(Báo Quảng Ngãi)- Thực hiện Kế hoạch số 106/KH-UBND ngày 19/7/2021 của UBND tỉnh về triển khai thực hiện Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở Công thương đã có nhiều biện pháp hỗ trợ các đơn vị trong tỉnh từng bước tiếp cận thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Theo Kế hoạch số 106 của UBND tỉnh, hoạt động kinh doanh tiêu thụ nông sản được gắn với quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Từ đó thiết thực giúp các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất hàng nông sản trên địa bàn tỉnh phát triển và mở rộng sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng cao, khai thác tối đa tiềm năng và lợi thế.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh nông sản tham gia Hội nghị kết nối giao thương sản phẩm tỉnh Quảng Ngãi vào hệ thống phân phối TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Th.Nhị |
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ và giải pháp quan trọng. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến thông tin nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân về đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản. Lồng ghép các nguồn lực từ ngân sách trung ương, các chương trình, đề án để xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các chợ tại vùng nông thôn, miền núi phục vụ nhu cầu trao đổi hàng hóa, nhất là các mặt hàng nông sản, giống cây trồng và vật tư nông nghiệp phục vụ nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.
Sản phẩm gạo lứt của Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT. |
Nghiên cứu, xây dựng mô hình các chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp bền vững. Đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá các đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm OCOP, phục vụ nhu cầu của khách du lịch tại các khu du lịch cộng đồng. Nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử và áp dụng truy xuất nguồn gốc trong kinh doanh tiêu thụ nông sản...
Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt cho biết, đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản là một yêu cầu có tính bắt buộc đối với DN, HTX, cơ sở sản xuất hàng nông sản trong bối cảnh thương mại điện tử và kinh tế số. Sau 2 năm thực hiện đề án, bước đầu đã tác động tích cực đến nhận thức, hành động của DN, HTX và cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh. Qua đó, nhiều sản phẩm nông sản đã được nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh khi tham gia thị trường.
Phó Giám đốc Sở Công thương Đỗ Tiến Đạt cho biết, thời gian tới, sở tiếp tục tăng cường hỗ trợ các DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh đẩy mạnh phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện đưa các sản phẩm nông nghiệp có thế mạnh của Quảng Ngãi ra thị trường. Từ đó, từng bước khẳng định uy tín, chất lượng, xây dựng kênh tiêu thụ bền vững, tạo việc làm, thu nhập ổn định cải thiện đời sống một bộ phận người dân. Trong đó, chú trọng giới thiệu các sản phẩm nông sản, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm đặc trưng của tỉnh Quảng Ngãi để kết nối tiêu thụ.
|
Hai năm qua, Sở Công thương đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện đề án. Trong đó, chú trọng xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản, bước đầu mang lại những kết quả khả quan.
Sản phẩm bánh mè Huy Ny. |
Đối với hỗ trợ xây dựng thương hiệu, Sở Công thương đã hỗ trợ DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, bao bì phù hợp thị hiếu người tiêu dùng. Đồng thời, tạo điều kiện để các sản phẩm đáp ứng các bộ tiêu chí khu vực, quốc gia, để được đánh giá, công nhận các danh hiệu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu kinh doanh trên thị trường.
Tính đến tháng 8/2023, trên địa bàn tỉnh có 79 sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh; 36 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực; 11 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Hiện toàn tỉnh có 140 sản phẩm đạt OCOP, trong đó có 9 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 131 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Nhiều DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh đã xây dựng thương hiệu, sản phẩm được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng, có lượng hàng bán ra thị trường ngày càng cao. Tiêu biểu như Công ty TNHH Hương Quế Trà Bồng, Công ty TNHH Olvis Việt Nam, Cơ sở sản xuất bánh mè Huy Ny, HTX Sản xuất và Kinh doanh Nấm Đức Nhuận, hộ kinh doanh Cường Thịnh, Công ty TNHH Nấm Ngọc Bảo Thy, Công ty TNHH Nông lâm nghiệp TBT.
Trong 2 năm qua, Sở Công thương đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản của các DN, HTX, cơ sở kinh doanh nông sản trong tỉnh với các DN, hệ thống phân phối lớn. Qua đó, các DN, HTX, cơ sở kinh doanh trong tỉnh nhận được nhiều ý kiến đóng góp để hoàn thiện sản phẩm.
Sản phẩm nấm của Hợp tác xã Nấm Đức Nhuận. Ảnh: Th.Nhị |
Đại diện HTX Sản xuất và Kinh doanh Nấm Đức Nhuận cho biết, thông qua các hội nghị kết nối tiêu thụ, đơn vị đã nhận được ý kiến đóng góp về việc hoàn thiện bao bì, mẫu mã từ hệ thống bán lẻ hàng đầu Việt Nam là Siêu thị Co.opmart. Mục đích là xây dựng thương hiệu Nấm Đức Nhuận có sức cạnh tranh cao để ký kết hợp đồng cung ứng, đưa sản phẩm vào siêu thị và tham gia vào các sàn thương mại điện tử. Đây chính là cơ hội gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực thương mại của các sàn giao dịch điện tử đến từ thị trường lớn trong cả nước như TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng, để tìm kiếm giải pháp kinh doanh, mở rộng kênh tiêu thụ hàng hóa.
Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Nguyên Phương cho biết, TP.Hồ Chí Minh là thị trường lớn, tương đối khắt khe, đòi hỏi sản phẩm phải có chất lượng, giá cả hợp lý, mẫu mã đẹp, an toàn khi sử dụng. Điều này cũng giúp các đơn vị sản xuất, kinh doanh hoàn thiện sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh. Khi sản phẩm đã trụ được ở thị trường lớn như TP.Hồ Chí Minh thì sẽ dễ dàng tiếp cận ở các thị trường khác.
Sản phẩm của Công ty TNHH Hương quế Trà Bồng. |
Nằm trong chuỗi hoạt động hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản, trong tháng 7/2023, Sở Công thương cùng với một số DN, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh tham gia Hội nghị kết nối cung cầu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu các cấp tại TP.Đà Lạt do Sở Công thương tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Tại đây, Quảng Ngãi đã tích cực giới thiệu về hoạt động sản xuất, kinh doanh của các đơn vị, tiềm năng, thế mạnh, sản phẩm hàng hóa và nhu cầu kết nối, tìm kiếm cơ hội hợp tác, giao thương. Các sản phẩm của Quảng Ngãi tham gia trưng bày, giới thiệu, quảng bá gồm các sản phẩm chế biến từ quế và gạo lứt; bánh mè Huy Ny, bò khô, đường phèn; tỏi, hành, giấm tỏi Lý Sơn; tinh bột nghệ; hải sản chế biến, nước mắm... Qua đó, đã ký kết được 8 biên bản hợp tác đưa sản phẩm của tỉnh Quảng Ngãi vào thị trường tỉnh Lâm Đồng.
THANH NHỊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: