(Báo Quảng Ngãi)- Nhờ sự hỗ trợ của các cấp về nguồn vốn, kỹ thuật, nhiều hộ nông dân người Hrê ở huyện Sơn Hà đã thành công với các mô hình sản xuất, trồng trọt và chăn nuôi.
Ông Đinh Riếp, ở xã Sơn Thành (Sơn Hà) chia sẻ, người dân nơi đây bao đời làm ruộng, làm rẫy, chăn nuôi nhỏ lẻ nên cùng lắm là đủ ăn chứ không mấy dư giả. Cũng do cuộc sống nhiều khó khăn mà con cái của nhiều hộ thường bỏ học giữa chừng. Hơn 10 năm trước, với quyết tâm thoát nghèo, cùng sự hỗ trợ, tư vấn của cán bộ địa phương và Hội Nông dân xã, tôi vay vốn ưu đãi dành cho đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển kinh tế.
Hiện nay, ông Riếp là chủ mô hình chăn nuôi bò, heo sinh sản và trồng rừng, với nguồn thu gần 100 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Riếp còn sẵn sàng hỗ trợ các hộ nghèo tại địa phương về kỹ thuật, con giống. Chị Đinh Thị Tình, ở xã Sơn Thành là một trong những hộ nhận được sự giúp đỡ của gia đình ông Riếp. Chị Tình cho biết, trước đây vợ chồng tôi không có việc làm ổn định nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Sau khi tham quan mô hình của gia đình ông Riếp, tôi rất muốn học hỏi nhưng không có vốn. Biết được điều này, ông Riếp đã hỗ trợ gia đình tôi 2 con heo giống, tận tình hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh. Đến nay, gia đình tôi đã có đàn heo hơn chục con và vươn lên thoát nghèo.
Anh Đinh Văn Thơ, ở xã Sơn Nham (Sơn Hà) với mô hình nuôi vịt siêu nạc trên sàn lưới. Ảnh: PV |
Tại xã Sơn Nham (Sơn Hà), anh Đinh Văn Thơ là người tiên phong triển khai mô hình chăn nuôi vịt siêu nạc trên sàn lưới. Mô hình này được thực hiện khép kín trên diện tích hơn 200m2. Anh Thơ chọn hình thức nuôi gối đầu, mỗi đợt thả nuôi khoảng 600 con, nhờ đó tháng nào cơ sở cũng xuất bán khoảng 1.200 - 1.500 con. Với giá thị trường hiện nay từ 35 - 40 nghìn đồng/kg, mỗi đợt, gia đình anh thu về từ 20 - 30 triệu đồng. Để vịt sinh trưởng, phát triển tốt, anh Thơ luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật và tiêm phòng đầy đủ. Ngoài ra, anh còn lắp đặt hệ thống van nước tự động cho vịt uống nước và làm máng nước bao quanh cho vịt bơi lội. Nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên vịt sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ hao hụt thấp. “Nuôi vịt trên sàn lưới giúp vịt sống trong môi trường thoáng mát, không tồn đọng phân vịt, nên hạn chế được dịch bệnh. Tôi chuẩn bị chuyển sang chăn nuôi vịt siêu trứng. Nếu có hiệu quả tôi sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình”, anh Thơ nói.
Ngoài chăn nuôi vịt, anh Thơ còn chăn nuôi bò, làm vườn ươm keo giống. Mỗi năm, anh xuất bán hơn 500 nghìn cây giống và giải quyết việc làm cho 3 - 4 lao động địa phương.
Với phương châm hướng về cơ sở, những năm qua, Hội Nông dân huyện Sơn Hà thường xuyên phát động nhiều phong trào thi đua, các cuộc vận động. Từ đó, thu hút đông đảo hội viên, nhất là hội viên người Hrê tham gia, góp phần giúp họ phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.
Hằng năm, Hội Nông dân huyện Sơn Hà đã tổ chức đánh giá, phân loại hộ gia đình hội viên thuộc diện hộ nghèo để có kế hoạch hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” và phong trào “Thi đua phát triển kinh tế tập thể, xây dựng hợp tác xã kiểu mới”. Qua đó giúp hội viên thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh doanh nông nghiệp. Thời gian qua, hội đã vận động nông dân sản xuất giỏi, kinh doanh giỏi làm nòng cốt tham gia thành lập 19 hợp tác xã, 14 tổ hội nghề nghiệp; xây dựng các chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ, chuyển đổi số trong sản xuất.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sơn Hà Trần Tấn Tài cho biết, hiện nay, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương ngày càng lan tỏa. Một số sản phẩm của người dân đã được công nhận và chứng nhận sản phẩm OCOP. Hội Nông dân huyện cũng đã phối hợp Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) huyện thực hiện tín chấp cho gần 3.300 hộ nông dân vay, với dư nợ hơn 136 tỷ đồng.
Theo Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Sơn Hà Lê Thanh Tùng, các hộ nông dân vay vốn chính sách hầu hết đều sử dụng vốn đúng mục đích và có hiệu quả. Thời gian đến, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện sẽ tiếp tục rà soát các đối tượng là hội viên nông dân đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu cho nông dân vay vốn để phát triển kinh tế hộ gia đình, tạo việc làm tăng thu nhập.
X.HIẾU - T.HẰNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: