(Báo Quảng Ngãi)- Chuyển đổi số (CĐS) được xem là giải pháp quan trọng trong đổi mới phương thức quản lý, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Vì thế, toàn ngành GD&ĐT đang nỗ lực để triển khai thực hiện.
Chuyển đổi số thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong dạy và học, nâng cao chất lượng và cơ hội tiếp cận giáo dục, hiệu quả quản lý giáo dục. Xây dựng nền giáo dục mở thích ứng trên nền tảng số, góp phần phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Mục tiêu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, toàn ngành đổi mới mạnh mẽ phương thức tổ chức giáo dục, đưa dạy và học trên môi trường số thành hoạt động giáo dục thiết yếu, hằng ngày đối với mỗi nhà giáo, mỗi người học.
Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) triển khai học bạ điện tử đối với lớp 6. |
Đổi mới mạnh mẽ phương thức quản lý, điều hành dựa trên công nghệ và dữ liệu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực GD&ĐT. Phát triển kho học liệu số và xây dựng hệ thống quản lý thư viện số 4.0 cho các trường học. Kết nối liên thông kho học liệu số giữa các hệ thống thư viện của các trường, tỉnh và quốc gia. Đảm bảo các điều kiện về hạ tầng số, trang thiết bị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong GD&ĐT. Các trường mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh có đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc dạy, học và phục vụ quản lý...
Việc ứng dụng công nghệ mở ra nhiều phương thức dạy học mới thông minh, hiệu quả. Song, quá trình thực hiện ở tỉnh ta vẫn còn thiếu đồng bộ, cơ sở vật chất và năng lực đội ngũ còn những hạn chế nhất định. Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Lê Văn Trung, khó khăn nhất trong CĐS của ngành giáo dục đó là con người. Nhất là nhiều giáo viên lớn tuổi còn hạn chế trong ứng dụng CNTT, nên thời gian đầu thực hiện sẽ còn lúng túng. Bên cạnh đó, phần mềm chưa thật sự hoàn thiện dẫn đến việc thực hiện chưa đồng bộ...
Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nguyễn Đức Huân cho rằng, CĐS trong ngành giáo dục là nhiệm vụ mới, chưa được tập huấn, bồi dưỡng, vì vậy ngành GD&ĐT còn thiếu kinh nghiệm và lúng túng trong công tác tham mưu. Cơ chế chính sách, pháp lý chưa theo kịp công tác ứng dụng CNTT và CĐS. Hạ tầng CNTT đã được đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Nhiều máy tính đã được trang bị từ lâu, tốc độ xử lý chậm, thiếu thiết bị an toàn, an ninh mạng. Kinh phí đầu tư, nâng cấp, bảo dưỡng còn hạn hẹp chưa theo kịp tình hình phát triển của giáo dục và xu thế trên thế giới.
Hiện nay, việc bồi dưỡng năng lực ứng dụng CNTT và truyền thông CĐS cho đội ngũ cán bộ phụ trách lĩnh vực CĐS chưa đảm bảo. Công tác tập huấn nâng cao nhận thức và kỹ năng về an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ quản lý gặp nhiều khó khăn trong chuyên môn...
Trường THPT Chuyên Lê Khiết đã thực hiện CĐS từ nhiều năm nay. Song, năm học 2023 - 2024, nhà trường mới bắt đầu đưa vào quản lý học bạ điện tử, hồ sơ của giáo viên như giáo án, kế hoạch chuyên môn, quản lý, dạy học trên hệ thống SMAS; đồng thời đưa vào sử dụng chữ ký số. “Thời gian đầu triển khai sẽ xuất hiện những khó khăn, nhưng Ban Giám hiệu nhà trường xác định tinh thần phải thay đổi nhận thức và cách làm việc. Ban Giám hiệu triển khai tất cả thông báo liên quan đến việc thực hiện CĐS; cán bộ quản lý cập nhật thường xuyên; các bộ phận, tổ chuyên môn phải hoàn thiện nội dung của tổ lên phần mềm quản lý... Có như vậy, việc CĐS trong ngành giáo dục nói chung và nhà trường nói riêng mới mang lại hiệu quả”, thầy Lê Văn Trung chia sẻ.
Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên TX.Đức Phổ đã triển khai thực hiện chuyển đổi số. |
Năm học 2023 - 2024, Trường THCS Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) triển khai học bạ điện tử lớp 6. Nhà trường xây dựng lộ trình thực hiện cho lớp 7, 8, 9 trong những năm học tiếp theo. Trường đã mua phần mềm quản lý hồ sơ điện tử của Viettel Quảng Ngãi; trong đó, có tích hợp chữ ký của giáo viên để đồng bộ hóa phần mềm SMAS. Khi thực hiện học bạ điện tử trên hệ thống SMAS thì sẽ tích hợp chữ ký để thuận tiện cho giáo viên hoàn tất học bạ sau này. “Đến nay, Viettel Quảng Ngãi đã tập huấn sử dụng phần mềm cho cán bộ, giáo viên. Nhà trường phân công 2 giáo viên Tin học chịu trách nhiệm hướng dẫn giáo viên tiếp cận phần mềm và giải đáp thắc mắc; đồng thời thành lập nhóm Zalo để cán bộ, giáo viên trao đổi trong quá trình triển khai học bạ điện tử. Nhờ vậy, cán bộ, giáo viên của trường đã thành thạo việc sử dụng phần mềm”, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Hiệp Bùi Cẩm Lai cho hay.
Trong thời gian dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành giáo dục bị ảnh hưởng nặng nề. Đó cũng là thời gian ngành GD&ĐT đứng trước thách thức trong chuyển đổi phương thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến hay trực tiếp kết hợp trực tuyến. Giai đoạn đầu, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc chuyển đổi hình thức dạy học. Song, hầu như các địa phương đã làm được. Các thầy, cô giáo và người học đã làm quen với phương thức học tập mới. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến chỉ là một trong những hình thức đơn giản của CĐS. Mục tiêu thực hiện CĐS mà ngành GD&ĐT hướng đến là xây dụng hệ thống học trực tuyến thông minh đúng nghĩa, có đầy đủ học liệu, quản lý học tập để giúp học sinh, giáo viên học tập, giảng dạy một cách chủ động, bổ sung cho việc học trực tiếp cũng như nâng cao chất lượng dạy và học.
Ông Nguyễn Đức Huân cho biết, ngành giáo dục sẽ tập trung công tác CĐS vào các nhiệm vụ giải pháp chủ yếu như hoàn thiện cơ chế chính sách; đổi mới quản trị, quản lý nhà nước về giáo dục; phát triển hệ sinh thái CĐS hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số. Trong đó, ngành giáo dục sẽ triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, nhân viên và người học. Triển khai các mô hình dạy học tiên tiến trên nền tảng số. Đồng thời, phát triển kho học liệu số, học liệu mở dùng chung, bài giảng điện tử, học liệu đa phương tiện, sách giáo khoa điện tử.
Mô hình giáo dục STEM từng bước phát huy hiệu quả thông qua các cuộc thi khoa học kỹ thuật. |
Triển khai mô hình giáo dục STEM/STEAM, phát triển tư duy lập trình, các chương trình về khoa học máy tính phù hợp. Nâng cao năng lực số cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhân viên, người học đảm bảo quản lý và làm việc hiệu quả trên môi trường số.
Với quyết tâm cao của toàn ngành và sự hỗ trợ, định hướng, đồng hành của các cấp, ngành, các thầy, cô giáo, học sinh và phụ huynh, tin rằng mục tiêu CĐS trong ngành GD&ĐT tỉnh nhà sẽ được hiện thực hóa, từng bước đổi mới toàn diện, hiệu quả.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: