Kinh doanh ở chợ truyền thống gặp khó

19:57, 27/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Những năm gần đây, nhất là sau đại dịch Covid-19, tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống trên địa bàn tỉnh trở nên ế ẩm, tiểu thương nghỉ kinh doanh ngày càng nhiều. Làm gì để chợ truyền thống có thể tồn tại và phát triển là bài toán không dễ có lời giải.

Tại chợ Ba Tơ, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), lượng người đến chợ rất thưa thớt. Nhiều sạp bán hàng khô cửa đóng then cài, hàng vải chỉ còn vài gian hàng mở cửa. Hầu như cả chợ chỉ có khu vực bán hàng tươi sống, hàng ăn là có người qua lại. Chị Nguyễn Thị Hồng, ở xã Phổ Nhơn (TX.Đức Phổ), buôn bán tại chợ Ba Tơ đã hơn 20 năm, kể rằng chưa bao giờ chợ lại ế như bây giờ. Chị muốn nghỉ kinh doanh nhưng cứ như thói quen, không đến chợ lại nhớ. "Buôn bán ở chợ như là nghề của tôi rồi, khó lòng bỏ được. Tôi cố gắng nhập hàng chất lượng, bán giá tốt nhất nhưng cũng chẳng có mấy ai mua. Thu nhập từ buôn bán ở chợ bây giờ chưa bằng 1/10 những năm trước, nên tiểu thương khó khăn lắm", chị Hồng bày tỏ.

Chợ Ba Tơ, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) không còn nhộn nhịp như xưa.    
Chợ Ba Tơ, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) không còn nhộn nhịp như xưa.    

Đến chợ Sơn Hà, ở thị trấn Di Lăng (Sơn Hà), người mua, bán có phần nhộn nhịp hơn chợ Ba Tơ. Chỗ thì bán trái cây, nơi bán quần áo may sẵn, cá, thịt, rau... Nhưng cũng lắm lúc, người bán đông hơn người mua. Nhớ lại khoảng 5 - 10 năm về trước, chợ Sơn Hà là đầu mối giao thương hàng hóa của cả huyện Sơn Hà và huyện Sơn Tây. Mỗi sáng, người dân từ các vùng để về mua bán rất đông. Khi ấy, UBND huyện Sơn Hà còn có kế hoạch mở rộng chợ để đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân trên địa bàn. Vậy mà bây giờ, nhiều dãy ki ốt đã đóng cửa, tiểu thương cũng đã chuyển nghề. Có người về mua xe tải nhỏ, chất đầy hàng hóa đủ các loại rong ruổi khắp các khu dân cư để bán, mà người dân vùng cao quen gọi là “chợ di động”. Vì vậy, người dân cũng ít đến chợ hơn.

Chủ tịch UBND huyện Sơn Hà Đinh Thị Trà cho biết, “chợ di động” tiện lợi nhưng thực sự cũng có nhiều nỗi lo. Đó là, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Hầu hết hàng hóa kinh doanh như vậy đều là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giá rẻ, nhưng việc kiểm tra, xử phạt cũng rất khó khăn, do “chợ” liên tục di chuyển. Huyện rất muốn khôi phục lại việc kinh doanh tại chợ Sơn Hà sầm uất như trước, nhưng đã làm nhiều cách vẫn chưa vực dậy được.

Tình trạng kinh doanh ở chợ huyện Sơn Tây có lẽ là trầm lắng nhất. Cả chợ chỉ còn vài tiểu thương buôn bán, chủ yếu là bán thực phẩm như cá, thịt đông lạnh. Người dân cũng chẳng mấy ai còn đi chợ huyện nữa. Chợ xuống cấp, có nguy cơ sập đổ bất cứ lúc nào, nhưng vì hoạt động không hiệu quả nên huyện cũng không tính đến chuyện đầu tư cải tạo, nâng cấp.

Còn tại các vùng nông thôn, hiện nay, người dân vẫn giữ được thói quen đi chợ, song chợ cũng đang thưa dần vì những kênh phân phối hàng hóa phát triển đa dạng, lại tiện ích cho người không có thời gian đi chợ. Trước tình hình buôn bán ế ẩm, nhiều tiểu thương cũng thay đổi cung cách phục vụ, hàng hóa chất lượng, giá cả hợp lý nhưng xem ra cũng không thể làm ấm lên không khí mua sắm ở chợ truyền thống như mong muốn.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN


 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.