Lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài

17:42, 17/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Suốt 25 năm thành lập và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động, góp phần lan tỏa phong trào khuyến học, khuyến tài. Phóng viên Báo Quảng Ngãi có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Phạm Thanh Hải xoay quanh nội dung này. 

PV: Xin ông cho biết kết quả xây dựng tổ chức hội khuyến học ở tỉnh ta trong thời gian qua?

Ông Phạm Thanh Hải: Trải qua 25 năm hoạt động xây dựng và phát triển, Hội Khuyến học tỉnh luôn nỗ lực phát huy truyền thống yêu nước và hiếu học của quê hương Quảng Ngãi - quê của Thủ tướng Phạm Văn Đồng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khơi nguồn sáng lập Hội Khuyến học Việt Nam và phong trào khuyến học trong cả nước. Đây là niềm tự hào và khích lệ lớn lao giúp cán bộ các cấp hội khuyến học trong tỉnh hết lòng chăm lo cho sự nghiệp GD&ĐT.

Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học cho các cá nhân tiêu biểu. Ảnh: Tr.Phương
Trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp khuyến học cho các cá nhân tiêu biểu. Ảnh: Tr.Phương

Sau khi Hội Khuyến học tỉnh được thành lập ngày 18/5/1998, Bình Sơn là huyện đầu tiên thành lập hội khuyến học trong năm 1998. Hơn 3 năm sau, có 13/13 huyện, thị xã trong tỉnh thành lập hội khuyến học và tổ chức đại hội bầu ban chấp hành. Từ đây, phong trào khuyến học tại các đơn vị, địa phương trong tỉnh từng bước hình thành và phát triển mạnh mẽ cả về tổ chức hội và hội viên; chất lượng và hiệu quả hoạt động ngày càng được nâng lên. Đến nay, các tổ chức khuyến học, các mô hình học tập đã lan rộng và phủ kín 100% xã, phường, thị trấn, thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Nhận thức về khuyến học, khuyến tài, xây dựng một xã hội học tập, học tập suốt đời trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân được nâng lên. Nội dung khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trở thành tiêu chí phấn đấu của tổ chức đảng, đoàn thể, gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị ở cơ sở.

PV: Ông cho biết rõ hơn về kết quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn tỉnh? 

Ông Phạm Thanh Hải: Song song với công tác xây dựng tổ chức hội và phát triển hội viên, 25 năm qua, hội khuyến học các cấp trong tỉnh đã vận động quỹ khuyến học, khuyến tài trên 310 tỷ đồng; trao 1,2 triệu suất học bổng và khen thưởng cho học sinh, sinh viên (HS, SV) nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học giỏi, xuất sắc; HS đoạt giải trong các kỳ thi cấp tỉnh, cấp quốc gia. Trong đó, nổi bật là Quỹ học bổng Khuyến tài Phạm Văn Đồng đã thực hiện năm thứ 17; Quỹ học bổng mang tên nhà giáo Nguyễn Tấn Đức; Quỹ học bổng Võ Gia của bà Võ Thị Ánh Tuyết; Chương trình học bổng SPELL, do Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ tài trợ; Chương trình học bổng “Phát triển Giáo dục và Kỹ năng” - SEEDS, do tổ chức Vòng Tay Thái Bình tài trợ; học bổng đào tạo cao đẳng công nghệ Thông tin, do Tổ chức Passerelles numériques Việt Nam (PNV) tài trợ. Các cơ quan, đơn vị, hội, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, hội viên khuyến học và nhân dân trong và ngoài tỉnh đã tích cực đóng góp vào quỹ khuyến học, khuyến tài của tỉnh.

Phong trào vận động “Quỹ tấm lòng vàng khuyến học” ở cấp huyện, xã, các trường đại học, cao đẳng và cơ sở phát triển mạnh mẽ, rộng khắp đến gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị. Bên cạnh đó, các chương trình học bổng phi chính phủ đã giúp cho hàng nghìn HS, SV nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tiếp tục vươn lên trong học tập để tiến bộ, trưởng thành, lập thân, lập nghiệp. 

PV: Công tác khuyến học, khuyến tài đã góp phần quan trọng như thế nào trong việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thưa ông?

Ông Phạm Thanh Hải: Công tác khuyến học, khuyến tài góp phần đào tạo nguồn nhân lực để tham gia vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng cuộc sống mới trong từng gia đình, dòng họ, từng cộng đồng. Do đó, quá trình xây dựng và phát triển phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là quá trình gắn kết chặt chẽ với phong trào xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Gắn kết việc xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình học tập với các mô hình phát triển sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống, bảo vệ sức khỏe, môi trường cộng đồng. Trong quá trình triển khai nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, hội khuyến học không chỉ quan tâm đến việc học tập của HS, SV, mà còn quan tâm đến học tập của người lớn thông qua sách báo, trung tâm học tập cộng đồng...

Trong 14 năm qua kể từ khi hình thành trung tâm học tập cộng đồng ở xã, phường, thị trấn, toàn tỉnh đã mở được hơn 8.800 lớp học cho gần 500 nghìn lượt người lớn tham gia học tập. Qua đó, giúp người dân nâng cao kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, sử dụng vi tính, điện thoại thông minh... góp phần phát triển sản xuất, cải thiện đời sống, đem lại lợi ích cho gia đình, cộng đồng và xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông!

TRỊNH PHƯƠNG (thực hiện)

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 


Ý kiến bạn đọc


.