(Báo Quảng Ngãi)- Một số hộ gia đình trẻ người Cor, ở xã Trà Sơn (Trà Bồng), đã có cuộc sống ổn định nhờ chủ động phát triển kinh tế từ nhiều mô hình khác nhau. Họ đã trở thành gương điển hình ở địa phương, tạo động lực cho các hộ khác nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Nên duyên vợ chồng khi cả hai mới 19 tuổi, hai vợ chồng anh Hồ Văn Lách và chị Hồ Thị Duyên, ở thôn Trung, xã Trà Sơn đã phải nỗ lực rất nhiều để phát triển kinh tế gia đình. “Ngày mới cưới, vợ chồng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Cả hai đều còn trẻ, bố mẹ lại mất sớm, tôi không có tài sản gì. May mắn được gia đình bên vợ giúp đỡ, hướng dẫn làm ăn, cả hai cùng nỗ lực vươn lên”, anh Lách chia sẻ.
Anh Hồ Văn Lách, ở thôn Trung, xã Trà Sơn (Trà Bồng), chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: H.P |
Thấy được lợi ích của việc đi làm công nhân khi mang lại thu nhập ổn định, 5 năm trước, anh Lách quyết định ứng tuyển làm công nhân tại Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất và làm việc đến nay. Năm 2023, vợ chồng anh Lách được hỗ trợ xây dựng nhà ở từ Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững và được hỗ trợ 2 con bò giống làm sinh kế. Chị Hồ Thị Duyên hằng ngày chăm lo đưa đón 2 con đi học, làm ruộng, làm rẫy, chăm sóc đàn bò.
Sau giờ làm ở công ty, anh Lách phụ vợ trồng thêm cỏ làm nguồn thức ăn cho bò, dự trữ rơm rạ sau thu hoạch. “Đối với công việc ở công ty, tôi cố gắng làm việc chăm chỉ, đảm bảo thu nhập hằng tháng để lo cho con cái. Vợ chồng tôi cùng cố gắng chăm sóc đàn bò thật tốt để tăng số lượng, cùng với nguồn thu từ trồng keo sẽ là khoản tích lũy cho tương lai”, anh Lách tâm sự. Hiện nay, với các nguồn thu có được, vợ chồng anh Lách đã dần an cư lạc nghiệp và chính thức ra khỏi diện hộ nghèo vào cuối năm 2023.
Gia đình anh Hồ Văn Cưu, ở thôn Kà Tinh, xã Trà Sơn, cũng vừa thoát nghèo từ sự nỗ lực, đồng lòng xây dựng mô hình kinh tế. Trước đây, vợ chồng anh Cưu chỉ trông chờ vào rẫy keo của gia đình, nên kinh tế luôn chật vật. Không cam chịu cảnh nghèo, nhận thấy địa thế đất đai của gia đình thích hợp làm mô hình chăn nuôi tổng hợp, anh Cưu cùng vợ tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm, rồi quyết tâm thực hiện.
“Mục đích của tôi là lấy ngắn nuôi dài. Vì vậy, tôi tập trung nuôi vịt và gà thả vườn để làm nguồn thu chính. Mỗi năm, gia đình tôi xuất bán 3 đợt gà, vịt. Từ đó, lấy tiền đầu tư trồng trọt, nuôi bò để tăng thêm nguồn thu, tích lũy nhiều hơn”, anh Cưu nói. Không chỉ vậy, vợ anh Cưu còn mở thêm cửa hàng tạp hóa nhỏ để trao đổi các loại nông sản và cung cấp các vật dụng thiết yếu cho người dân trong thôn. Trung bình mỗi năm, vợ chồng anh Cưu có thu nhập hơn 100 triệu đồng, giúp gia đình có cuộc sống ổn định.
Năm 2023, vợ chồng anh Cưu tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Trà Bồng để đầu tư làm hồ nuôi cá nước ngọt.
Việc các gia đình trẻ biết tính toán làm ăn, quyết tâm với mục tiêu đặt ra và kiên trì thực hiện từng bước gầy dựng kinh tế như vợ chồng anh Lách, anh Cưu là tín hiệu vui trong công cuộc giảm nghèo của huyện Trà Bồng. Qua đó cho thấy, cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, ý thức vươn lên trong mỗi người dân là rất quan trọng để thực hiện thành công các chính sách hỗ trợ giảm nghèo.
HIẾU PHƯƠNG
TIN, BÀI LIÊN QUAN: