(Báo Quảng Ngãi)- Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) theo Quyết định số 148/QĐ-TTg ngày 24/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ có điều chỉnh, thay đổi một số nội dung. Trong đó, gia tăng số điểm của tiêu chí “sức mạnh cộng đồng” (chiếm 40/100 điểm), nhằm tạo tính riêng biệt, tăng sức cạnh tranh của các sản phẩm OCOP.
Mạch nha Kim Hồng (Mộ Đức) là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh nhưng tiêu thụ nhỏ lẻ, chưa tạo sức bật trên thị trường. Ảnh: M.Hoa |
Sức mạnh cộng đồng của sản phẩm OCOP được đánh giá dựa trên các tiêu chí thành phần, gồm: Sử dụng nguyên liệu, lao động địa phương; liên kết sản xuất; bản sắc văn hóa, sức mạnh tinh thần địa phương trong sản phẩm... Đơn cử như các sản phẩm OCOP 3 sao: Nước mắm Mười Quý (Bình Sơn); nước mắm Đức Hải, Phát Hải, Phương Loan (Mộ Đức) sở hữu câu chuyện sản phẩm riêng biệt, độc đáo. Bởi sản xuất nước mắm không chỉ là một nghề truyền thống, mà còn gắn liền với lịch sử, địa danh, con người, văn hóa và tập quán sinh hoạt của riêng cộng đồng người dân khu vực ven biển qua nhiều năm.
Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng nguyên liệu địa phương, hiếm có sản phẩm OCOP thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa đặc trưng, tính riêng biệt cũng như sức mạnh chung của cộng đồng địa phương. Vì vậy, dù có đến 140 sản phẩm đã được gắn sao OCOP của tỉnh (9 sản phẩm đạt 4 sao, 131 sản phẩm 3 sao), nhưng ít có sản phẩm OCOP vượt trội, nên chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa mạnh mẽ trên thị trường. Như các sản phẩm mạch nha của huyện Mộ Đức cũng sở hữu câu chuyện đặc biệt gắn liền với câu ca “Kẹo gương Thu Xà, mạch nha Thi Phổ”. Tương truyền, nghề làm mạch nha xuất phát từ gia đình ông Phó Sáu, ở thôn Thiết Trường, tổng Lại Đức (nay là thị trấn Mộ Đức) và được con, cháu phát triển thành cơ sở sản xuất quy mô tại Thi Phổ và thị trấn Đồng Cát (Mộ Đức).
Trong Địa chí Quảng Ngãi cũng ghi lại, từ những năm 1930 - 1935, mạch nha Quảng Ngãi đã được trưng bày tại hội chợ ở Huế, Hà Nội và được công nhận là sản phẩm tiểu thủ công nghiệp xuất sắc. Tuy nhiên, sản phẩm mạch nha Thy Thảo, Kim Hồng (Mộ Đức) còn đơn lẻ, thiếu liên kết, cũng như chưa tận dụng được thế mạnh của sức mạnh cộng đồng để tạo sức bật cho sản phẩm.
Chủ cơ sở sản xuất mạch nha Thy Thảo, xã Đức Nhuận (Mộ Đức) Trương Thị Thảo bảo, tôi có thể nói vanh vách cách làm mạch nha cầu kỳ như thế nào, vì sao lại nổi tiếng hàng trăm năm nay... Nhưng kể miệng cho nhau nghe thì được, chứ tôi không biết làm cách nào để chứng minh đây là nghề gia truyền, làm thủ công không pha đường. Khách hàng cũng chẳng biết mạch nha đặc biệt khác loại 1, loại 2 ở chỗ nào, nên có sự e ngại.
Không riêng mạch nha Thy Thảo, mà nhiều chủ thể OCOP “quên” chăm chút cho câu chuyện sản phẩm của mình. Ngay cả đơn vị tư vấn cũng chưa hiểu hết ý nghĩa của “câu chuyện sản phẩm”, dẫn đến việc xây dựng câu chuyện rập khuôn nhằm hoàn thiện hồ sơ.
Chuyên viên Sở VH-TT&DL, thành viên Tổ tư vấn giúp việc Hội đồng OCOP tỉnh Võ Thị Ngọc Trâm cho biết, sản phẩm OCOP là niềm tự hào của người dân vì nó chứa đựng giá trị văn hóa, truyền thống của từng vùng miền, địa phương. Do đó, câu chuyện sản phẩm sẽ truyền tải đến cộng đồng, người tiêu dùng những thông điệp riêng biệt, thể hiện tính liên kết, gắn bó với cộng đồng - nơi sản phẩm bắt rễ. Qua đó sẽ cuốn hút và chạm đến cảm xúc của khách hàng, trở thành một phần lý do để họ mua hàng. Tuy nhiên, hầu hết các chủ thể OCOP cũng như đơn vị tư vấn chưa quan tâm, dẫn đến thông tin trong câu chuyện nghèo nàn, làm giảm tính hấp dẫn của sản phẩm.
“Câu chuyện sản phẩm” chính là công cụ để thực hiện truyền thông, quảng bá cho OCOP mà các chủ thể cần chú trọng xây dựng. Các đơn vị liên quan cũng cần quan tâm, ưu tiên, tôn vinh các sản phẩm với những câu chuyện hay, độc đáo, thể hiện nét riêng đặc sắc các vùng, miền. Qua đó, vừa thúc đẩy người dân tham gia chương trình OCOP, vừa truyền lửa để các chủ thể tái đầu tư phát triển sản phẩm gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa bản địa.
MỸ HOA
TIN, BÀI LIÊN QUAN: