(Báo Quảng Ngãi)- Ký ức về những ngày tháng Tư lịch sử đã nhắc nhở chúng ta trân quý giá trị của hòa bình, từ đó góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.
Thành phố Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: MINH TOÀN |
1. Mỗi khi tháng Tư về, hình ảnh cô bé tám tuổi ngày ấy lại hiện ra trong ký ức tôi. Tóc cột đuôi gà, da ngăm ngăm, vừa tập đi xe đạp trong sân kho hợp tác xã cùng đám bạn, vừa hát theo bài hát phát ra từ chiếc loa treo trên ngọn cây sấu gần đấy: “Em lại hỏi anh có con đường nào là đường đẹp nhất, anh nói rằng chỉ có con đường thống nhất hôm nay...”. Đó là những ngày cuối tháng Tư lịch sử cách đây 49 năm, ngày mà cô bé tám tuổi là tôi, dù không biết chiến tranh là gì và chưa thực sự hiểu được ý nghĩa của chiến thắng nhưng đã biết vỡ òa cảm xúc trong niềm vui thống nhất đất nước cùng bạn bè và bà con làng xóm.
Ngược thời gian, những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, gia đình tôi ở cách Hà Nội khoảng 30km. Năm tuổi, tôi mới bắt đầu lờ mờ hiểu về chiến tranh, khi cha mẹ tôi đón nhận gia đình một bác đồng hương miền Trung từ thủ đô về sơ tán, tôi nghe lỏm được câu chuyện của bác và cha về những trận bom B52 ác liệt, về phố Khâm Thiên... Và khi tôi chứng kiến lúc chiếc loa phát ra giọng nói quen thuộc của cô phát thanh viên: “Đồng bào chú ý...! Đồng bào chú ý!” tất cả mọi người trong gia đình đều vội kéo nhau chui xuống chiếc hầm chữ A được dựng dưới chân bụi tre ở góc vườn. Cách 30km, nhưng mỗi khi B52 trút xuống thủ đô, cảm giác mặt đất nơi tôi đang ở như rung lên, gương mặt người lớn thì thất thần, lo lắng, còn bọn trẻ con chen chúc, co ro trong cái không gian hẹp ấy như đang chơi trò chơi trốn tìm.
Sáu tuổi, tôi vào lớp vỡ lòng, trường học cách nhà tôi chừng hơn cây số, anh em tôi được cha đan cho mỗi đứa một chiếc mũ rơm và dặn dò mỗi khi nghe tiếng máy bay ì ầm thì nhảy xuống những chiếc hầm dã chiến đã đào sẵn hai bên đường, không được tháo mũ rơm ra. Đám trẻ con chúng tôi đi học trong cảm giác lo lắng. Mỗi đứa một hầm, chỉ cần nghe âm thanh u u trong gió là chúng tôi vội vàng nhảy xuống ngay. Tôi cũng bị ám ảnh bởi những chùm sợi nhiễu độc đủ màu sắc vô cùng bắt mắt nhưng chứa đựng trong nó là cái chết từ từ mà máy bay địch thả xuống khắp cánh đồng. Nghe lời người lớn, dù rất hiếu kỳ nhưng đám trẻ chúng tôi không đứa nào dám đụng vào. Cái cảm giác về chiến tranh trong tôi qua đi nhanh và rất nhanh, chỉ còn lại trong ký ức tôi những giai điệu hân hoan, rộn rã mừng ngày độc lập được phát đi khắp phố phường, khắp làng trên xóm dưới, nghe náo nức vô cùng.
Mười một tuổi, lần đầu sống trong những ngày tháng Tư lịch sử ở miền Trung quê cha, tôi đã được sống trong không khí tưng bừng mừng ngày chiến thắng 30/4. Cờ hoa, biểu ngữ rực rỡ, sáng rực khắp thị trấn nghèo giữa thung lũng còn xao xác bởi những dấu tích về sự tàn phá của chiến tranh. Vẫn là những lời ca rộn ràng được phát ra từ chiếc loa phát thanh trên ngọn cây bông gòn bên hông đài phát thanh của huyện: “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng/Lời Bác nay đã thành chiến thắng huy hoàng...”, “đường Đồng Lộc, đường Khe Giao rồi đường Hồng Lam, đèo Ngang, Linh Cảm cùng bao nhiêu con đường ra mặt trận...”.
Những câu hát ấy tôi đã thuộc nằm lòng năm tám tuổi vẫn khiến tôi hát theo say sưa đến lạ. Buổi tối, mỗi đứa trẻ chúng tôi, sắp hàng theo đội ngũ chỉnh tề, trên tay cầm vỏ một chiếc lon sữa bò bên trong có vài hòn đá nhỏ, đi khắp đường trên ngõ dưới, hô vang những câu khẩu hiệu chào mừng ngày đất nước thống nhất. Sau những tiếng đồng thanh “nhiệt liệt”, “muôn năm”, “quyết tâm” là âm thanh của dàn nhạc đá đầy phấn khích. Nhớ lại, tôi bỗng thấy yêu quá tuổi thơ mình.
Bây giờ, khi đã ở cái tuổi ngoài năm mươi, mỗi khi tháng Tư về, tôi vẫn không khỏi bồi hồi xúc động. Ký ức tháng Tư như lời nhắc nhở tôi không được phép quên những tháng năm gian khó mà đất nước đã trải qua, không được phép quên sự hy sinh của cha ông một thời mưa bom, bão đạn để chúng tôi và các thế hệ cháu con được sống trọn vẹn trong hòa bình. Nhìn thành phố miền Trung bé nhỏ bên bờ sông Trà lộng gió, xanh mướt những vạt ngô non - thành phố mà tôi đã gắn bó hơn ba mươi năm qua đang từng ngày thay áo mới, tôi cảm thấy lòng thật bình yên.
Thành phố Quảng Ngãi về đêm. Ảnh: TẤN PHÁT |
2.Thế hệ chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra ở miền Bắc, trong ký ức non nớt của mình lúc bấy giờ thì chiến tranh là sự chia ly xa cách, sự khắc khoải mong chờ của những người vợ tiễn chồng vào mặt trận phía nam, là những lúc người dân trong khu phố ở Hà Nội ngóng trông tin thắng trận từ chiếc loa phát thanh, hoặc kể cho nhau nghe những mẩu tin chiến thắng được đăng trên báo.
Tôi nhớ hôm ấy khoảng gần 12 giờ trưa ngày 30/4/1975, tiếng loa phát thanh vang lên bản tin đặc biệt, với giọng đọc của phát thanh viên với nội dung: “Mời các bạn nghe tin chiến thắng chúng ta mới nhận được. Đúng 11 giờ 30, quân ta tiến vào Sài Gòn, đánh chiếm dinh Độc Lập. Bộ Tổng tư lệnh tham mưu ngụy - Dương Văn Minh đầu hàng vô điều kiện. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng”. Sau đó, bản tin được phát đi phát lại nhiều lần trong ngày, đã làm cho muôn triệu con tim Việt Nam vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Ngày ấy, phố phường Hà Nội rợp cờ hoa. Những chiếc xe tải chở các anh chị văn công với dàn âm thanh lớn đi dọc các con phố hát vang bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Bài hát đó nhanh chóng được chúng tôi học thuộc và líu lo ca hát suốt ngày. Không khí phấn khởi vui tươi làm chúng tôi quên ăn, quên ngủ. Còn mẹ tôi và nhiều phụ nữ khác thì nóng ruột ngóng trông tin tức của chồng, con, cha, anh mình. Mọi người mong ngóng, không biết đất nước hòa bình rồi họ có còn sống để trở về...
Một góc thành phố Quảng Ngãi hôm nay. Ảnh: HỮU THƯ |
Với dân tộc Việt Nam, ngày 30/4/1975 là ngày có ý nghĩa lịch sử trọng đại. Đó là ngày mà đất nước sạch bóng quân xâm lược, hòa bình trở lại trên toàn cõi Việt Nam. Đó là ngày đoàn tụ, non sông thu về một mối, Bắc - Nam liền một dải từ địa đầu Lũng Cú đến chót mũi Cà Mau. Trải qua những năm tháng chiến tranh, chứng kiến cảnh đất nước hai miền chia cắt, chứng kiến những mất mát, hy sinh, đau khổ bởi chiến tranh, chúng tôi bùi ngùi xúc động khi nói đến giá trị của hòa bình. Mỗi dịp tháng Tư về, trong tôi lại ùa về ký ức của những ngày tháng Tư lịch sử, xúc động và tự hào. Hơn ai hết, không chỉ chúng tôi, mà các thế hệ người dân Việt Nam luôn trân quý giá trị của hòa bình, mãi ghi nhớ thời khắc lịch sử ngày 30/4/1975, từ đó ra sức học tập, lao động góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ thành quả cách mạng mà cha ông ta đã hy sinh xương máu để có được như ngày hôm nay.
THU HÀ - THANH HIẾU
TIN, BÀI LIÊN QUAN: