(Báo Quảng Ngãi)- Các câu lạc bộ (CLB) khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ra đời đã hỗ trợ, kết nối nhiều mô hình khởi nghiệp, xây dựng phong trào khởi nghiệp của địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Được thành lập ngày 25/8/2023, CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bình Sơn đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn huyện. Đây còn là nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm để kết nối nguồn lực và hướng tới xây dựng cộng đồng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh, giúp thế hệ trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp phát triển. Đến nay, đã có 19 thành viên tham gia CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bình Sơn. Huyện Bình Sơn hiện có 12 mô hình khởi nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương.
Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bình Sơn Đào Trọng Mười cho biết, CLB đã kết nối tiêu thụ sản phẩm tại những phiên chợ khởi nghiệp, xúc tiến thương mại của một số tỉnh, thành phố. Trong đó, thông qua Chương trình "Kết nối tình quê" của huyện Bình Sơn đã đưa sản phẩm của CLB đến TP.Hồ Chí Minh để quảng bá và kết nối tiêu thụ.
Sản phẩm cơm chiên mắm hành Như Ý, ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương (Bình Sơn). |
Một trong những mô hình khởi nghiệp tiêu biểu của huyện Bình Sơn là sản xuất cơm chiên mắm hành của anh Nguyễn Phú Kinh, ở thôn An Điềm 2, xã Bình Chương. Nhờ đầu tư, ứng dụng thiết bị, máy móc vào sản xuất, cơ sở cơm chiên mắm hành Như Ý của anh Kinh đã cho ra sản phẩm đạt chất lượng và đáp ứng yêu cầu để cung cấp ra thị trường trong nước. Mỗi ngày, cơ sở của anh Kinh sản xuất bình quân 3.000 bịch cơm chiên mắm hành. Từ đó, mang lại nguồn thu cho cơ sở khoảng 500 triệu đồng/năm; giải quyết công ăn việc làm cho 8 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Hay như mô hình sản xuất ngũ cốc của chị Nguyễn Thị Hường, ở thôn Nam Bình, xã Bình Nguyên, cũng được CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Bình Sơn hỗ trợ tham gia tập huấn, đào tạo để hoàn thiện sản phẩm. Hiện cơ sở của chị Hường đã cho ra sản phẩm ngũ cốc chất lượng cao. Mỗi năm, cơ sở mang lại nguồn thu cho chị Hường trên 500 triệu đồng; đồng thời tạo thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng cho 3 lao động. Chị Nguyễn Thị Hường chia sẻ, qua hơn 3 năm khởi nghiệp, được tham gia giới thiệu sản phẩm tại các phiên chợ, cơ sở của tôi được mọi người biết đến nhiều hơn. Sắp tới, tôi muốn mở rộng vùng nguyên liệu tại địa phương, phát triển thành các dòng sản phẩm đa dạng hơn để cung cấp cho nhiều đối tượng người tiêu dùng.
Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Trương Thị Thu Hường cho biết, thời gian qua, các CLB khởi nghiệp đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia những chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ ở các tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tổ chức nhiều lớp tập huấn dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp về những vấn đề như: Xây dựng sản phẩm mới, bảo hộ thương hiệu hay tư vấn các nội dung liên quan đến nhãn mác, hình ảnh cho sản phẩm. Năm 2024, CLB Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh sẽ phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, cũng như trung tâm đổi mới sáng tạo các tỉnh, thành phố tổ chức nhiều chương trình giới thiệu, quảng bá các doanh nghiệp khởi nghiệp của tỉnh, góp phần giúp các doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, phát triển bền vững.
Bài, ảnh: ANH KHUÊ
TIN, BÀI LIÊN QUAN: