Khơi dậy đam mê sáng tạo

23:43, 22/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Năm nay, cả 2 dự án được chọn gửi dự Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật (KHKT) cấp quốc gia, năm học 2023 - 2024 đều của Trường THPT Trần Quốc Tuấn. Đây được xem là sân chơi trí tuệ khuyến khích học sinh (HS) vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề của cuộc sống.

Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương trao thưởng cho nhóm tác giả Trần Tuấn Thịnh (đầu tiên, bên phải) 
và Nguyễn Tuấn Minh.
Phó giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương trao thưởng cho nhóm tác giả Trần Tuấn Thịnh (đầu tiên, bên phải) và Nguyễn Tuấn Minh.

Hai dự án được chọn dự thi gồm: Dự án Chế tạo robot hỗ trợ thực hành thí nghiệm hóa học “Pha loãng axit sunfuric H2SO4 đậm đặc”; dự án Nghiên cứu hoạt tính kháng nấm bệnh và phân hủy chất hữu cơ của nấm Trichoderma phân lập từ bã thải trồng nấm bào ngư tại Quảng Ngãi. 

Khơi dậy đam mê sáng tạo
Hoạt động sáng tạo KHKT đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy giáo dục STEM trong nhà trường, giúp HS tích hợp kiến thức các môn học để giải quyết các vấn đề thực tiễn một cách sáng tạo. Vì vậy, nhiều đơn vị trường học đã phát triển mạnh phong trào nghiên cứu KHKT, đưa hoạt động này trở thành hoạt động quan trọng trong đổi mới giáo dục, khơi dậy đam mê sáng tạo trong HS. Nhiều mô hình, sản phẩm tham gia cuộc thi KHKT được đánh giá là có chứa hàm lượng KHKT và tính ứng dụng thực tiễn cao đã thể hiện bước tiến của phong trào nghiên cứu khoa học, thực hành kỹ thuật trong HS phổ thông. 

Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho học sinh trung học năm nay có 115 dự án của 26 trường THPT và 13 phòng GD&ĐT; tăng 17 dự án so với năm trước. Các dự án đa dạng, phong phú về các lĩnh vực của đời sống xã hội; thuộc 14 lĩnh vực và 4 nhóm lĩnh vực. Kết quả, có 9 giải Nhất, 16 giải Nhì, 25 giải Ba, 31 giải Tư.

 

Dự án Chế tạo robot hỗ trợ thực hành thí nghiệm hóa học “Pha loãng axit sunfuric H2SO4 đậm đặc” của nhóm HS Đặng Thành Phát, lớp 11B2 và Đinh Hữu Quang, lớp 12C5 cùng giáo viên hướng dẫn Nguyễn Thị Yến Hồng được Hội đồng giám khảo đánh giá cao và chọn tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, năm học 2023 - 2024. Theo em Đặng Thành Phát, thực tiễn học tập theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới đòi hỏi thời lượng thực hành phải đảm bảo để nâng cao chất lượng giáo dục. Song, nhiều thí nghiệm môn Hóa học nguy hiểm nên số lần xuống phòng thực hành thí nghiệm của HS còn hạn chế. Vì vậy, nhóm quyết định thực hiện dự án chế tạo robot thay thế con người thực hiện các thí nghiệm nguy hiểm để giảm thiểu rủi ro cho giáo viên và HS.

Mặc dù sản phẩm đoạt giải Nhất Cuộc thi KHKT cấp tỉnh dành cho HS trung học và vinh dự được chọn tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, năm học 2023 - 2024 nhưng nhóm vẫn chưa thực sự hài lòng về sản phẩm. Bởi vì tỷ lệ sai số khi hút nhiều lần quá lớn. “Nhóm sẽ tiếp tục cải tiến sản phẩm để tham dự Cuộc thi KHKT cấp quốc gia, năm học 2023 - 2024. Chúng em sẽ thay các nguyên vật liệu có thể bị ảnh hưởng bởi những chất độc hại. Chỉnh sửa lại bộ bơm hút để giảm tỷ lệ sai số”, Đinh Hữu Quang chia sẻ.

Học đi đôi với hành
Theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vũ Thị Liên Hương, cuộc thi là sân chơi bổ ích nhằm khuyến khích HS trung học nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề của thực tiễn đời sống. Thể hiện năng lực học tập, khả năng nghiên cứu, khả năng thuyết trình, hùng biện, giao tiếp, góp phần thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, gắn việc học đi đôi với hành. Chuẩn bị cho HS trung học tác phong khoa học, năng lực nghề nghiệp và tiềm năng khởi nghiệp sau khi học xong các trường trung học, góp phần thực hiện giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS.

Hiện nay, nghề trồng nấm bào ngư (Pleurotus ostreatus) đang được trồng phổ biến trên quy mô lớn ở Quảng Ngãi và nhiều khu vực khác trên cả nước. Hằng năm, lượng bã thải sau khi trồng nấm vô cùng lớn. Nhận thấy trên các vùng bã thải xuất hiện chủng trichoderma có hoạt tính sinh học tốt. Vì vậy, nhóm HS Trần Tuấn Thịnh và Nguyễn Tuấn Minh, lớp 12C1 cùng giáo viên hướng dẫn Võ Thị Thanh Châu quyết định thực hiện dự án Nghiên cứu hoạt tính kháng nấm bệnh và phân hủy chất hữu cơ của nấm trichoderma phân lập từ bã thải trồng nấm bào ngư tại Quảng Ngãi. “Chúng em đã nghiên cứu sản xuất phân vi sinh nâng cao giá trị của nguồn bã thải từ việc trồng nấm nhằm giúp bà con có thêm thu nhập mới từ nguồn bã thải”, Tuấn Minh bộc bạch.

Cô giáo Võ Thị Thanh Châu, dạy môn Hóa học, Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã tận tâm hỗ trợ nhóm HS thực hiện dự án Nghiên cứu hoạt tính kháng nấm bệnh và phân hủy chất hữu cơ của nấm trichoderma phân lập từ bã thải trồng nấm bào ngư tại Quảng Ngãi. Trong quá trình thực hiện, cô và trò đã nhận được sự hỗ trợ lớn từ phía Trường Đại học Phạm Văn Đồng về cơ sở vật chất của trường và sự hướng dẫn về chuyên môn của Tiến sĩ Nguyễn Minh Cần, giảng viên Trường Đại học Phạm Văn Đồng. “Các thầy, cô giáo cung cấp kiến thức nền để HS lĩnh hội kiến thức và áp dụng trong quá trình thực hiện dự án. Các em có kiến thức, tư duy tốt và niềm đam mê nghiên cứu để đi đến thành công”, cô Châu cho hay.

Tuy còn những khó khăn nhất định như kinh phí phục vụ nghiên cứu hạn chế, cơ sở vật chất của các trường trung học chưa đáp ứng yêu cầu... Song có thể nói, các hoạt động nghiên cứu KHKT đã trực tiếp góp phần thúc đẩy phong trào đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới cách kiểm tra đánh giá HS theo định hướng phát triển năng lực người học. Đồng thời, sự lan tỏa hiệu quả hoạt động nghiên cứu KHKT trong HS trung học đã tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em; giúp HS phát triển phẩm chất, năng lực.

Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


 

Xuất bản lúc: 23:43, 22/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.