Đấu tranh phòng, chống tham nhũng: Quyết liệt, không có "vùng cấm"

14:57, 26/04/2023
.

(Báo Quảng Ngãi)- Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã được Đảng ta chỉ đạo thực hiện quyết liệt với quan điểm không có “vùng cấm”, nhằm xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của nhân dân. Nhiều vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án lớn đã được đưa ra xét xử, được nhân dân đồng tình cao.  

Nâng cao hiểu biết về phòng, chống tham nhũng  

Các thế lực thù địch đã xuyên tạc, đưa ra quan điểm sai trái về cuộc chiến chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước ta. Chúng cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xã hội Việt Nam ngày càng tụt hậu; cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam là cuộc đấu giữa các "phe cánh", "đấu đá nội bộ"... Trước sự chống phá của các thế lực thù địch, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải nâng cao kiến thức, trách nhiệm trong đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, xuyên tạc này.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.                     Ảnh: Bá Sơn
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Tỉnh ủy về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.                     Ảnh: Bá Sơn

Chúng ta cần phải hiểu đúng bản chất tham nhũng và PCTN. Tham nhũng là vấn nạn của nhiều quốc gia. Thực chất tham nhũng là hiện tượng xã hội đã xuất hiện từ sớm trong lịch sử loài người, nó tồn tại trong mọi chế độ chính trị khác nhau, gắn liền với nhà nước và quyền lực. Bản chất của tham nhũng gắn liền với quyền lực chính trị và quyền lực kinh tế, dù cho chế độ chính trị nào, xã hội chủ nghĩa hay tư bản chủ nghĩa, chế độ một đảng cầm quyền hay đa đảng thay nhau cầm quyền, thì vẫn có vấn nạn tham nhũng.

Tham nhũng là vấn đề nan giải, một căn bệnh nhức nhối với những biến dạng rất phức tạp ở nhiều lĩnh vực, gây ra những hậu quả tiêu cực ở các quốc gia, các chế độ xã hội khác nhau. Đấu tranh bài trừ tham nhũng là vấn đề được các nước trên thế giới rất quan tâm, thực hiện bằng nhiều hình thức, biện pháp, trên nhiều phương diện như pháp luật, hành chính, chính trị, kinh tế, đạo đức, văn hóa... Trung Quốc ban hành các văn bản quy định về giáo dục đạo đức và xây dựng tác phong liêm chính trong cán bộ Đảng và Nhà nước. Trong khi đó, Luật PCTN (năm 1989) của Singapore cho phép tòa án tịch thu tài sản của công chức nếu họ không giải thích được nguồn gốc tài sản đó. Thái Lan yêu cầu cơ quan chức năng phải xem xét tất cả đơn thư tố giác của người dân về tham nhũng dù có ký tên hay không ký tên. Một số nước như Colombia, Brazil... còn thiết lập các đường dây nóng để thu nhận tin tức tội phạm nói chung và tham nhũng nói riêng.

Ở Việt Nam xảy ra các vụ tham nhũng do nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là sự thiếu tu dưỡng rèn luyện của một số cán bộ, đảng viên, sự trỗi dậy của căn bệnh chủ nghĩa cá nhân, dù đã được Đảng, Nhà nước nhiều lần cảnh báo. Đảng, Nhà nước ta có quan điểm về PCTN rất rõ ràng. Tham nhũng luôn luôn gắn với quyền lực nhà nước, một số người có chức vụ, quyền hạn trong bộ máy nhà nước đã lợi dụng quyền lực nhà nước để tham nhũng, nhằm thu vén lợi ích cho bản thân, cho gia đình hoặc cho người thân của mình.

Tham nhũng là một hiện tượng xấu cho xã hội, gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế của đất nước, làm suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức trong bộ máy nhà nước. Tham nhũng còn làm cho bộ máy nhà nước hoạt động kém hiệu quả, thậm chí làm mục ruỗng bộ máy nhà nước, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Đảng ta khẳng định tham nhũng là “quốc nạn”, là “giặc nội xâm”, từ đó lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt công tác PCTN. 

Kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng  

Năm 2022, Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022. Theo đó, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật gần 168 nghìn đảng viên, trong đó có hơn 7.300 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng. Đây là bước đột phá của Đảng ta trong công tác kiểm tra, kỷ luật và phòng, chống tham nhũng.

Phòng, chống tham nhũng có vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc đổi mới của đất nước ta hiện nay. Do đó, trong văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI, XII đã đề ra một số chủ trương, quan điểm về PCTN. Đặc biệt, trong phần phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2020 - 2025) của văn kiện Đại hội XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp căn cơ, quyết liệt về PCTN: Đó là, triển khai đồng bộ có hiệu quả quy định của pháp luật về PCTN. Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh PCTN. 

Quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội XIII có nhiều điểm mới về PCTN, với nhiều biện pháp, như hoàn thiện pháp luật, chính sách, kê khai tài sản, kiên trì, kiên quyết và nâng cao hiệu quả đấu tranh PCTN, đặc biệt là đẩy mạnh phòng tham nhũng. Cụ thể là, khẩn trương xây dựng cơ chế phòng ngừa, cơ chế răn đe để kiểm soát tham nhũng. Thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tiếp tục thực hiện chặt chẽ có hiệu quả về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là lãnh đạo các cấp.

Vấn đề động viên, khuyến khích, khen thưởng các tổ chức, cá nhân dám tố cáo những hành vi tham nhũng được quan tâm. Đặc biệt, Đảng đã chỉ đạo phải có cơ chế bảo vệ những người tố giác hành vi tham nhũng, tránh bị trả thù hoặc vùi dập; đồng thời chỉ ra một số biện pháp về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát về PCTN và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đảng ta đã đề ra chủ trương về phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí, các doanh nghiệp và nhân dân tham gia cuộc đấu tranh PCTN. Đảng ta xem đấu tranh PCTN  là sự nghiệp của toàn dân.

Nhận thức sâu sắc về sự phức tạp và vô cùng khó khăn của công tác PCTN nên Đảng ta chỉ đạo: Trong PCTN phải kiên quyết, kiên trì và sử dụng tổng hợp nhiều phương thức, biện pháp mới mang lại hiệu quả. Phương châm xuyên suốt là sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó và không có “vùng cấm” trong PCTN. 

Từ kết quả công tác PCTN  đã loại bỏ những cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất, trong công tác PCTN đã làm trong sạch đội ngũ, nhằm xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ. Việc xử lý nghiêm minh góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, chế độ, khẳng định vị thế, uy tín của Đảng, đất nước trên trường quốc tế. Đồng thời, bác bỏ những luận điệu xảo trá, suy diễn của các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị. 

VŨ QUANG

 

TIN. BÀI LIÊN QUAN:

 


Ý kiến bạn đọc


.