(Báo Quảng Ngãi)- Rừng phòng hộ tại các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế (Ba Tơ) được xác định là một trong những khu vực có giá trị đa dạng sinh học cao. Để bảo tồn đa dạng sinh học, ngành chức năng đã và đang tập trung nâng cao năng lực quản lý cho các ban quản lý rừng và hỗ trợ cải thiện sinh kế cho người dân sống gần khu vực bảo tồn.
Qua 2 đợt điều tra, khảo sát thực địa vào năm 2022 tại 8 tiểu khu thuộc rừng phòng hộ các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế, Tổ chức Fauna & Flora International - Chương trình Việt Nam (Tổ chức FFI) đã ghi nhận trực tiếp 10 đàn voọc chà vá chân xám, với 104 cá thể. Đây là quần thể voọc chà vá chân xám lớn thứ 3 tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Bên cạnh đó, các khu vực này còn có giá trị đa dạng sinh học cao, với khoảng 580 loài động vật và 698 loài thực vật các loại. Trong đó, có 45 loài nguy cấp, quý hiếm, có giá trị cao về khoa học, kinh tế và 28 loài được ghi vào Danh mục sách đỏ IUCN của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế.
Tổ chức Fauna & Flora International - Chương trình Việt Nam hướng dẫn lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện Ba Tơ ứng dụng công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART trên điện thoại di động. |
Trước thực trạng trên, Tổ chức FFI đã tài trợ 2,4 tỷ đồng theo hình thức viện trợ không hoàn lại để thực hiện dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi, giai đoạn 2023- 2025 tại các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế (Ba Tơ) và các vùng lân cận tỉnh Quảng Ngãi.
Gần 3 tháng qua, Tổ chức FFI đã phối hợp với lực lượng kiểm lâm trên địa bàn huyện Ba Tơ tiến hành khảo sát thực địa, đặt bẫy ảnh thu thập dữ liệu về đa dạng sinh học để phát triển kế hoạch bảo tồn các loài thú mặt đất và linh trưởng. Nâng cao năng lực quản lý cho các ban quản lý rừng thông qua tập huấn công cụ quản lý dữ liệu và báo cáo tuần tra SMART trên điện thoại di động; hỗ trợ nguồn vốn xoay vòng không tính lãi cho người dân sống gần khu vực bảo tồn...
Theo Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ Lê Hoài Vũ, Tổ chức FFI triển khai dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi đã nâng cao ý thức của người dân tham gia vào công tác bảo vệ rừng, để phối hợp với lực lượng chức năng phát hiện, ngăn chặn kịp thời các trường hợp khai thác, lấn chiếm, phá rừng trái phép và săn bắn, bẫy bắt động vật hoang dã. Bên cạnh đó, Tổ chức FFI còn thực hiện hỗ trợ kinh phí cho hoạt động tuần tra, bảo vệ rừng và tạo điều kiện cho người dân vay vốn không tính lãi.
Phụ trách quản lý dự án Bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Quảng Ngãi (Tổ chức FFI) Nguyễn Thị Bích Ngọc cho hay, khu vực rừng phòng hộ huyện Ba Tơ có ý nghĩa quan trọng trong kết nối hành lang đa dạng sinh học, bởi tiếp giáp với Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn (Bình Định) và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng (Gia Lai). Do đó, Tổ chức FFI đang triển khai kế hoạch quy hoạch chuyển đổi hơn 17 nghìn héc ta rừng phòng hộ tại các xã Ba Nam, Ba Xa, Ba Lế để xúc tiến thành lập khu rừng đặc dụng và đẩy mạnh công tác quản lý các khu rừng tại các huyện lân cận.
Đây sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy quá trình thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên ở khu Tây huyện Ba Tơ; bảo vệ và phát triển quần thể voọc chà vá chân xám đang bị đe dọa cực kỳ nguy cấp và đóng góp thêm nguồn lực để kịp thời bảo vệ hệ sinh thái rừng trên địa bàn huyện Ba Tơ.
Bài, ảnh: HẢI CHÂU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: