(Báo Quảng Ngãi)- Huyện Ba Tơ vừa hỗ trợ người dân canh tác lúa theo hướng "1 phải, 5 giảm". Nghĩa là phải sử dụng giống lúa đã được xác nhận và giảm lượng giống, nước, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thất thoát sau thu hoạch để tăng lợi nhuận.
Mô hình trồng lúa “1 phải, 5 giảm” tại xứ đồng Ruộng Lang, thôn Tân Long, xã Ba Động (Ba Tơ). Ảnh: HỮU PHÁT |
Gần 20 hộ dân tại xứ đồng Ruộng Lang, thôn Tân Long, xã Ba Động (Ba Tơ) vừa thu hoạch các diện tích lúa được canh tác theo hướng “1 phải, 5 giảm” trong niềm phấn khởi, vì chi phí đầu vào giảm, lợi nhuận lại tăng.
“Trước kia, bình quân mỗi sào, tôi gieo sạ chừng 7 kg lúa giống. Còn giờ, khi canh tác theo hướng “1 phải, 5 giảm”, thì nông dân chúng tôi chỉ gieo sạ mỗi sào khoảng 5 kg. Trong quá trình canh tác, chúng tôi giảm lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhưng thật bất ngờ là lúa phát triển tốt và đạt năng suất cao hơn”, chị Võ Thị Nga, một hộ dân ở thôn Tân Long, xã Ba Động chia sẻ.
Nhằm giúp người dân địa phương nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Ba Tơ thực hiện mô hình canh tác lúa theo hướng “1 phải, 5 giảm”, với diện tích 1,7ha tại xứ đồng Ruộng Lang, thôn Tân Long, xã Ba Động vào tháng 5/2023. Các hộ tham gia mô hình đã giảm khoảng 50% lượng phân bón; số lần phun thuốc trừ sâu, bệnh cho lúa không quá 4 lần/vụ (giảm 3 lần so với trước đây). Cùng với đó, nông dân giảm lượng lúa giống gieo sạ, từ 140kg/ha xuống 100kg/ha. Nhờ đó, người dân đã tiết kiệm đáng kể chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (khoảng 2,8 triệu đồng/ha), chi phí lúa giống (khoảng 700 nghìn đồng/ha).
Giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón vào canh tác, nhưng năng suất lúa của các hộ dân tham gia mô hình “1 phải, 5 giảm” ước đạt từ 61- 63 tạ/ha, tăng từ 1 - 3 tạ/ha so với trước đây. Lợi nhuận mang lại từ mô hình cao hơn cách canh tác lúa thông thường khoảng 4,4 triệu đồng/ha.
Theo Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Tơ Trần Ngọc Hòa, lâu nay, nông dân địa phương có thói quen gieo sạ rất dày. Đồng thời hễ thấy lúa kém xanh là bà con mua ngay phân bón về bổ sung, hoặc thấy có sâu hại tấn công lúa là bằng mọi giá mua thuốc bảo vệ thực vật về phun ngay. Vì vậy, chi phí sản xuất lúa bao giờ cũng cao, lợi nhuận trong sản xuất lúa thấp. Mặt khác, việc bón phân, phun thuốc trừ sâu bệnh chưa khoa học sẽ tồn đọng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân vô cơ gây hại cho môi trường. Vì vậy, mô hình này nhằm tạo điều kiện cho nông dân ứng dụng tốt các giải pháp kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường, bảo vệ an toàn sức khỏe cho người sản xuất và tiêu dùng. Áp dụng mô hình này còn giúp nông dân hạn chế bị ảnh hưởng bởi những cơn “bão giá” trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc BVTV).
Ý THU - HỮU PHÁT
TIN, BÀI LIÊN QUAN: