Chính sách mới trong lĩnh vực tài chính - thương mại: Tạo động lực phát triển

14:23, 06/01/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Năm 2022, nhiều chính sách trong lĩnh vực tài chính - thương mại chính thức có hiệu lực, tạo thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Qua đó, tiếp thêm động lực, giúp doanh nghiệp (DN) và người dân vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các ngành nghề, lĩnh vực...
[links()]
 
Mở rộng cơ hội hợp tác thương mại quốc tế
 
Ngày 1/1/2022, thời điểm Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực sau 1 năm ký kết. Các DN Quảng Ngãi, mặc dù thụ hưởng không nhiều chính sách ưu đãi so với một số tỉnh, thành phố lớn khác, song cộng đồng DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu đã sẵn sàng tận dụng những lợi ích từ RCEP. 
 
Năm 2022, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, tạo cơ hội cho xuất khẩu.  Trong ảnh: Tàu ROTO, quốc tịch Mỹ, vào cảng nước sâu Dung Quất nhập hàng.         ẢNH: PV
Năm 2022, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, tạo cơ hội cho xuất khẩu. Trong ảnh: Tàu ROTO, quốc tịch Mỹ, vào cảng nước sâu Dung Quất nhập hàng. ẢNH: PV
Theo Giám đốc Sở Công thương Võ Văn Rân, RCEP hiện là hiệp định thương mại lớn nhất thế giới, kết nối ASEAN và các nền kinh tế lớn trên thế giới như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định này quy định về nguồn gốc xuất xứ, đơn giản hóa các thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho thương mại, gắn kết các quy định thương mại, giúp môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và dễ đoán định hơn cho các DN.
 
Để tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại quốc tế, giảm các rủi ro khi gia nhập thị trường quốc tế, mới đây, UBND tỉnh đã phê duyệt "Đề án nâng cao năng lực phòng vệ thương mại trong bối cảnh tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới". Theo đó, tỉnh giao Sở Công thương dự thảo kế hoạch triển khai thực hiện đề án này phù hợp với tình hình của tỉnh. 
 
Việc các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, được dự báo sẽ mang lại nhiều cơ hội, song cũng đặt các DN Quảng Ngãi trước những thách thức không nhỏ, nhất là hiểu biết về pháp luật quốc tế, quy tắc ứng xử song phương, đa phương. Các ngành may mặc, nông sản, cơ khí chế tạo... sẽ có nhiều cơ hội lớn khi hiệp định thương mại tự do này chính thức có hiệu lực. Đặc biệt là, Hiệp định RCEP sẽ loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ. Hiệp định này sẽ cắt giảm chi phí và thời gian cho DN xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận, mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
 
Lập lại trật tự trong kinh doanh bất động sản
 
Triển khai chỉ đạo của Bộ Tài chính, năm 2022, Quảng Ngãi sẽ triển khai các biện pháp lập lại trật tự trong kinh doanh bất động sản (BĐS). Theo đó, các cơ quan chức năng khi lập thủ tục thu thuế hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng BĐS phải hướng dẫn người dân, DN kê khai đúng giá chuyển nhượng, nâng cao hiệu quả quản lý, đảm bảo công bằng, chống thất thu ngân sách. Các cơ quan phụ trách giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh BĐS phải phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin cho cơ quan thuế để quản lý tốt chứng từ, hóa đơn. Các trường hợp kê khai thấp hơn giá trị thực nhằm trốn thuế, sẽ bị xem là hành vi trốn thuế và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Từ ngày 1/1/2022, nhiều ngân hàng giảm tất cả các loại phí dịch vụ, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Từ ngày 1/1/2022, nhiều ngân hàng giảm tất cả các loại phí dịch vụ, tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp.
Theo Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Nguyễn Văn Tiếp, quy định này là cần thiết, góp phần lành mạnh hóa môi trường kinh doanh BĐS, tạo sự công bằng trong kinh doanh. Lâu nay, trường hợp kê khai trung thực thường bị thiệt thòi, trong khi tình trạng kê khai thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế lại chưa được xử lý. Năm 2022, Quảng Ngãi có kế hoạch thu 3.100 tỷ đồng tiền sử dụng đất. Đây là khoản thu lớn, cần thiết và có cơ sở, để bổ sung kịp thời vào nguồn ngân sách địa phương. Trong quý I/2022, Quảng Ngãi sẽ tổ chức đấu giá nhiều dự án BĐS đầu tư từ ngân sách; đồng thời, tích cực hỗ trợ nhà đầu tư tư nhân hoàn thiện hạ tầng, thủ tục các dự án BĐS để đưa sản phẩm ra thị trường, thu nộp ngân sách theo kế hoạch hơn 578 tỷ đồng.
 
Miễn, giảm một số loại phí
 
Từ 1/1/2022, quy định giảm phí đăng kiểm, phí đường bộ xe cơ giới chính thức có hiệu lực. Theo đó, kể từ ngày 1/1 đến hết tháng 6/2022, xe ô tô kinh doanh vận tải khách sẽ được giảm 30% phí sử dụng đường bộ và xe tải được giảm 10%. Ngoài ra, các loại xe ô tô dân sự đi đăng kiểm trong thời gian trên chỉ phải nộp lệ phí 25 nghìn đồng/xe tải và 50 nghìn đồng/xe ô tô con.
 
Tiếp tục đồng hành cùng với người dân, DN trong năm mới, ngay từ ngày 1/1/2022, nhiều ngân hàng lớn như: Vietcombank, BIDV, Vietinbank đã đồng loạt miễn phí dịch vụ. Cụ thể, Vietcombank miễn phí hoàn toàn cho các giao dịch chuyển tiền trên kênh ngân hàng số VCB Digibank, miễn phí duy trì dịch vụ VCB Digibank và phí quản lý 1 tài khoản mặc định đăng ký VCB Digibank... với mức phí nhỏ nhất là 2.000 đồng/giao dịch đến 1 triệu đồng/giao dịch, hoặc 0,02% giá trị giao dịch. Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết, với việc giảm phí dịch vụ lần này, toàn hệ thống Vietcombank trong cả nước dự kiến sẽ giảm doanh thu hàng nghìn tỷ đồng. Riêng Vietcombank Quảng Ngãi, với số lượng khoảng 200 nghìn khách hàng thì số doanh thu từ dịch vụ là không hề nhỏ.
 
Tương tự, Vietinbank cũng áp dụng mức thu phí 0 đồng với tất cả giao dịch chuyển khoản trong và ngoài hệ thống ngân hàng qua VietinBank iPay từ năm 2022; miễn phí duy trì tài khoản thanh toán, gói tài khoản thanh toán mà không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu. Bên cạnh đó, ngân hàng này cũng không thu phí duy trì dịch vụ iPay, không thu phí duy trì dịch vụ thông báo biến động thông tin tài khoản qua OTT và miễn phí phát hành thẻ ghi nợ nội địa, thẻ ghi nợ quốc tế. Các ngân hàng trong những năm gần đây, có xu hướng tập trung phát triển dịch vụ, đây được xem là “mảnh đất” màu mỡ để đem về lợi nhuận cho ngân hàng.
 
Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chính thức có hiệu lực, các sản phẩm may mặc có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Trong ảnh: Gia công hàng xuất khẩu tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.
Khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới chính thức có hiệu lực, các sản phẩm may mặc có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn. Trong ảnh: Gia công hàng xuất khẩu tại Nhà máy May Vinatex Nghĩa Hành.
Đặc biệt, trong hai năm (2020-2021), nguồn lợi nhuận từ hoạt động cho vay của nhiều ngân hàng trên địa bàn tỉnh bị sụt giảm, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, thì nguồn thu từ dịch vụ vẫn phát triển. Vì vậy, việc các ngân hàng miễn phí nhiều loại phí dịch vụ ngay trong đầu năm mới được xem là sự hỗ trợ kịp thời, giúp người dân, DN tại Quảng Ngãi tiết kiệm được một phần chi phí trong lúc khó khăn. Đồng thời, đây cũng là chiến lược nhằm khuyến khích khách hàng tăng cường thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt của các ngân hàng.
 
Cùng với chính sách miễn, giảm phí dịch vụ, Quyết định 1956/2021 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về ấn định mức lãi suất của các ngân hàng thương mại đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở, cũng chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022. Theo quyết định này, mức lãi suất được ấn định là 4,8%/năm. Mức lãi suất này không thay đổi so với năm 2021, nhưng đã giảm 0,2% so với mức lãi suất của năm 2019 và 2020. 
 
Đối tượng được vay vốn là: Cán bộ, công chức, viên chức và người có thu nhập thấp cần vay vốn để mua nhà ở xã hội, diện tích dưới 70m2, giá bán dưới 15 triệu đồng/m2; hoặc mua nhà ở thương mại tại các dự án phát triển nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có tổng giá trị hợp đồng mua bán không quá 1,05 tỷ đồng... Chính sách mới này sẽ góp phần hỗ trợ kích cầu tiêu dùng về mua nhà, xây dựng nhà ở của người dân trên địa bàn Quảng Ngãi.
 
Siết chặt quản lý thiết bị y tế
 
Năm 2022, Nghị định 98/2021/NĐ-CP, ngày 8/11/2021 của Chính phủ về quản lý trang thiết bị y tế có hiệu lực. Theo đó, quản lý giá mặt hàng này sẽ theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền định giá, cạnh tranh về giá; đảm bảo công khai, minh bạch giá trang thiết bị y tế khi lưu thông trên thị trường. Niêm yết giá bán buôn, bán lẻ bằng đồng Việt Nam tại nơi giao dịch, hoặc nơi bán trang thiết bị y tế. Không được mua, bán trang thiết bị y tế khi chưa có giá kê khai và không được mua, bán cao hơn giá kê khai trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ Y tế tại thời điểm mua bán. Vi phạm quy định về quản lý giá trang thiết bị y tế sẽ bị phạt đến 20 triệu đồng.
 
Bài, ảnh: T.NHỊ - H.HOA
 
 
 
 
 
 
 
 

.