Vực dậy nghề trồng dâu, nuôi tằm

15:01, 24/01/2024
.
(Báo Quảng Ngãi)- Ở xã Nghĩa Thuận (Tư Nghĩa), nhiều thanh niên đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình trồng dâu, nuôi tằm. Không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, mô hình còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương.

Dẫn tôi tham quan 10 sào dâu xanh tốt của gia đình, anh Tôn Long Quý (33 tuổi), ở thôn Nam Phước  - một trong những hộ thanh niên khởi nghiệp thành công mô hình trồng dâu, nuôi tằm cho biết, trước đây làng này có tên gọi là “xóm buồng”, là thủ phủ của nhiều héc ta dâu. Người trong làng hầu hết đều làm nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trải qua thời gian, làng nghề trồng dâu, nuôi tằm nơi đây dần mai một.

"Nhiều người dân tha hương đi làm ăn xa, thanh niên trẻ ít mặn mà với nghề cũ. Nhận thấy tiềm năng ở địa phương có thể phát triển lại nghề cũ, tôi đã nghiên cứu, tham quan mô hình tại một số tỉnh, thành phố để phát triển lại nghề truyền thống của cha ông", anh Quý bộc bạch.

 Anh Tôn Long Quý kiểm tra các né gỗ nuôi tằm.
Anh Tôn Long Quý kiểm tra các né gỗ nuôi tằm.

Cuối năm 2021, anh Quý vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội huyện để đầu tư xây dựng buồng nuôi tằm 100m2 và trồng 10 sào dâu để chủ động nguồn thức ăn cho tằm. Lứa đầu tiên, anh đặt mua 1 hộp tằm giống về nuôi thử nghiệm. Rút kinh nghiệm từ đợt nuôi đầu, anh chú ý hơn đến việc đảm bảo chất lượng con giống, kỹ lưỡng trong khâu chăm sóc và tiếp tục tăng số lượng nuôi 2 hộp tằm giống.

Sau 15 ngày chăm sóc, anh thu được hơn 80kg kén, với giá bán hiện nay 180 nghìn đồng/kg, gia đình anh thu lãi gần 10 triệu đồng. Mỗi năm anh Quý nuôi từ 9 - 10 lứa tằm, cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Ngoài ra, anh còn tận dụng bán nhộng tằm, rượu tằm, tận dụng phân tằm để bón cho ruộng dâu, giảm chi phí phân bón.

Trước đây, việc nuôi tằm rất vất vả, bếp bênh, nhưng hiện nay nhờ có giống, kỹ thuật và nguồn thức ăn bảo đảm nên mô hình mang lại thu nhập rất ổn định. Ngoài áp dụng phương pháp nuôi tằm trên nền nhà, gia đình anh Quý còn dùng né gỗ cho tằm bám, thay cho né tre truyền thống, từ đó góp phần giảm công lao động. Anh Quý còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu, nuôi tằm, giúp các gia đình nông dân và đoàn viên, thanh niên địa phương phát triển kinh tế gia đình.

Thông qua hướng dẫn, học hỏi kinh nghiệm từ anh Quý, gia đình anh Tôn Long Lực, ở thôn Nam Phước đã mạnh dạn trồng 10 sào dâu và đầu tư nuôi tằm. Từ 1 hộp tằm nuôi, đến nay anh Lực đã đầu tư cơ sở vật chất, phát triển thêm hai hộp tằm nuôi. “Từ khi nuôi tằm, được anh Quý hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ liên kết bao tiêu đầu ra ổn định, kinh tế gia đình tôi có bước phát triển hơn trước. Nếu so với nuôi heo, trồng bắp, trồng mì trước đây thì trồng dâu, nuôi tằm, cho thu nhập khá ổn định”, anh Lực phấn khởi nói.

"Trồng dâu, nuôi tằm có nguồn thu nhập và đầu ra ổn định. Hiện nhu cầu về tơ tằm khá cao, thị trường tiêu thụ rộng. Mô hình này phù hợp để thanh niên địa phương phát triển kinh tế, mang lại thu nhập cao hơn so với các loại cây trồng khác. Đoàn xã sẽ tích cực hỗ trợ thanh niên phát triển tổ liên kết phát triển mô hình, tạo điều kiện kết nối để thanh niên tiếp cận các nguồn vốn vay, để đầu tư trồng dâu, nuôi tằm, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn”.

Phó Bí thư phụ trách Đoàn xã Nghĩa Thuận Lê Hoàn Thiện 

Hiện nay, anh Tôn Long Quý đang phối hợp với Đoàn xã Nghĩa Thuận liên kết 9 hộ dân, trong đó có 5 hộ thanh niên để hình thành tổ hợp tác phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trung bình mỗi hộ nuôi 1 - 2 hộp tằm giống, diện tích trồng dâu cũng ngày càng được mở rộng. “Chúng tôi liên kết với doanh nghiệp tại tỉnh Bình Định, phía đơn vị cung cấp con giống chất lượng và hỗ trợ đầu ra sản phẩm ổn định cho các hộ tham gia. Sắp đến, chúng tôi sẽ tiếp tục liên kết thêm với một công ty tơ tằm tại tỉnh Gia Lai để hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm, phát triển thêm thành viên tổ liên kết, để khôi phục lại nghề truyền thống của địa phương, phát triển kinh tế cho thanh niên”, anh Quý chia sẻ.

Bài, ảnh: KIM NGÂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:01, 24/01/2024

Ý kiến bạn đọc


.