Về làng Sen, nhớ Người…

23:30, 19/05/2024
.

(Baoquangngai.vn)- Những hình ảnh, kỷ vật thiêng liêng gắn bó với thời niên thiếu của Bác Hồ được lưu giữ tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là món quà vô giá đối với mọi thế hệ khi trở về thăm quê Bác. Bên chiếc khung dệt vải, chiếc phản gỗ, võng mây… nghe câu chuyện về Bác, du khách ai cũng cảm thấy xúc động, bồi hồi nhớ Bác.

Khu Di tích Kim Liên xây dựng năm 1956, với diện tích 205ha, nằm trên địa bàn 2 xã Kim Liên và Nam Giang, huyện Nam Đàn (Nghệ An) nhằm đáp ứng tình cảm, nhu cầu tham quan, tìm hiểu của nhân dân đối với Bác Hồ kính yêu của dân tộc. Đây là nơi lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về quê hương, gia đình, thời niên thiếu và 2 lần Bác về thăm quê năm 1957 và 1961.

Năm 2012, Khu Di tích Kim Liên được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là Di tích Quốc gia đặc biệt. Đây cũng chính là một trong 4 di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Người dân từ muôn phương về thăm làng Sen quê Bác.
Người dân từ muôn phương về thăm làng Sen quê Bác.

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên gồm các cụm di tích: Hoàng Trù - nơi sinh ra Bác Hồ và nơi Người đã sống 5 năm đầu của tuổi ấu thơ, cũng là nơi chứng kiến những giây phút xúc động khi Người về thăm quê lần thứ 2 (1961); Làng Sen, nơi Bác Hồ và gia đình đã sống những năm 1901 - 1906; Khu mộ Bà Hoàng Thị Loan- thân mẫu Bác Hồ và Đền Chung Sơn- đền thờ gia tiên Bác Hồ .

Trong chuyến về thăm tỉnh Nghệ An cùng Đoàn công tác của tỉnh, chúng tôi có dịp được về thăm Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên với bao niềm xúc động xen lẫn niềm tự hào.

Những vật dụng đơn sơ, gần gũi của cuộc sống hàng ngày trong gian bếp của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.
Những vật dụng đơn sơ, gần gũi của cuộc sống hàng ngày trong gian bếp của gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Tiếng thuyết minh của cô hướng dẫn viên ấm áp, chậm rãi, khi trầm khi bổng giữa không gian yên tĩnh khi đưa cả đoàn thăm Khu Di tích khiến chúng tôi và du khách ai cũng xúc động, cuốn theo những câu chuyện về Bác, về “Làng Sen quê cha” và “Hoàng Trù quê mẹ” nơi gắn với tuổi thơ của Người… Cũng chính nơi đây đã hun đúc một trái tim yêu nước, hình thành nên một con người giản dị mà vĩ đại.

Tròn 134 năm kể từ ngày Bác cất tiếng khóc chào đời, ngôi nhà nhỏ đơn sơ mái tranh vách liếp ở Làng Hoàng Trù vẫn còn nguyên vẹn. Mảnh sân nhỏ, hàng cau trước nhà, bờ rào dâm bụt, khóm tre xanh vẫn như lúc Bác sinh thời. Ngôi nhà đơn sơ cùng những vật dụng mộc mạc gắn bó với tuổi thơ của Bác cũng trở nên thân thương và gần gũi đến lạ thường. Nơi đây, Bác đã sống những năm tháng tuổi thơ trong tiếng ru à ơi của mẹ, trong câu chuyện kể của bà.

Ngôi nhà ông Nguyễn Xuân Nhậm (ông nội của Chủ tịch Hồ Chí Minh), thời niên thiếu, Bác thường cùng anh chị sang đây vui chơi và tưởng niệm ông bà nội.
Ngôi nhà của ông Nguyễn Sinh Nhậm (ông nội của Bác Hồ), thời niên thiếu, Bác thường cùng anh chị sang đây vui chơi và tưởng niệm ông bà nội.

Dưới mái nhà tranh ở “Làng Sen quê cha”, bên bàn thờ thân mẫu Bác Hồ, du khách xúc động khi được nghe cô thuyết minh viên kể về quê hương, gia đình và những năm tuổi thơ của Người tại làng Sen bằng chất giọng xứ Nghệ thân thương. 

Với chất giọng truyền cảm, xúc động cô thuyết minh viên giới thiệu: Ngôi nhà này là di tích quan trọng bậc nhất của Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, là nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành; là nơi ghi dấu cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc - bước tiền đề cho con đường cứu nước sau này của Bác Hồ.

“Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng, là một niềm vinh dự với gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Dân làng Sen đã dựng một ngôi nhà để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ. Cả gia đình đã từ làng Hoàng Trù trở về sống tại làng Sen. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ Bác Hồ từ năm 1901 đến năm 1906 (trước khi theo cha vào Huế) và 2 lần Người về thăm quê vào năm 1957 và 1961. Tuy là người đỗ đạt, có vai vế nhưng nếp sinh hoạt của cả nhà cụ Nguyễn Sinh Sắc hết sức giản dị...”, cô thuyết minh viên giới thiệu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và du khách tham quan, tìm hiểu về Bác và gia đình của Bác.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi và du khách tham quan, tìm hiểu về Bác và gia đình của Bác.

Đã nhiều thập kỷ trôi qua, nhưng ngôi nhà tranh bình dị và những kỷ vật mộc mạc với án thư, tấm phản thường ngày cụ Nguyễn Sinh Sắc – thân phụ của Bác ngồi dạy học; chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen… tới giờ được gìn giữ gần như nguyên vẹn. 

Được thấy những cảnh vật mộc mạc, đơn sơ gắn bó với tuổi thơ của Bác, hiện vật còn lưu giữ nơi đây và qua lời kể của người thuyết minh, chúng tôi không khỏi bồi hồi cảm xúc.  Tất cả đều cảm thấy như mình vừa được gặp Bác giữa bóng dáng quê hương, để rồi bao xúc cảm bồi hồi bỗng trào dâng, với bao niềm kính yêu thành kính, bao tình cảm yêu thương. Những kỷ vật của gia đình Bác được lưu giữ đến tận bây giờ như một miền ký ức đẹp để mọi thế hệ cháu con nhớ về Bác với tấm lòng tôn kính.

Chúng tôi rời Kim Liên trong chiều nắng vàng, bầu trời quê Bác thêm xanh cao lộng gió. Trên con đường nhỏ rợp bóng cờ, dòng người từ muôn phương vẫn nối tiếp nhau về thăm quê Bác… 

Hiện nay, tổng số hiện vật trưng bày trong các nhà di tích và nhà trưng bày bổ sung tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên là 290 hiện vật, với gần 100 đơn vị hiện vật gốc và hiện vật đồng thời đồng loại.

Ngoài ra, kho hiện vật khu di tích đang lưu giữ, trưng bày 42 đầu loại hiện vật với gần 4.000 đơn vị hiện vật, cùng hàng trăm tài liệu hiện vật là những bức ảnh tư liệu, những kỷ vật của các đoàn khách trong và ngoài nước, của các địa phương, các cơ quan, đơn vị tặng Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên và hàng trăm trang tư liệu được sưu tầm, góp phần làm phong phú thêm các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những năm Người sống tại quê hương và 2 lần Người về thăm quê.

 

Bài, ảnh: LINH ĐAN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:

Xuất bản lúc: 23:30, 19/05/2024

Ý kiến bạn đọc


.