(Báo Quảng Ngãi)- Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), ngành GD&ĐT Quảng Ngãi đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Giáo viên tiên phong đổi mới
Ngành GD&ĐT xác định đổi mới giáo dục trước hết phải bắt đầu từ giáo viên (GV) với phương châm “Lấy người học làm trung tâm”. Trong những năm qua, đội ngũ GV trong tỉnh đã tiên phong đổi mới, thay đổi cách dạy, truyền cảm hứng cho học sinh (HS), là tấm gương tự học cho HS.
Học sinh Trường THPT Chuyên Lê Khiết trong giờ thực hành môn Hóa học. |
Thầy giáo Trương Duy Hướng, dạy môn Hóa học, Trường THPT Chuyên Lê Khiết, là người đã truyền lửa đam mê cho nhiều thế hệ HS. Thầy Hướng từng là HS giỏi cấp quốc gia, tốt nghiệp loại giỏi Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn, về công tác tại Trường THPT Chuyên Lê Khiết theo chính sách thu hút nhân tài của tỉnh. Từ ngôi trường này, anh được cử đi đào tạo tiến sĩ và luôn tích cực nghiên cứu, đổi mới để nâng cao chất lượng giảng dạy. Tinh thần “không ngừng học” của thầy Hướng đã truyền ngọn lửa đam mê đến nhiều HS. Nhờ vậy, những năm qua, Trường THPT Chuyên Lê Khiết có nhiều HS đạt giải cao trong các kỳ thi HS giỏi môn Hóa học cấp khu vực và quốc gia; nhiều đề tài đạt giải Cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia dành cho HS trung học.
Thầy giáo Trương Duy Hướng cho rằng, người thầy tự học tốt sẽ truyền ngọn lửa đam mê đến HS. Đó là lý do để tôi không ngừng nỗ lực đổi mới và sáng tạo trong công tác giảng dạy. Thầy Hướng dạy môn Hóa học song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Ngoài việc dạy học trên lớp và tham gia bồi dưỡng đội tuyển tham dự kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia, thầy Hướng dành thời gian thực hiện các video về dạy Hóa học bằng tiếng Anh để HS tiếp cận với những phương pháp dạy học mới, nâng cao chất lượng dạy và học đối với bộ môn Hóa học.
Để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, thời gian qua, nhiều GV trên địa bàn tỉnh đã tự tham gia các lớp học để nâng chuẩn. Sau nhiều năm giảng dạy, cô giáo Trần Thị Trang, dạy Tin học ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trà Sơn (Trà Bồng) tự trang trải kinh phí học lên đại học. “Làm việc trong môi trường giáo dục, GV chính là người tiên phong trong việc đổi mới. Chúng tôi không chỉ truyền thụ kiến thức cơ bản mà còn là những người sáng tạo phương pháp dạy học để truyền đạt cho các em một cách hiệu quả nhất”, cô Trang chia sẻ.
Qua thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng và quy mô đội ngũ GV của tỉnh được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh có hơn 19 nghìn GV các bậc học. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, tỉnh ta sẽ bố trí kinh phí đào tạo, nâng chuẩn cho gần 900 GV mầm non, tiểu học, THCS theo lộ trình quy định tại Nghị định 71 của Chính phủ, nhằm đáp ứng yêu cầu giảng dạy theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPTM). Riêng năm học 2022 - 2023, có 233 GV được đào tạo từ ngân sách tỉnh với kinh phí hơn 16 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2025, phát triển việc hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình. Xây dựng, khai thác nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Phát triển giáo dục toàn diện
Nghị quyết 29 cũng như Chương trình GDPTM hướng đến sự phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất của HS. Học sinh phải được giáo dục toàn diện đức - trí - thể - mỹ. Ngành GD&ĐT đã và đang triển khai đồng bộ giáo dục thể chất, thể mỹ trong nhà trường, trong đó lấy HS là trung tâm, GV là động lực. Không gian lớp học đã mở ra, GV trở thành “nhà kiến tạo” môi trường học tập an toàn, thân thiện, giúp HS phát huy năng lực, sở trường, tiến tới xây dựng những “ngôi trường hạnh phúc”.
Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Lê Khiết Lê Văn Trung cho biết, những năm qua, trường chú trọng xây dựng môi trường học tập “Lấy HS làm trung tâm”, các nội dung giáo dục theo hướng thiết thực, phù hợp với tình hình thực tế nhằm phát huy tính tích cực và chủ động, sáng tạo của HS. Nhà trường chỉ đạo và hướng dẫn đội ngũ GV soạn giảng theo hướng lồng ghép và tích hợp các nội dung giáo dục vào các hoạt động học theo chủ đề, rèn luyện kỹ năng tư duy, sáng tạo, sử dụng thành thục công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy; đồng thời vận dụng linh hoạt các kiến thức giảng dạy vào thực tiễn.
Học sinh Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) sinh hoạt ngoại khóa. |
Các trường học trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động thực hành, vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, chú trọng giáo dục đạo đức, giá trị sống, rèn luyện kỹ năng sống cho HS. Nhiều hoạt động trải nghiệm sáng tạo được tổ chức trong nhà trường ở các cấp học nhằm tạo điều kiện cho HS phát huy năng lực, phát triển năng khiếu và hình thành kỹ năng sống, góp phần thực hiện tốt công tác giáo dục toàn diện. Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, qua thực hiện Nghị quyết 29, chất lượng GD&ĐT của trường được nâng lên. Đội ngũ GV của trường đã không ngừng đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá HS. Nhà trường đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và giảng dạy. Song song với việc trang bị kiến thức, trường còn chú trọng rèn luyện kỹ năng mềm cho HS.
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái nhận định, sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, toàn ngành GD&ĐT đã từng bước khắc phục khó khăn, đưa giáo dục tỉnh nhà ngày càng phát triển. Tỷ lệ HS đỗ tốt nghiệp THPT hằng năm ổn định. Riêng năm 2022, tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT đứng thứ 39/63 tỉnh, thành phố, tăng 11 bậc so với năm 2021; tỷ lệ HS đậu đại học đứng thứ 15/63 tỉnh, thành phố... Các dự án của HS tham gia các cuộc thi ngày càng nhiều và chất lượng ngày càng được nâng lên.
Ông Nguyễn Ngọc Thái cho biết thêm, trong những năm đến, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục tuyên truyền, phổ biến đến đội ngũ GV, cán bộ quản lý về tinh thần, thái độ, trách nhiệm của người GV đối với sự nghiệp trồng người theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, nâng chuẩn trình độ GV theo quy định của Luật Giáo dục 2019; đồng thời tham mưu cho tỉnh ban hành cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho ngành GD&ĐT xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học, tạo điều kiện tốt nhất để thực hiện Chương trình GDPTM.
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: