(Báo Quảng Ngãi)- Từ đầu tháng 11/2023 đến nay, hàng loạt ngân hàng đã đồng loạt giảm lãi suất huy động. Trong đó, nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất ở kỳ hạn 1 - 3 tháng xuống mức thấp kỷ lục, còn 2,2 - 2,6%/năm. Điều này khiến cho dòng tiền đầu tư tài chính cá nhân chịu nhiều tác động.
Năm 2023 là năm lãi suất tiết kiệm đã giảm gần chạm đáy, xuống mức 2%/năm. Mới đây, Vietcombank Quảng Ngãi đã điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi theo chủ trương chung của hội sở chính ở các kỳ hạn từ 1 tháng đến 11 tháng. Theo đó, lãi suất huy động kỳ hạn 1 - 2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, 3 - 5 tháng chỉ còn 2,2%/năm, 6 - 11 tháng còn 3,2%/năm. Đối với tiền gửi các kỳ hạn từ 12 - 24 tháng, ngân hàng vẫn giữ nguyên mức lãi suất 4,8%/năm. Hiện Vietcombank Quảng Ngãi đang có lãi suất huy động thấp nhất thị trường.
Khách hàng đến giao dịch tại Vietcombank Quảng Ngãi. |
Trước đó, Agribank Quảng Ngãi cũng có nhiều lần giảm lãi suất huy động. Hiện Agribank Quảng Ngãi đang áp dụng mức 2,2%/năm cho tiền gửi kỳ hạn 1 - 2 tháng, 2,5%/năm kỳ hạn 3 - 5 tháng; 3,6%/năm cho kỳ hạn 6 - 9 tháng; 5,5%/năm cho kỳ hạn 12 - 18 tháng.
Trong khi đó, lãi suất các kỳ hạn 1 - 5 tháng tại BIDV Quảng Ngãi và VietinBank Quảng Ngãi đang ngang bằng nhau, từ 2,6 - 3%/năm. Đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 - 11 tháng, BIDV và VietinBank đang có sự nhỉnh hơn hai ngân hàng còn lại trong nhóm Big4, với mức lãi suất 4%/năm. Đối với lãi suất tiền gửi kỳ hạn từ 24 - 36 tháng, BIDV và VietinBank đang áp dụng mức lãi suất 5,3%/năm.
Nhìn chung, mặt bằng lãi suất huy động dao động từ 0,1 - 6,0%/năm, so với năm trước lãi suất giảm từ 0,1 - 3,4%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất huy động không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng dao động từ 0,1 - 0,5%/năm; lãi suất huy động kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng là 4,75%/năm, đảm bảo đúng quy định. Hiện VietABank Quảng Ngãi, Sacombank Quảng Ngãi đang có lãi suất huy động cao.
Thông thường, vào dịp cuối năm, dòng tiền thường chảy ra khỏi ngân hàng vì doanh nghiệp, người dân rút tiền để chuẩn bị sản xuất kinh doanh cho mùa cao điểm, cũng như mua sắm chi tiêu dịp Tết. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hấp thụ vốn yếu (không có nhu cầu vay vốn), dẫn đến nguồn vốn còn dư thừa nhiều trong các ngân hàng.
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, mặc dù lãi suất huy động giảm kỷ lục nhưng số lượng tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh so với năm 2022. Hiện tổng nguồn vốn huy động tại Vietcombank Quảng Ngãi là 8.600 tỷ đồng, tăng trưởng 18%. Trong đó, tiền gửi của cá nhân và doanh nghiệp nhỏ tăng 10%, doanh nghiệp lớn tăng 8%.
Nhận định về việc tiền nhàn rỗi vẫn chảy vào kênh tiết kiệm bất chấp lãi suất tiền gửi đã giảm mạnh thời gian qua, các chuyên gia cho rằng, kênh tiền gửi luôn được người dân ưa chuộng vì tính an toàn dù tỷ suất sinh lời không bằng các kênh đầu tư khác. Nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường vàng và chứng khoán biến động mạnh, gây nhiều rủi ro khiến nhà đầu tư tiếp tục “trú ẩn” vào kênh tiền gửi tiết kiệm.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Quảng Ngãi, tính đến 31/12/2023, tổng nguồn vốn huy động tại Quảng Ngãi ước đạt trên 83,5 nghìn tỷ đồng, so với cuối năm 2022 tăng gần 14%. Trong đó, tiền gửi tiết kiệm ước đạt trên 51,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 61,2% tổng nguồn vốn huy động, so với cuối năm 2022 tăng gần 13%; tiền gửi thanh toán ước đạt 31,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 37,7% tổng nguồn vốn huy động, so với cuối năm 2022 tăng gần 14%; tiền gửi khác (phát hành giấy tờ có giá) ước đạt 930 tỷ đồng, chiếm 1,1% tổng nguồn vốn huy động.
Nguồn vốn huy động lớn tập trung ở các tổ chức tín dụng như Agribank Quảng Ngãi chiếm 21,14% (trên 17 nghìn tỷ đồng) so với tổng vốn huy động; BIDV Quảng Ngãi chiếm 13,45% (khoảng 11 nghìn tỷ đồng) so với tổng vốn huy động; Vietcombank Quảng Ngãi chiếm gần 11% (8.600 tỷ đồng) so với tổng vốn huy động. Nguồn vốn huy động đến cuối tháng 12/2023 ước tăng gần 14% so với cuối năm 2022.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: