Sản xuất nông nghiệp tập trung:  Khai thác tiềm năng, lợi thế của từng vùng

15:57, 09/10/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp (SXNN) tập trung sẽ giúp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế. Song, để vùng SXNN tập trung phát huy hiệu quả thì cần chú trọng công tác quy hoạch  và khai thác tiềm năng, lợi thế mỗi vùng.

Hiệu quả rõ nét

Sản xuất tại xã Bình Tân Phú, sản phẩm củ nén đang dần chiếm lĩnh thị trường tiêu thụ, nhất là từ khi địa phương xây dựng và hình thành vùng sản xuất tập trung, với diện tích khoảng 20ha. Bà Hà Thị Ngại, thôn Phú Nhiêu 2 (Bình Tân Phú) cho biết, việc sản xuất theo kiểu “3 cùng”, đó là cùng một cánh đồng, cùng đối tượng cây trồng, cùng mùa vụ giúp nông dân thuận lợi trong việc chia sẻ kinh nghiệm trồng, chăm sóc, hoặc giúp nhau phòng trừ sâu bệnh. Điều này không chỉ giúp năng suất và chất lượng nén Bình Tân Phú ngày càng nâng cao, mà còn được thương lái ưu ái thu mua vì sản lượng lớn, đảm bảo cung ứng cho bạn hàng.

Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng. 
Trong ảnh:  Người dân thu hoạch bí đao tại vùng sản xuất tập trung ở xã Bình Dương (Bình Sơn). 
Hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung sẽ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng.  Trong ảnh:  Người dân thu hoạch bí đao tại vùng sản xuất tập trung ở xã Bình Dương (Bình Sơn). 

Như niên vụ nén 2022 - 2023, sản lượng nén đạt từ 1,4 - 1,8 tạ/sào (500m2), được thương lái thu mua với giá từ 80 - 100 nghìn đồng/kg, giúp nông dân có thu nhập khá (40 - 50 triệu đồng). Từ vùng sản xuất tập trung, nén trở thành loại cây trồng chủ lực, sản phẩm “nén Bình Phú” cũng được gắn sao OCOP cấp tỉnh vào tháng 12/2020.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền cho biết, nhiều vùng SXNN tập trung trên địa bàn huyện đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, nhất là những diện tích rau màu được chuyển đổi từ đất trồng lúa kém hiệu quả (gần 3.360ha). Giá trị sau thu hoạch đạt trên 78 triệu đồng/ha/năm, cao hơn 10 triệu đồng/ha so với trước, thu nhập của người dân vì thế cũng gia tăng. Huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT rà soát các vùng SXNN tập trung, đề xuất cơ quan chuyên môn của tỉnh cấp mã số vùng trồng đối với những vùng sản xuất các sản phẩm đã được gắn sao OCOP, gồm: Nén Bình Phú, tinh bột nghệ Bình Châu, hành tím Bình Hải và chanh thơm Bình Thanh... Qua đó, đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc nhằm thu hút doanh nghiệp hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ, giúp các sản phẩm có cơ hội vươn xa trên thị trường.

Tại huyện Mộ Đức, các vùng SXNN tập trung với diện tích 120ha không chỉ mang lại niềm vui cho nông dân qua việc giảm chi phí, tăng thu nhập, mà còn thể hiện vai trò “dẫn dắt” và định vị các mặt hàng nông sản. “Muốn rau thơm, quả sạch, thương lái nghĩ ngay đến vùng SXNN tập trung ở thôn An Mô (Đức Lợi). Cần cung ứng các loại rau, củ, quả mùa đông, bạn hàng lại giới thiệu về vùng SXNN tập trung ở thôn Lương Nông Bắc (Đức Thạnh) hay thôn Thạch Thang (Đức Phong). Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Mộ Đức Nguyễn Thị Tường Mai cho biết. Từ những “cái được” của 120ha trên, huyện Mộ Đức tiếp tục quy hoạch 4 tiểu vùng SXNN tập trung, với tổng diện tích dự kiến 1.500ha để tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, đáp ứng nhu cầu sản xuất chuyên canh hàng hóa.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Một trong những cái khó của quy hoạch vùng SXNN tập trung là chưa nghiên cứu đầy đủ nhu cầu thị trường, dẫn đến việc xác định quy mô diện tích của từng loại đối tượng cây trồng thiếu chính xác. Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho rằng, quy hoạch vùng SXNN tập trung chủ yếu căn cứ vào điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn nước... của mỗi khu vực, địa phương nhằm xác định các loại cây trồng phù hợp, chứ chưa tính toán cụ thể quy mô hàng hóa tập trung cho từng loại cây trồng theo dự báo, tín hiệu của thị trường. Ngoài ra, nhiều diện tích đã được chính quyền địa phương quy hoạch, người dân tổ chức sản xuất theo hình thức tập trung, quy mô hàng hóa nhưng chưa được cấp thẩm quyền công nhận là vùng SXNN tập trung. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi người dân tham gia canh tác, mà còn trở thành rào cản trong việc thu hút doanh nghiệp hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ.

Trưởng phòng Kinh tế TX.Đức Phổ Trần Thanh Tựu đề nghị, để vùng SXNN tập trung phát huy hiệu quả thì ngay từ khâu quy hoạch, ngành nông nghiệp cần hỗ trợ và định hướng, cũng như duy trì việc khảo sát, đánh giá định kỳ để kịp thời điều chỉnh các đối tượng cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế từng vùng, gắn với nhu cầu thị trường. Ngoài ra, Nhà nước cần bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách kịp thời, tạo thuận lợi để địa phương huy động các nguồn lực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông nội vùng, kho bãi cùng nhà máy chế biến, bảo quản... tại các vùng quy hoạch SXNN tập trung.

Bài, ảnh: MỸ HOA

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 15:57, 09/10/2023

Ý kiến bạn đọc


.