Khó khăn trong đổi mới giáo dục

06:01, 14/01/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Đây là năm thứ 3 ngành GD&ĐT triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới (CTGDPTM). Tuy nhiên, toàn ngành hiện vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình đổi mới.
 
[links()]
 
Thiếu giáo viên
 
Đầu năm học 2022 - 2023, huyện Ba Tơ có nhu cầu tuyển dụng 71 biên chế giáo viên (GV) ở bậc tiểu học và THCS. Đợt thi tuyển GV diễn ra vào đầu tháng 11/2022, huyện Ba Tơ có 38 thí sinh trúng tuyển. “Huyện còn thiếu 33 GV, trong đó chủ yếu là GV tiểu học và môn Tin học. Theo CTGDPTM, môn tiếng Anh và Tin học là môn học bắt buộc nên địa phương đã thông báo tuyển dụng 5 biên chế GV cho 2 môn này, nhưng chỉ nhận được 2 hồ sơ. Huyện thực hiện giải pháp tình thế là phân công GV dạy liên trường. Tuy nhiên, về lâu dài thì việc bố trí đủ biên chế GV mới thực hiện hiệu quả đổi mới giáo dục”, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ Lữ Đình Tích cho hay.
 
Học sinh Trường Tiểu học Hành Thịnh (Nghĩa Hành) tham gia hoạt động múa hát tại sân trường.  Ảnh: TR.PHƯƠNG
Học sinh Trường Tiểu học Hành Thịnh (Nghĩa Hành) tham gia hoạt động múa hát tại sân trường. Ảnh: TR.PHƯƠNG
Nhu cầu tuyển dụng GV của huyện Nghĩa Hành trong năm 2022 là 14 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển dụng được 8 biên chế. “Việc thực hiện CTGDPTM tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Trong đó, việc thiếu GV đã ảnh không nhỏ đến hoạt động dạy và học của các trường”, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Nghĩa Hành Cao Bá Thành nói.
 
Hằng năm, đội ngũ GV các môn tự chọn bậc THPT (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý...)  liên tục biến động do phụ thuộc vào sự lựa chọn của học sinh. Các môn học mới như Âm nhạc, Mỹ thuật bậc THPT không đủ GV. Ngoài ra, thầy, cô giáo được phân công giảng dạy các môn tích hợp như: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp... gặp nhiều khó khăn vì chỉ được đào tạo đơn môn hoặc phải dạy kiêm nhiệm môn mới chưa được đào tạo. Bên cạnh đó, chỉ tiêu biên chế được Nhà nước giao chưa đủ, song phải thực hiện cắt giảm biên chế hằng năm từ 1,5 - 2%.
 
Ngoài ra, để đạt chuẩn giảng dạy theo quy định mới, nhiều GV vừa đi dạy vừa đi học, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Hiện nay, TP.Quảng Ngãi có 30% GV mầm non, 25% GV tiểu học và THCS chưa đạt chuẩn. “Hiện nhà trường có 9 GV chưa đủ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục 2019, trong đó có 5 GV sắp nghỉ hưu. Các GV còn lại đang theo học nâng chuẩn tại Trường Đại học Phạm Văn Đồng. Việc vừa đi học để đảm bảo chuẩn, vừa đổi mới giảng dạy khiến GV và nhà trường gặp nhiều áp lực”, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú (TP.Quảng Ngãi) Nguyễn Thị Phương Thảo chia sẻ.
 
Còn nhiều việc phải làm
 
Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Ngọc Thái cho rằng, để thực hiện CTGDPTM, tỉnh ta đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học. Tuy nhiên, cơ sở vật chất chỉ đáp ứng yêu cầu tối thiểu của CTGDPTM, nhất là các trường học khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa. Một số địa phương có tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày thấp; còn thiếu phòng học, phòng chức năng và phòng bộ môn để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày.  Trong những năm tới, Quảng Ngãi cần tiếp tục ưu tiên kinh phí để tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học, đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trên địa bàn tỉnh.
 
"Để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu GV đáp ứng CTGDPTM, Chính phủ cần có chỉ đạo Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng giải quyết trong khâu tuyển dụng GV đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục 2019 (có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên đối với GV mầm non; có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo GV trở lên đối với GV tiểu học, THCS, THPT). Vì hiện nay, nhiều sinh viên ngành sư phạm tốt nghiệp ra trường chưa đáp ứng trình độ đào tạo và điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển theo quy định nên các địa phương tuyển dụng không đủ chỉ tiêu được giao", ông Thái nêu kiến nghị.
 
Theo các nhà quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cần tăng cường mở các lớp tập huấn tại địa phương để tạo điều kiện cho đội ngũ GV được tập huấn trực tiếp. Đồng thời, chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng sư phạm rà soát lại khung đào tạo, chương trình và nội dung đào tạo sinh viên sư phạm tăng cường các kỹ năng mềm; dạy các môn học tích hợp mới như: Khoa học Tự nhiên, Lịch sử và Địa lý... để phù hợp với việc giảng dạy theo CTGDPTM.
 
TRỊNH PHƯƠNG
 
 

.