Vượt khó làm giàu ở vùng cao

17:56, 27/09/2023
.
(Báo Quảng Ngãi)- Với sự cần cù, năng động và quyết tâm vượt khó phát triển kinh tế, chị Đinh Thị Hiếu (34 tuổi), ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) và chị Nguyễn Thị Ánh Quý (28 tuổi), ở thôn Hà Lên, xã Sơn Màu (Sơn Tây) đã vươn lên làm giàu thành công.
 
Chị Đinh Thị Hiếu chia sẻ, sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi không có vốn liếng làm ăn, nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, tôi cùng chồng làm lụng vất vả để tích lũy tiền đầu tư phát triển sản xuất. Nhờ đó, chỉ sau vài năm, gia đình tôi có tiền mua cây giống để trồng 0,5ha keo. Lợi nhuận có được sau khi thu hoạch keo, vợ chồng tôi tiếp tục mở xưởng cơ khí và chăn nuôi gối vụ 5 con bò, trâu thương phẩm, nuôi gần 100m2 cá trắm cỏ. Bình quân mỗi năm, gia đình tôi có thu nhập gần 150 triệu đồng. “Dẫu xuất phát điểm khó khăn, nhưng tôi chưa bao giờ thiếu đi ý chí làm giàu. Điều này đã giúp tôi vượt qua khó khăn, không ngừng nỗ lực phát triển kinh tế. Thời gian tới, tôi dự định sẽ tiếp tục đầu tư mở rộng chăn nuôi, để cuộc sống của gia đình tôi ngày càng ổn định, khấm khá hơn”, chị Hiếu chia sẻ.
 
Nhờ sự cần cù, chịu khó, chị Đinh Thị Hiếu, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) đã vươn lên thoát nghèo.
Nhờ sự cần cù, chịu khó, chị Đinh Thị Hiếu, ở thôn Trung Thượng, xã Long Mai (Minh Long) đã vươn lên thoát nghèo.

Quê ở xã Tịnh Đông (Sơn Tịnh), chị Nguyễn Thị Ánh Quý lại cùng chồng chọn xã Sơn Màu (Sơn Tây) để lập nghiệp từ 9 năm trước. Thời gian đầu, điều kiện sống cũng như phong tục tập quán ở vùng cao khiến chị Quý gặp khá nhiều khó khăn. Dẫu vậy, chị đã nỗ lực vượt qua và lập nghiệp thành công nơi vùng cao này. Chị Quý đã mạnh dạn đầu tư cửa hàng kinh doanh tổng hợp, từ việc bán nhu yếu phẩm đến dịch vụ ăn uống, giải khát. “Lúc tôi mở cửa hàng kinh doanh tổng hợp, ai cũng cho rằng tôi khá liều lĩnh khi mạnh dạn đầu tư quá nhiều vào cửa hàng, nhất là ở vùng cao này. Tuy nhiên, vì đa phần người dân khi muốn mua các nhu yếu phẩm, đồ dùng sinh hoạt phải di chuyển đoạn đường khá xa đến trung tâm huyện rất bất tiện, nên tôi đã bắt tay vào kinh doanh. Chính nhờ sự quyết đoán, dám nghĩ dám làm, mà việc kinh doanh của tôi ngày càng thuận lợi, kinh tế gia đình ngày càng phát triển”, chị Quý chia sẻ.

Nhận thấy nhiều đồng bào Ca Dong vất vả lên rẫy thu hoạch các loại nông sản đặc trưng của núi rừng, nhưng lại bán với giá rất rẻ, vì không có đầu ra tiêu thụ ổn định. Vì vậy, chị Quý đã nhận làm nơi liên kết, tiêu thụ nông sản cho người dân đến các khách hàng ở đồng bằng. Bình quân mỗi năm, chị Quý thu mua hơn 300 lít mật ong, 2 tấn ớt xiêm rừng và hàng tấn ếch, cá suối, rau, quả rừng các loại, giúp người dân có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Màu Đinh Thị Hằng nhận xét, chị Quý là một phụ nữ năng động, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế gia đình. Khi có cuộc sống khấm khá, chị luôn giúp đỡ, hỗ trợ cho người khó khăn ở địa phương. Chị Quý là tấm gương sáng để nhiều chị em học hỏi, không ngừng lao động sản xuất và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: HẢI CHÂU

TIN, BÀI LIÊN QUAN:
Xuất bản lúc: 17:56, 27/09/2023

Ý kiến bạn đọc


.