việc bón phân cũng phải bón vùi để giảm phát thải ra môi trường. Mía sau khi chế biến thành đường, các phế phẩm trong quá trình sản xuất được sử dụng để tạo ra sản phẩm khác có giá trị. Đặc biệt là, toàn bộ bã mía từ Nhà máy Đường An Khê được tận dụng làm nguyên liệu phát điện của Nhà máy điện sinh khối An Khê. Công ty sản xuất sữa đậu nành dinh dưỡng thực vật phục vụ người tiêu dùng toàn cầu. Sản phẩm đồ uống như nước khoáng Thạch Bích, công ty sử dụng từ nguồn suối khoáng thiên nhiên...
Theo ông Võ Thành Đàng, chuyển đổi xanh là xu thế tất yếu của phát triển kinh tế. Cách đây 30 năm, công ty đã đề ra mục tiêu hướng đến phát triển bền vững. Kể từ thời điểm đó, mọi hành động, tư duy chiến lược đều hướng đến mục tiêu này với sự tham gia của tất cả thành viên trong công ty. Giá trị này phát triển qua từng năm, công ty đã đo lường, chứng minh bằng hiệu quả kinh tế và lợi ích về môi trường cho xã hội.
Chiến lược “thép xanh”
Bộ Công thương dự báo từ năm 2025 trở đi, nhiều thị trường xuất khẩu sẽ đưa ra những tiêu chuẩn về xanh hóa sản phẩm, nếu không tham gia vào “đường đua” này, doanh nghiệp Việt Nam sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Trong đó, tập trung là các lĩnh vực sản xuất thép, xi măng, phân bón. Khi xuất khẩu những sản phẩm này, doanh nghiệp sẽ phải tính lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất. Các nước phát triển khi nhập khẩu các mặt hàng sắt, thép, xi măng đã đặt ra những tiêu chuẩn liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động và môi trường đối với các sản phẩm nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Bến cảng tổng hợp Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất. |
Đối với Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất (Tập đoàn Hòa Phát), nhiều năm qua đã chủ động chuyển đổi sản xuất thích ứng với xu hướng chuyển đổi xanh, vừa để đáp ứng quy định trong nước, vừa để xuất khẩu bền vững ra thị trường quốc tế. Tất cả các khâu sản xuất đều được doanh nghiệp kiểm soát chặt chẽ để hướng đến sản xuất “thép xanh” vì mục tiêu phát triển bền vững.
Thực hiện chuyển đổi xanh, những năm qua, phát thải khí CO2 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn) trung bình ở mức hơn 1,6 triệu tấn/năm. Nhà máy đặt ra mục tiêu tiếp tục giảm phát thải, góp phần vào mục tiêu của Việt Nam phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. |
Theo Phó Giám đốc Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất Hồ Đức Thọ, quy trình sản xuất tại nhà máy ở KKT Dung Quất hiện đang được triển khai theo hướng tuần hoàn, khép kín và tiết giảm tiêu hao năng lượng. Mục đích là xây dựng lộ trình phát triển “thép xanh”, giảm phát thải CO2 hướng đến mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Để hiện thực hóa mục tiêu này, tại Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất, vốn đầu tư cho các hạng mục về môi trường luôn chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư cố định, với các giải pháp tốt nhất để giảm phát thải, tái sử dụng, tuần hoàn. Năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát được Viện Tiêu chuẩn Anh quốc (BSI) xác nhận hoàn thành báo cáo kiểm kê khí nhà kính theo Tiêu chuẩn ISO 14064-1:2018, làm tiền đề đáp ứng các yêu cầu khác khi xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, nhất là khu vực EU.
Để có “thép xanh”, chất lượng không khí, nước được công ty xử lý bằng các thiết bị bảo vệ môi trường hiện đại nhất, giảm lượng tiêu thụ than và điện. Đối với nhiệt sinh ra trong quy trình sản xuất, công ty sử dụng công nghệ chuyển hóa lượng nhiệt dư khổng lồ này thành đầu vào để sản xuất điện. Hiện nay, tại dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất (giai đoạn 1) đã có nhà máy sản xuất điện và hoàn toàn là “điện xanh”, vì không phải đốt thêm than hay bất cứ một vật chất nào khác, giúp bảo vệ môi trường. Giải pháp này mang lại hiệu quả rõ rệt, góp phần tạo nên sản phẩm “thép xanh”, thân thiện với môi trường, tăng thêm sức cạnh tranh cho sản phẩm.
Bài, ảnh: THANH HUYỀN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: