Mở rộng diện tích
Những năm qua, thay vì chỉ trồng gừng gió với số lượng ít để ăn trong gia đình, nhiều hộ dân ở các xã Sơn Trà, Hương Trà (Trà Bồng) tập trung mở rộng diện tích trồng gừng gió để phát triển kinh tế gia đình. “Trồng gừng gió cần ít diện tích đất, nhẹ công chăm sóc. Bình thường, giá gừng gió khoảng 60 nghìn đồng/kg, còn gần Tết, giá gừng lên đến hơn 100 nghìn đồng/kg. Bình quân mỗi héc ta, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận hơn 70 triệu đồng. Gừng thu hoạch tới đâu, thương lái đến mua hết đến đó nên người dân rất yên tâm, không phải lo lắng về đầu ra”, anh Hồ Văn Nghĩa, ở thôn Trà Xuông, xã Sơn Trà chia sẻ.
Còn anh Hồ Văn Thảo, ở thôn Trà Ong, xã Sơn Trà cho hay, so với cây keo thì cây gừng gió đạt hiệu quả kinh tế hơn rất nhiều. Gừng trồng khoảng 1 năm đã cho thu hoạch, giá bán ra lại cao. Trong khi cây keo, sau 5 năm mới cho thu hoạch.
Gừng gió Trà Bồng trở thành sản phẩm OCOP tiêu biểu của tỉnh. |
Nhận thấy cây gừng gió được thị trường ưa chuộng, lại quen thuộc với người dân địa phương, huyện Trà Bồng đã đưa loại cây bản địa này vào danh mục cây trồng ưu tiên phát triển. Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hoàng Anh Ngọc cho biết, 6 xã khu Tây của huyện là Sơn Trà, Hương Trà, Trà Phong, Trà Xinh, Trà Thanh và Trà Tây được khoanh vùng trồng gừng gió với diện tích 20ha, định hướng sẽ phát triển lên 25ha vào năm 2025 và 30ha vào năm 2030. Việc phát triển cây gừng gió thành sản phẩm hàng hóa không chỉ nhằm mục đích đa dạng sinh kế, mang lại thu nhập cho người dân địa phương mà còn gắn với bảo vệ, bảo tồn nguồn gen cây bản địa quý giá này.
Nâng tầm sản phẩm
Cùng với mở rộng diện tích vùng trồng gừng gió, chính quyền và người dân huyện Trà Bồng còn đồng lòng xây dựng thương hiệu cho loại cây truyền thống của quê hương. Nhờ đó, loại cây dược liệu này ngày càng khẳng định vị thế trên thị trường.
Cuối năm 2022, gừng gió Trà Bồng được công nhận là sản phẩm đạt tiêu chuẩn 3 sao cấp tỉnh của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Với vai trò là chủ thể, Hợp tác xã Nông nghiệp Sơn Trà (xã Sơn Trà) đã liên kết với gần 30 hộ dân địa phương để phát triển vùng nguyên liệu gừng gió 6ha và xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP cấp tỉnh.
Từ năm 2022, Công ty Hoàng Linh Biotech - doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh dựa trên việc thương mại hóa các nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ tại TP.Hồ Chí Minh cũng đã lựa chọn Trà Bồng làm địa phương để liên kết, chuyển giao khoa học kỹ thuật, phát triển vùng nguyên liệu sản xuất. Theo Công ty Hoàng Linh Biotech, hàm lượng tinh chất dược liệu có trong gừng gió trồng tại các xã phía tây của Trà Bồng cao hơn 400 lần so với gừng bình thường. Trà Bồng có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và nguồn gen cây dược liệu mà không phải địa phương nào trong cả nước cũng có.
Đầu năm 2023, sau một thời gian liên kết, hỗ trợ người dân địa phương trồng gừng gió, Công ty Hoàng Linh Biotech thông tin, sản phẩm cốm gừng Tây Trà đông trùng hạ thảo, với nguyên liệu chính làm từ gừng gió Trà Bồng đã có những kiện hàng đầu tiên được xuất ra nước ngoài. Từ những kết quả bước đầu đạt được trong phát triển, gừng gió đang được kỳ vọng là loại cây giảm nghèo, mang lại thu nhập khá cho người dân vùng cao Trà Bồng.
Bài, ảnh: ĐÔNG YÊN
TIN, BÀI LIÊN QUAN: