Hành trình khát vọng

06:51, 13/02/2024
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không chỉ là điểm khởi đầu của mọi thành công, khát vọng còn là động lực làm cho những điều tưởng chừng không thể trở thành có thể. Khát vọng như ngọn lửa bùng cháy, thắp sáng cho tâm hồn... Và, mỗi người dân đất Việt luôn khát vọng và đang từng ngày biến khát vọng thành hiện thực về một đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

 Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.
Thủ đô Hà Nội ngày càng văn minh, hiện đại.

Được mùa trước, ước mùa sau
Ước mơ hay khát vọng là nhu cầu tự thân của mỗi người. Nó như những vì sao lấp lánh vẫy gọi, làm cho con người ta yêu đời hơn, có động lực cống hiến nhiều hơn. Từ xa xưa, dù nghèo nàn, lam lũ, nhưng cha ông ta không hề bi quan, mà luôn mang một niềm tin mãnh liệt, vươn tới điều tốt đẹp nhất. Khó khăn, thách thức thì tìm cách hóa giải nó thành cơ hội để khẳng định mình. Thế mới có câu: “Trèo non, ước những non cao/ Anh đi đò dọc, ước ao sông dài”.

Trước đây, đồng bào ta làm nông nghiệp là chính, phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt, cho nên người dân ở hầu hết các vùng miền, cứ mỗi mùa gặt về là làm lễ cúng cơm mới. Vừa tôn vinh lúa gạo, lễ cúng còn là lời cầu mong “mưa thuận, gió hòa”, mùa màng năm sau bội thu. Đối với cư dân vùng biển thì có lễ hội cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông, cầu thần ban cho một năm “trời yên biển lặng” để ra khơi may mắn, thuyền về tôm cá đầy khoang. Các lễ hội đó là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, thể hiện khát vọng của con người không giới hạn, “được mùa trước, ước mùa sau”. Chính khát vọng ấy đã giúp người dân nước Việt chinh phục thiên nhiên, làm nên những mùa vàng bội thu.
Trong tình yêu lứa đôi cũng vậy, con người luôn khát khao hạnh phúc, yêu thương nhau, nhưng dưới chế độ cũ “cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy” thì điều đó thật xa vời. Vì thế, đây là nỗi lòng mà người phụ nữ giãi bày nhiều nhất: “Hỡi anh áo trắng quần là/ Ước gì sum họp một nhà anh ơi/ Ước gì cơm chung một nồi/ Canh chung một bát cùng ngồi một mâm,... Chung lâu lại đẻ con ra/ Dù trai dù gái đều là con chung”. Bình dị thế thôi, nhưng mãi sau này dưới chế độ ta, ước mong đó mới trở thành hiện thực với họ.

Thắp sáng niềm tin cho toàn dân tộc
Số phận mỗi người bao giờ cũng gắn liền với vận mệnh quốc gia nơi họ sống; khi độc lập dân tộc bị chiếm đoạt cũng có nghĩa là họ bị chìm trong cuộc đời nô lệ. Dân tộc ta đã trải qua hàng nghìn năm như thế và có biết bao bậc tiền bối đi tìm độc lập, tự do, nhưng sai lầm về đường lối nên bế tắc. Chỉ khi người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành tìm được con đường cứu nước, cứu dân, thì khát vọng ấy trong một con người vĩ đại đã thổi bùng lên thành khát vọng mãnh liệt của cả dân tộc.

Hơn 20 bài thơ chúc Tết của Người (viết từ năm 1942 - 1969), dù trong hoàn cảnh nào cũng đều cháy bỏng khát vọng độc lập tự do cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân. Đó là ý chí, là lời hiệu triệu toàn dân vững tin vào tương lai, đứng lên làm cách mạng. Sau khi ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946) chưa bao lâu, trong bài thơ chúc Tết năm 1947, Người kêu gọi: “Tiến lên chiến sĩ! Tiến lên đồng bào!/ Sức ta đã mạnh, người ta đã đông/ Trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi!/ Thống nhất độc lập, nhất định thành công!”. Lời tiên đoán trong bài thơ đã trở thành hiện thực bằng 

chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” năm 1954. Và bài thơ chúc Tết cuối cùng của Người năm 1969 là tiếng kèn xung trận của cả dân tộc: “Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc -Nam sum họp, xuân nào vui hơn!”. Đúng như lời Người, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa Xuân năm 1975 đại thắng, non sông thu về một mối. Chỉ tiếc, khi ấy Người đã đi xa.
Khắc ghi ước nguyện của Người và cũng là khát vọng của toàn dân tộc, gần 40 năm đổi mới, đất nước ta được xây dựng ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.  Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo quá trình hiện thực hóa khát vọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong tiến trình đổi mới. Đó là tiền đề để chúng ta phấn đấu đến năm 2025, nước ta là nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao, như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định.

Khát vọng của mỗi người cũng như của một dân tộc là những nấc thang nối tiếp nhau. Khát vọng càng cao, khó khăn, thách thức càng nhiều, đòi hỏi càng phải có quyết tâm lớn. Để hiện thực hóa mục tiêu Đại hội XIII của Đảng, hơn bao giờ hết chúng ta phải biết khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

BẮC VĂN

TIN, BÀI LIÊN QUAN:


 

Xuất bản lúc: 06:51, 13/02/2024

Ý kiến bạn đọc


.