(Báo Quảng Ngãi)- Ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh đã và đang nỗ lực thực hiện các nội dung theo Kế hoạch 180 ngày hành động chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). Nhờ đó, việc chấp hành các quy định của pháp luật về khai thác thủy sản trên biển của ngư dân chuyển biến tích cực.
Xử lý nghiêm trường hợp vi phạm
Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ hiện đang quản lý 1.654 tàu cá. Trong đó, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên là 1.100 chiếc. Từ đầu năm đến nay, qua theo dõi, giám sát hoạt động của các phương tiện đánh bắt trên biển, đơn vị đã phát hiện nhiều thuyền trưởng tàu cá khai thác hải sản xa bờ ở 2 xã Nghĩa An và Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi) vi phạm các quy định của pháp luật về lĩnh vực thủy sản, vi phạm quy định về chống khai thác IUU.
Quản lý tàu cá cần tập trung một đầu mối, tránh tình trạng tàu cá chưa đảm bảo thủ tục chạy sang tỉnh khác để "né" sự kiểm tra. Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Sa Huỳnh, phường Phổ Thạnh (TX.Đức Phổ). Ảnh: M.HOA |
Trung tá Lâm Văn Viễn - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Sa Kỳ cho biết, đơn vị đã phối hợp với Chi cục Thủy sản tỉnh, công an kinh tế và các đơn vị liên quan kiểm tra, phát hiện 14 trường hợp tàu cá không duy trì thiết bị giám sát hành trình trên biển, hành nghề không đủ định biên tối thiểu. Những trường hợp này, đơn vị đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND TP.Quảng Ngãi xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể, chủ tàu là ông Lê Văn Lô và 8 thuyền trưởng khác, trú ở xã Nghĩa An hành nghề lưới rê ở vùng biển Hoàng Sa, không duy trì hoạt động thiết bị giám sát hành trình trên 10 ngày đã bị chính quyền địa phương xử phạt mỗi thuyền trưởng 25 triệu đồng. Đồng thời, bổ sung mức xử phạt bằng hình thức tước chứng chỉ điều khiển phương tiện tàu cá có thời hạn đối với các thuyền trưởng vi phạm là 135 ngày.
Cùng với việc theo dõi, quản lý hoạt động tàu cá trên biển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân quy định về chống khai thác IUU. Đồng thời, giao nhiệm vụ cho đảng viên đồn biên phòng vận động chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh hải sản, các chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết khai thác, sản xuất, kinh doanh đúng quy định của pháp luật; vận động chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) đối với 100% số tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên.
Trung tá Đỗ Tài Năng - Phó Tham mưu trưởng BĐBP tỉnh cho biết, BĐBP tỉnh phối hợp với lực lượng liên ngành tại các cảng cá, bến cá tăng cường quản lý, kiểm soát tàu cá ra, vào. Mặt khác, BĐBP tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, phân loại rõ từng nhóm tàu cá để xác định biện pháp quản lý từ sớm các tàu có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài; phối hợp với lực lượng chức năng tăng cường nắm tình hình, phát hiện, điều tra, triệt phá các đường dây móc nối đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam sang vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản.
Ngoài ra, công tác đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá, cấp giấy phép khai thác thủy sản cũng được thực hiện tốt. Đến cuối tháng 3/2023, đã có 4.531 tàu cá của tỉnh đã đăng ký, tỷ lệ tàu cá đánh dấu đạt trên 97%; có 3.511/4.531 tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch; có 2.944/3.193 tàu cá có chiều dài 15m trở lên bắt buộc phải lắp đặt VMS (đạt gần 99%)...
Cần sự thống nhất trong quản lý
Tuy đã chấm dứt tình trạng tàu cá của tỉnh khai thác hải sản bất hợp pháp, nhưng vẫn còn một số nội dung của Kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU chưa đạt kết quả như mong đợi. Tình trạng chủ tàu cá đánh bắt sai vùng, sai nghề, tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên không cập cảng cá chỉ định để bốc dỡ thủy sản vẫn còn diễn ra. Một số thuyền trưởng chưa tuân thủ quy định về cập cảng chỉ định để lên cá và ghi, nộp nhật ký khai thác thủy sản... Vẫn còn tình trạng bất nhất trong việc kiểm tra, xác định nguồn gốc thủy sản khai thác cũng như xử lý vi phạm của lực lượng chức năng giữa cảng cá các tỉnh, thành phố ven biển. Trong khi các lực lượng chức năng của Quảng Ngãi tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu cá gắn với xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì tại cảng cá, Văn phòng Kiểm soát nghề cá của một số tỉnh, thành phố lại tạo điều kiện cho ngư dân, kể cả những tàu cá chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục theo quy định vẫn được xuất, nhập cảng.
Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kiểm tra tàu cá trước khi xuất bến. ẢNH: KHÁNH TOÀN |
Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh Hồ Trọng Phương cho biết, sự thiếu đồng bộ này không chỉ làm khó lực lượng chức năng của tỉnh, mà còn dẫn đến tình trạng tàu cá từ tỉnh này chạy sang tỉnh khác để cập cảng bốc dỡ hàng hóa, bán sản phẩm, làm ảnh hưởng đến hiệu quả thực thi các quy định chống khai thác IUU.
Hiện nay, ngành chức năng và các địa phương trong tỉnh tập trung thực hiện hoàn thành một số đầu việc trước tháng 5/2023, trọng tâm là chấm dứt hoạt động tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp; kiểm soát tàu cá ra, vào tại cảng cá theo đúng quy định; theo dõi và giám sát việc sử dụng thiết bị VMS đảm bảo hoạt động liên tục từ lúc tàu xuất cảng đến khi nhập cảng...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền - Trưởng Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh, đã chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để chủ tàu, ngư dân chấp hành nghiêm các quy định của Luật Thủy sản và quy định chống khai thác IUU. Đồng thời, khẩn trương nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh kiến nghị Bộ NN&PTNT lập đầu mối quản lý hoạt động của tàu cá nhằm đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả, tránh tình trạng tàu cá chưa đảm bảo đầy đủ các thủ tục chạy sang tỉnh khác để né tránh sự kiểm tra, giám sát. Sớm ban hành quy chuẩn về thiết bị VMS, quy định cơ quan và tổ chức độc lập có chức năng xác định nguyên nhân mất kết nối thiết bị VMS để đảm bảo khách quan, thuận lợi trong xử lý những trường hợp vi phạm.
M.HOA - K.TOÀN - X.THIÊN
|