Vượt qua số phận, vươn lên làm giàu

13:54, 09/05/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bị khuyết tật vận động sau một tai nạn lao động, nhưng bằng ý chí và nghị lực vươn lên, anh Phạm Văn Trĩ (44 tuổi), ở thôn Làng Trui, xã Ba Tiêu (Ba Tơ) đã đào ao nuôi cá và thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế...

Năm 2016, sau khi bị ngã từ trên cao xuống, bị tổn thương cột sống và 2 chân, anh Phạm Văn Trĩ từ một người khỏe mạnh phải gắn chặt đời mình với đôi nạng gỗ. Song, dù khuyết tật nhưng anh Trĩ không thiếu quyết tâm. Anh đã nỗ lực vượt khó, vừa tập đứng, tập đi, vừa phát triển mô hình "vườn - ao - chuồng". 

"Lúc mới xuất viện về nhà, tôi nằm một chỗ, mọi sinh hoạt phải có sự giúp đỡ của vợ con, kinh tế gia đình vô cùng thiếu thốn. Thấy cảnh vợ mình đi làm thuê vất vả lo cho gia đình, tôi tự bảo mình phải gắng lên. Rồi tôi tập đứng, tập đi, tập làm kinh tế", anh Trĩ tâm sự.

Mô hình nuôi dúi của anh Phạm Văn Trĩ.           Ảnh: PV
Mô hình nuôi dúi của anh Phạm Văn Trĩ.           Ảnh: PV

Bắt đầu cuộc sống mới cùng đôi nạng gỗ, anh Trĩ thử sức với mô hình nuôi gà thả vườn - một trong những mô hình chăn nuôi không đòi hỏi nhiều sức khỏe. Nhưng với một người đi đứng chưa vững như anh Trĩ, đây cũng không phải là việc dễ dàng. Mỗi lần ra vườn, ngoài việc phải di chuyển bằng nạng, anh Trĩ còn phải dùng thêm một chiếc gậy để trợ lực, giúp anh giữ được thăng bằng khi gặp địa hình dốc. Còn khi lên, xuống nhà sàn, anh Trĩ không sử dụng được nạng, mà phải gắng gượng di chuyển bằng tay.

Khó khăn là vậy, nhưng nhờ sự chịu thương, chịu khó và kiên trì, anh Trĩ đã gặt hái được thành công với mô hình nuôi gà thả vườn và dần tích lũy được vốn phát triển thêm mô hình nuôi heo sinh sản. Để có rau dùng làm thức ăn chăn nuôi heo, người đàn ông "tàn nhưng không phế" ấy lại cần mẫn chống nạng ra vườn để trồng rau lang. Chẳng mấy chốc, vườn rau lang hơn 1 sào của anh Trĩ nhanh chóng xanh tốt, giúp anh chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi.

Từ những thành công bước đầu trong phát triển các mô hình chăn nuôi, anh Trĩ lại tiếp tục mày mò phát triển thêm mô hình để tận dụng hết diện tích đất vườn nhà.

Trong vườn có thửa ruộng sâu, anh chịu khó cải tạo 100m2 thành ao để nuôi cá chép, cá rô phi, cá mè. Nhờ ao nuôi cá này, gia đình anh tiết kiệm được một khoản chi phí mua thức ăn. Bình quân mỗi năm, anh thu hoạch đều đặn khoảng 1 tạ cá. Cùng với đó, anh Trĩ còn nuôi thêm gần 100 con vịt để tận dụng diện tích mặt nước của ao cá, tăng thu nhập.

Phát triển đồng thời nhiều mô hình nên diện tích đất vườn chẳng còn lại bao nhiêu, song anh Trĩ vẫn tiếp tục học hỏi và phát triển thêm mô hình nuôi dúi. Đi lại khá khó khăn, nhưng hằng ngày, anh vẫn ra vườn chặt tre, mía... để băm làm thức ăn cho đàn dúi của gia đình. Anh Trĩ hiện có 15 con dúi sinh sản. Trong 3 năm qua, bình quân mỗi năm, anh Trĩ bán ra từ 30 - 40 con dúi thương phẩm và hàng chục cặp dúi giống.

Chính nghị lực vượt qua nghịch cảnh và khát khao chiến thắng đói nghèo đã giúp người đàn ông tật nguyền người Hrê Phạm Văn Trĩ trở thành trụ cột kinh tế của gia đình, mang lại cho vợ con cuộc sống ấm no.

Chủ tịch UBND xã Ba Tiêu Phạm Văn Thu nhận xét, anh Phạm Văn Trĩ là một tấm gương điển hình của địa phương về tinh thần vượt lên chính mình. Mặc dù là người khuyết tật, nhưng anh đã xây dựng được những mô hình phát triển kinh tế mang lại thu nhập khá mà ngay cả người bình thường, không phải ai cũng làm được.

Ý THU - H.PHÁT

 

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.