Dấu ấn ngành thủy lợi Quảng Ngãi 

08:40, 25/08/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Qua 78 năm hình thành và phát triển (28/8/1945 - 28/8/2023), ngành thủy lợi đã nỗ lực hoàn thành sứ mệnh “dẫn thủy nhập điền” phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, đóng góp quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội, bảo đảm môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

Sau 34 năm kể từ ngày tái lập tỉnh (1989), ngành thủy lợi Quảng Ngãi đã để lại những dấu ấn quan trọng, với nhiều công trình trọng yếu như: Hệ thống thủy lợi Thạch Nham, các hồ chứa nước Diên Trường, Núi Ngang; hồ chứa kết hợp thủy điện Di Lăng, đập Giao Thủy 1, 2; hồ chứa nước Nước Trong...

Những công trình trọng yếu

Thạch Nham được xem là đại công trình thủy lợi với cụm công trình đầu mối và hệ thống kênh chính Bắc, Nam (gần 70km) và nhiều tuyến kênh cấp 1, kênh nhánh.

Hồ chứa nước Lỗ Thùng, xã Đức Phú (Mộ Đức).                             Ảnh: THANH PHONG    
Hồ chứa nước Lỗ Thùng, xã Đức Phú (Mộ Đức).                             Ảnh: THANH PHONG    

Tháng 10/1990, nước Thạch Nham bắt đầu nhiệm vụ tưới cho các cánh đồng của các huyện Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn, Đức Phổ (nay là TX.Đức Phổ) và TX.Quảng Ngãi (nay là TP.Quảng Ngãi). Diện tích tưới dần mở rộng lên trên 50 nghìn héc ta đất canh tác mỗi năm (trên 31 nghìn héc ta lúa). Nhiều cánh đồng khô cằn sỏi đá vì thế cũng hồi sinh với năng suất lúa tăng dần, đạt trên 60 tạ/ha vào năm 2022. Nhờ đó, giúp nông dân trong tỉnh thoát cảnh đói nghèo, góp phần ổn định an ninh lương thực địa phương. Thạch Nham được xem là công trình “dẫn thủy nhập điền”, là mạch nguồn của sự ấm no sau những ngày đầu tái lập tỉnh. “Thủy lợi Thạch Nham chẳng những trực tiếp "tạo dáng, nặn hình" cho Quảng Ngãi, mà còn là “bầu sữa” nuôi nông dân, dưỡng nông thôn. Ba mươi năm qua đã thế, sau này vẫn vậy”, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Ngọc Nhi khẳng định. 

Tiếp nối công trình thủy lợi Thạch Nham, hồ Núi Ngang (Ba Tơ) cũng được triển khai xây dựng vào năm 2000, với dung tích 21 triệu mét khối, đảm bảo nước tưới cho gần 1.500ha đất canh tác trên địa bàn TX.Đức Phổ. Nước từ hồ Núi Ngang cũng tham gia điều tiết cho hệ thống thủy lợi Thạch Nham, phục vụ chống hạn cho nhiều diện tích đất sản xuất, sinh hoạt ở khu tây huyện Mộ Đức và TX.Đức Phổ.

Đến năm 2007, đập chính hồ chứa nước Nước Trong, với tổng mức đầu tư 2.500 tỷ đồng được khởi công xây dựng. Hồ chứa nước Nước Trong có dung tích gần 290 triệu mét khối, kết hợp phát điện với công suất 16,5MW, là một trong 10 hồ thủy lợi lớn nhất cả nước. Sau 11 năm thi công, cuối tháng 5/2018, cụm công trình đầu mối hoàn thành đưa vào sử dụng, nước từ hồ Nước Trong bổ sung nguồn nước và ổn định tưới cho 52 nghìn héc ta đất nông nghiệp. Đồng thời, tạo nguồn cấp nước công nghiệp, sinh hoạt cho KKT Dung Quất, TP.Quảng Ngãi và 7 huyện đồng bằng trong tỉnh. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cũng như công tác phòng, chống và giảm nhẹ rủi ro thiên tai cho các địa phương.

Phục vụ đa mục tiêu
Hội Thủy lợi tỉnh thành lập vào ngày 23/1/1999, hiện có 326 hội viên đang sinh hoạt tại 19 chi hội. Ban Thường vụ Hội Thủy lợi tỉnh đã tổ chức cho các hội viên thực hiện tốt công tác tư vấn, góp ý, phản biện nhiều dự án, đề án, công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh.
Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi được đầu tư, mạng lưới thủy nông đã ngày càng được mở rộng và hiện đại. Các hồ chứa nước hình thành, ngoài đảm bảo tưới tiêu cho nông nghiệp còn phục vụ nuôi trồng thủy sản, kết hợp cấp nước cho sinh hoạt và các ngành kinh tế khác, gắn với bảo vệ môi trường và phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người công tác trong ngành thủy lợi tỉnh không ngừng nghiên cứu, tập trung phát triển nhiều công trình, dự án theo hướng đa mục tiêu như: Nắn dòng kênh tiêu sông Thoa; tiêu úng thoát lũ KCN VSIP Quảng Ngãi; sửa chữa nâng cao an toàn đập 19 hồ chứa nước (bằng nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới); xây dựng đập dâng hạ lưu sông Trà Khúc; đập ngăn mặn Trà Bồng, Bình Nguyên - Bình Phước... 

Toàn tỉnh hiện có 807 công trình thủy lợi (gồm 127 hồ chứa nước, 532 đập dâng, 8 đập ngăn mặn và 140 trạm bơm) được đưa vào quản lý, khai thác để cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác. Tổng chiều dài hệ thống kênh mương gần 4.300km (kênh loại II trên 1.200km, còn lại kênh loại III), đã có trên 2.500km kênh được kiên cố hóa, đạt gần 59%. Tổng năng lực tưới đạt trên 48 nghìn héc ta, đạt hơn 71% so với năng lực thiết kế (khoảng 68 nghìn héc ta).

Chủ tịch Hội Thủy lợi Quảng Ngãi Nguyễn Mậu Văn cho biết, tuy không trực tiếp mang lại lợi nhuận, nhưng ngành thủy lợi đã phục vụ, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển và sinh lợi nhuận. Từ các công trình thủy lợi, màu xanh đã phủ trên khắp các cánh đồng trong tỉnh, góp phần thực hiện có hiệu quả mục tiêu “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”. Đó chính là “quả ngọt” mà ngành cũng như đội ngũ làm công tác thủy lợi đã thầm lặng đóng góp và cống hiến.

THANH PHONG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 

Xuất bản lúc: 08:40, 25/08/2023

Ý kiến bạn đọc


.