Nhân rộng điểm bán hàng Việt 

09:10, 19/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sở Công thương đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng nhiều điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”. Qua đó, góp phần đưa hàng hóa mang thương hiệu Việt đến với người tiêu dùng.

Năm 2022, cửa hàng tạp hóa Văn Anh, ở thôn Bình Thanh, xã Trà Bình (Trà Bồng) là đơn vị được Sở Công thương lựa chọn hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt Nam. Ngoài việc hỗ trợ làm kệ hàng, bảng hiệu quảng cáo... chủ cửa hàng còn được cán bộ chuyên môn của tỉnh tư vấn, phổ biến kiến thức pháp luật về kinh doanh, bảo đảm an toàn thực phẩm, giao dịch thương mại...

Người dân mua sắm tại điểm bán hàng Việt ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ). Ảnh: Trung Ân
Người dân mua sắm tại điểm bán hàng Việt ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ). Ảnh: Trung Ân

Chị Trần Thị Anh - Chủ cửa hàng tạp hóa Văn Anh chia sẻ, từ khi điểm bán hàng Việt được xây dựng, lượng khách đến mua sắm tăng mạnh, nhất là trong dịp tết Nguyên đán 2023. Cửa hàng đã tăng cường thêm nguồn hàng và tích cực giới thiệu cho khách hàng khi đến mua sắm các mặt hàng thiết yếu do Việt Nam sản xuất. Hiện cửa hàng cung cấp đa dạng các mặt hàng Việt đảm bảo chất lượng như lương thực, thực phẩm, sữa các loại, nước giải khát, bánh kẹo...

Cửa hàng tạp hóa Cô Bốn, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ) cũng được hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Việt. Cửa hàng trở thành nơi mua sắm quen thuộc của người tiêu dùng trên địa bàn huyện. Bà Nguyễn Thị Bốn - Cửa hàng tạp hóa Cô Bốn cho biết, hàng Việt chiếm khoảng 95% hàng hóa được bày bán tại cửa hàng. Khi khách hàng đến mua sắm, tôi luôn giới thiệu, quảng bá hàng Việt. Với ưu điểm giá thành hợp lý, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, nên hàng Việt được nhiều khách hàng tin tưởng lựa chọn. 

Điểm bán hàng Việt được đưa vào khai thác góp phần nâng cao hiệu quả phân phối hàng Việt. Thông qua các điểm bán hàng Việt, ngành chức năng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về hàng Việt và hình thành thói quen tiêu dùng hàng Việt. Qua đó, khách hàng phân biệt rõ hàng Việt chất lượng cao với hàng hóa bán trôi nổi trên thị trường... Tại các điểm bán hàng Việt không chỉ bán những mặt hàng thiết yếu, mà còn trưng bày các sản phẩm đặc trưng của địa phương như chổi đót Phổ Phong, nhang quế Trà Bồng, mạch nha, kẹo gương...

Đến nay, toàn tỉnh có 16 điểm bán hàng Việt được Sở Công thương hỗ trợ làm bảng hiệu, kệ trưng bày… Việc xây dựng điểm bán hàng Việt mang lại hiệu quả, tuy nhiên việc đầu tư, nhân rộng mô hình này gặp khó khăn do hạn chế về nguồn kinh phí. Trong khi đó, nhu cầu xây dựng điểm bán hàng Việt tại các địa phương trong tỉnh ngày càng nhiều. Yêu cầu của điểm bán là 100% hàng hóa sản xuất trong nước, tuy nhiên vẫn có cửa hàng bán hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ từ nước ngoài.

Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công thương) Kiều Văn Dũng cho biết, Sở Công thương sẽ tiếp tục rà soát, lựa chọn xây dựng thêm nhiều điểm bán hàng Việt tại các địa phương trong tỉnh, nhất là ở những huyện chưa có siêu thị, cửa hàng tiện lợi nhằm giúp người dân nông thôn mua sắm hàng Việt bảo đảm chất lượng, giá cả hợp lý. Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp trong tỉnh đẩy mạnh xúc tiến thương mại nội địa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Qua đó, kích cầu tiêu dùng, phát triển hệ thống phân phối hàng Việt đến các khu vực vùng sâu, vùng xa; tạo dựng hình ảnh, uy tín và lòng tin của người tiêu dùng với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.

TRUNG ÂN

 

 


Ý kiến bạn đọc


.