Trồng bắp sinh khối: Sinh kế mới cho nông dân

08:07, 24/09/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, nông dân Quảng Ngãi đã đầu tư mở rộng vùng trồng bắp sinh khối, với tổng diện tích hơn 860ha, trong đó có 600ha trồng theo diện liên kết. Mô hình này đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân.
 
Sau gần 3 năm kể từ ngày Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi (trang trại), ở xã Đức Phú (Mộ Đức) đi vào hoạt động, người dân trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng bắt nhịp, liên kết cùng trang trại phát triển vùng trồng bắp sinh khối khoảng 600ha, trải dài ở các huyện Mộ Đức, Nghĩa Hành, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, TX.Đức Phổ…
 
Mô hình trồng bắp sinh khối của bà Nguyễn Thị Thương, ở thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức).
      Mô hình trồng bắp sinh khối của bà Nguyễn Thị Thương, ở thôn Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức).

Trồng hơn 2ha bắp sinh khối, anh Cao Văn Hải, ở xã Hành Minh (Nghĩa Hành) hồ hởi chia sẻ, bắp sinh khối là bắp được thu hoạch cả cây, ở giai đoạn trái bắp vừa chín tới, nên rút ngắn được thời gian so với việc trồng bắp lấy hạt. Thay vì mỗi vụ bắp kéo dài 3,5 tháng, thì nay, từ lúc xuống giống tới khi thu hoạch, chúng tôi chỉ mất 80 ngày. 

Cũng theo anh Hải, bình quân mỗi vụ, 1ha bắp sinh khối đạt năng suất khoảng 50 tấn/ha, có lúc hơn 60 tấn/ha. Với giá thu mua ổn định của trang trại từ 1,3 -1,35 triệu đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, anh Hải có lãi 27 - 30 triệu đồng/ha. Đều đặn 2 năm qua, anh Hải trồng 3 vụ bắp sinh khối/năm, thu nhập bình quân hơn 160 triệu đồng/năm.

Tại thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), từ năm 2022 đến nay, người dân nơi đây rầm rộ chuyển từ trồng đậu phụng sang trồng bắp sinh khối, với tổng diện tích gần 40ha.

Đại diện Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Đức Phong cho biết, trước đây các thành viên trong  HTX chủ yếu trồng đậu phụng. Tuy nhiên, giá đậu phụng thường bấp bênh lại đòi hỏi rất nhiều công chăm sóc, thu hoạch. Vì vậy, người dân dần chuyển sang trồng bắp sinh khối, vì được trang trại ký hợp đồng thu mua với giá ổn định, lại được thu hoạch tận vườn. “Bình quân mỗi sào, tôi bỏ vốn 200 nghìn đồng để mua 1kg hạt bắp giống và sau 80 ngày tôi thu hoạch được khoảng 4 tấn. Sau khi trừ hết chi phí, tôi lãi được 2 triệu đồng. Mô hình trồng bắp sinh khối thực sự hiệu quả, phù hợp với vùng đất cát Thạch Thang. Năng suất của bắp sinh khối tại địa phương cũng cao hơn so với nhiều nơi khác”, ông Nguyễn Trình, thành viên  HTX Nông nghiệp Đức Phong bày tỏ.

Vừa tranh thủ thu hoạch vụ bắp sinh khối cuối cùng của năm 2023 để vận chuyển đến Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, anh Cao Văn Bằng, ở thôn Phước Lộc, xã Đức Phú (Mộ Đức) vui mừng cho biết, 2 năm nay, vào mùa thu hoạch bắp (tháng 2, 6, 9) tôi liên kết cùng nhiều lao động trong xã và các huyện Ba Tơ, Minh Long, thành lập đội thu hoạch bắp. Chúng tôi làm theo hình thức khoán, cứ 10 tấn thì lấy tiền công 1,7 triệu đồng. Bình quân mỗi ngày, 6 anh em thu hoạch được chừng 15 tấn bắp sinh khối, mang lại cho mỗi người khoảng 400 nghìn đồng/ngày.

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, bắp có vai trò quan trọng trong cơ cấu cây trồng của tỉnh, là cây lương thực đứng thứ 2, chỉ sau cây lúa. Trước đây, người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu trồng bắp lấy hạt. Trong vài năm trở lại đây, nắm bắt nhu cầu thức ăn cho chăn nuôi bò của tỉnh rất lớn (gần 300 nghìn con), một số địa phương đã chủ động chuyển đổi diện tích trồng bắp lấy hạt sang trồng bắp sinh khối, với tổng diện tích hơn 860ha. Trồng bắp sinh khối có nhiều ưu điểm hơn so với trồng bắp truyền thống, vì thời gian thu hoạch ngắn hơn từ 20 - 25 ngày, chi phí sản xuất cũng thấp hơn, vì cắt giảm các công đoạn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Trước hiệu quả của mô hình trồng bắp sinh khối mang lại, các địa phương cần hỗ trợ, kết nối, hình thành mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp, nhằm mở rộng vùng nguyên liệu sản xuất bắp sinh khối theo hướng bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Bởi hiện nay, diện tích đất trồng bắp trên địa bàn toàn tỉnh ước đạt hơn 10 nghìn héc ta. Dư địa để phát triển bắp sinh khối đáp ứng nhu cầu chế biến thức ăn chăn nuôi còn khá lớn. 

 Theo đại diện Trang trại bò sữa Vinamilk Quảng Ngãi, năm 2023, trang trại liên kết với khoảng 6.000 hộ dân trên địa bàn tỉnh, trồng 600ha bắp sinh khối. Năm 2024, trang trại có nhu cầu nâng diện tích liên kết trồng bắp từ 600ha lên 700ha, để đủ 28 nghìn tấn bắp sinh khối làm thức ăn cho bò.

Bài, ảnh: Ý THU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:07, 24/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.