Chống khai thác IUU: Sớm tháo gỡ bất cập

09:03, 23/03/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Để thực hiện tốt quy định về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đòi hỏi các địa phương phải tham gia theo dõi, quản lý đội tàu và rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ hải sản khai thác, nhất là các bến cá tư nhân... Tuy nhiên, công tác quản lý tàu cá hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ.
[links()]
 
Khó quản lý tàu cá không về địa phương
 
Nằm trong danh sách các tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, từ năm 2020 đến nay, chủ tàu cá QNg 92501TS Trần Văn Chung, ở thôn Phổ An, xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) hoạt động đánh bắt hải sản ở ngoài tỉnh và không về địa phương. Để phục vụ công tác rà soát tàu cá và vận động chủ tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, UBND xã Nghĩa An cùng với Đồn Biên phòng cửa khẩu Sa Kỳ đã nhiều lần liên lạc với chủ tàu nhưng không được.
 
Cùng tình trạng trên, UBND xã Nghĩa An cũng không thể liên lạc với chủ tàu cá QNg 92985TS Trần Văn Nhau, ở thôn Tân An. Cũng trong danh sách tàu cá chưa được cấp giấy phép khai thác thủy sản, ngư dân Trần Văn Nhau nhiều năm đánh bắt ở ngoài tỉnh không về địa phương, còn người nhà thì không hợp tác cùng chính quyền địa phương, không cung cấp số điện thoại liên lạc. Vì vậy, địa phương gặp khó trong theo dõi hiện trạng tàu cá này.
 
Tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang neo đậu tại địa phương.               Ảnh: Ý THU
Tàu cá của ngư dân xã Nghĩa An (TP.Quảng Ngãi) đang neo đậu tại địa phương. Ảnh: Ý THU
Theo thống kê của UBND xã Nghĩa An, toàn xã có 222 tàu hết hạn đăng ký, đăng kiểm. Trong đó, có 61 tàu hoạt động ngoài tỉnh nhiều năm không về địa phương. “Có nhiều chủ tàu đánh bắt hải sản ở ngoài tỉnh và đưa cả gia đình đến các tỉnh bạn để làm ăn, sinh sống. Vì vậy, địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong liên lạc, xác định tình trạng hiện tại của những tàu này. Công tác tuyên truyền, vận động chủ tàu thực hiện đăng kiểm, đăng ký tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình lại càng khó”, Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa An Võ Khánh cho biết.
 
Thiếu nhân lực kiểm tra, giám sát
 
Trong kế hoạch, để chuẩn bị làm việc với Đoàn thanh tra của Ủy ban Châu Âu lần thứ 4 trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh yêu cầu đến tháng 5/2023 phải rà soát các điểm tàu cá cập bến bốc dỡ thủy sản khai thác, tổ chức giám sát và truy xuất nguồn gốc 100% sản lượng thủy sản khai thác được bốc dỡ tại địa phương. Tuy nhiên, thực tế việc rà soát, giám sát hoạt động bốc dỡ thủy sản khai thác tại các bến cá tư nhân vẫn đang bị bỏ ngỏ.
 
Bình Sơn là địa phương có nhiều bến cá tư nhân nhất tỉnh với tổng số 34 bến. Hiện nay, huyện Bình Sơn chỉ triển khai công tác chống khai thác IUU tại các bến cá này bằng cách yêu cầu chủ các bến cá ký cam kết với chính quyền địa phương không thu mua bất hợp pháp hải sản không rõ nguồn gốc, còn công tác giám sát hoạt động, kiểm tra hải sản bốc dỡ tại các bến vẫn chưa làm được.
 
Ngư dân cập tàu vào cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảng và bốc dỡ hàng hóa.                                                    Ảnh: Mỹ Hoa
Ngư dân cập tàu vào cảng neo trú tàu thuyền Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi) thực hiện các thủ tục xuất, nhập cảng và bốc dỡ hàng hóa. Ảnh: Mỹ Hoa
Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Ung Đình Hiền lý giải, nhân lực hạn chế nên công tác quản lý các bến cá này chỉ mới dừng lại ở kiểm tra, quản lý công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn tàu thuyền, an toàn lao động. Đối với việc giám sát hoạt động bốc dỡ thủy sản tại các bến cá, địa phương chưa thực hiện được, bởi không có đủ nhân lực để trực 24/24 giờ tại 34 bến cá. Hiện nay, UBND các xã có bến cá tư nhân là Bình Châu và Bình Thạnh đang tăng cường tuyên truyền đến chủ các bến cá tư nhân, 100% các chủ bến cá ký cam kết với địa phương không thu mua thủy sản không rõ nguồn gốc.
 
Theo Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Nguyễn Văn Mười, mặc dù quy định tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên phải cập cảng chỉ định để bốc dỡ thủy sản, nhưng thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng tàu cá cố tình vi phạm, cập các bến cá tư nhân để bán hải sản. Vì vậy, trong 19 nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác IUU từ nay đến tháng 5/2023, việc kiểm tra, giám sát hoạt động các bến cá tư nhân được đặt lên hàng đầu.
 
Cũng theo ông Mười, quy định của pháp luật hiện nay cũng chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp chủ bến cá tư nhân vi phạm quy định, tiếp nhận các tàu có chiều dài từ 15m trở lên cập bến để bốc dỡ thủy sản, mà chỉ có chế tài xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng đối với thuyền trưởng vi phạm. Trong thời gian đến, chi cục sẽ phối hợp cùng các cơ quan chức năng lập các đoàn kiểm tra đột xuất, xử phạt tại chỗ các thuyền trưởng vi phạm, nhằm răn đe, chấn chỉnh hoạt động của các bến cá tư nhân. 
 
Kiểm soát chặt chẽ tàu cá 
 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền, Trưởng Ban Chỉ đạo về chống khai thác IUU tỉnh đã yêu cầu Sở NN&PTNT cùng với các lực lượng liên quan tổ chức phúc tra, kiểm tra lại theo hình thức ngẫu nhiên từ 10 - 15% trong số các trường hợp vi phạm đã xử lý, nhắc nhở mà không xử phạt trong năm 2022. Lực lượng biên phòng kiên quyết không làm thủ tục xuất, nhập bến đối với tàu cá vi phạm các quy định của pháp luật hoặc chưa đáp ứng đầy đủ các thủ tục và chưa được ban quản lý cảng cá ký chứng thực xác nhận sổ danh bạ thuyền viên. Phát hiện và xác minh, làm rõ những tàu cá vi phạm các hành vi trong chống khai thác IUU để xử lý nghiêm với khung hình phạt cao nhất; đồng thời công khai, minh bạch thông tin để người dân nắm bắt.
 
Theo thống kê của Chi cục Thủy sản tỉnh, toàn tỉnh hiện còn 256 tàu có chiều dài từ 15m trở lên và 38 tàu công suất nhỏ, hoạt động trong tỉnh chưa lắp đặt thiết bị VMS tàu cá. Đối với tàu cá chiều dài từ 6m đến dưới 15m, trên địa bàn tỉnh hiện có 1.338 tàu (hầu hết hoạt động tại vùng biển ven bờ và vùng lộng trong tỉnh), nhưng chỉ có 600 tàu được cấp giấy phép khai thác thủy sản. Số tàu cá còn lại đang được Chi cục Thủy sản tỉnh phối hợp với chính quyền các địa phương, đơn vị tập trung rà soát, xác định cụ thể và chính xác tình trạng hoạt động để có hướng xử lý phù hợp. Theo đó, những tàu cá còn hoạt động, sẽ hướng dẫn chủ tàu thực hiện các thủ tục liên quan đế cấp giấy phép khai thác thủy sản. Những tàu cá không còn hoạt động trên địa bàn tỉnh, cơ quan chức năng sẽ thực hiện các thủ tục xóa tên nhóm tàu này trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia và đưa ra khỏi hệ thống cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (Vnfishbase).
 
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh cho biết, để góp sức cùng ngành thủy sản cả nước sớm gỡ “thẻ vàng”, các đơn vị liên quan và địa phương ven biển cần tăng cường quản lý, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá khai thác hải sản tại vùng bờ, vùng lộng, vùng khơi. Siết chặt công tác cấp giấy phép cho tàu cá nhỏ theo phân cấp quản lý gắn với tăng cường công tác kiểm soát, xử lý các tàu cá không thực hiện đúng quy định về đăng ký, đăng kiểm đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh. Qua đó, góp phần nâng cao trách nhiệm của ngư dân trong việc khai thác đúng vùng, tuyến, từng bước đưa hoạt động khai thác thủy sản vào nền nếp và tuân thủ theo đúng quy định của Luật Thủy sản.
 
Có 987 tàu cá có nguy cơ vi phạm khai thác IUU
 
Theo Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 987 tàu cá chưa có giấy phép khai thác thủy sản và đây là những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU. Đầu tháng 3/2023, Sở NN&PTNT đã gửi danh sách này cho các địa phương: Mộ Đức, Bình Sơn, Tư Nghĩa, Lý Sơn, TX.Đức Phổ  và TP.Quảng Ngãi, đề nghị các địa phương chỉ đạo UBND xã, phường xác định tình trạng hiện tại của từng tàu và gửi về sở trước ngày 31/3/2023. Cùng với đó, các địa phương phải tăng cường vận động chủ tàu cá thực hiện đăng kiểm tàu cá, đăng ký tàu cá, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Đây là những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách nhằm triển khai thực hiện các giải pháp về chống khai thác IUU.
 
Ý THU - MỸ HOA 
 
 
 
 

.