Giám sát có trọng tâm, trọng điểm
Đổi mới giám sát của HĐND tỉnh trong nhiệm kỳ này là chú trọng xây dựng chương trình, lựa chọn nội dung giám sát đúng trọng tâm, những vấn đề nóng, bức xúc được đại biểu, cử tri quan tâm. Tiêu biểu trong số đó là giám sát việc quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh. Từ năm 2017 đến 2021, Quảng Ngãi bố trí hơn 157 tỷ đồng để thực hiện các chương trình, đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh, với 85 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ, cấp tỉnh được triển khai ở các lĩnh vực: xã hội nhân văn; nông – lâm – diêm nghiệp, thủy lợi và thủy sản; kỹ thuật, công nghệ, tài nguyên - môi trường, y dược.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân và Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh kiểm tra dự án đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh. (Ảnh: TL) |
“Trong số 27/58 đề tài được giám sát thực tế thì có 4 đề tài, dự án chi phí 4,5 tỷ đồng xây dựng vùng sản xuất rau an toàn, cây ăn trái, hải sản dừng hoạt động sau khi nghiệm thu. Nhiều dự án trong lĩnh vực thiết bị y tế, bảo tồn cây, con giống, dược liệu kinh phí lên đến 5,4 tỷ đồng sau khi nghiệm thu vẫn chưa được triển khai ứng dụng. Ðặc biệt, có nhiều nhiệm vụ đã thực hiện trước đó nhưng vẫn được bố trí kinh phí tiếp tục thực hiện, dẫn đến "trùng lặp" không đúng quy định”.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnhNGUYỄN THỊ PHƯƠNG THẢO
Nguyên nhân kéo dài tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng kinh phí chi sự nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh là do một số cơ quan đề xuất đặt hàng chưa tuân thủ quy định, chưa làm hết trách nhiệm trong ứng dụng, nhân rộng kết quả; chất lượng hội đồng tư vấn, thẩm định nội dung, tài chính đề tài, dự án chưa cao. Một số nội dung chi không có trong quy định nhưng trong quá trình triển khai một số nhiệm vụ thuộc lĩnh vực nông nghiệp thì phải thực hiện mới đảm bảo mục tiêu đề ra, nên trong quá trình xây dựng dự toán cơ quan chủ trì đã thiết kế hạng mục và được hội đồng chuyên môn, tổ thẩm định xem xét bố trí trong dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ.
Bên cạnh đó, Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị quản lý kinh phí nhưng chưa phối hợp để xử lý các dự án chậm tiến độ; thiếu kiểm tra, giám sát của ngành chức năng, khiến những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này kéo dài nhiều năm. “Sau khi giám sát, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài chính quản lý chặt chẽ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ khi bắt đầu lựa chọn đề tài cho đến khi kết thúc dự án. Chú trọng công tác kiểm tra điều kiện nghiệm thu các dự án, nội dung khoa học trước khi tiến hành nghiệm thu. Cùng với đó, cần nâng cao chất lượng của các Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ KH&CN, thẩm định nội dung, tài chính của nhiệm vụ KH&CN, nghiệm thu chính thức nhiệm vụ KH&CN để lựa chọn, xác định nhiệm vụ khoa học và công nghệ phù hợp với định hướng phát triển, tình hình thực tiễn của tỉnh, đảm bảo yêu cầu của từng loại nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định, nhằm phát huy hiệu quả sử dụng nguồn vốn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhấn mạnh
Giám đốc Sở NN&PTNT Hồ Trọng Phương kiểm tra thực tế tại Phòng nuôi cấy mô của Công ty TNHH Khoa học và Công nghệ Nông Tín. (Ảnh: TL) |
Trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh có 93/148 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tuy nhiên, trong số này chỉ có 8 xã miền núi. Việc xây dựng nông thôn mới ở các huyện miền núi gặp rất nhiều khó khăn. Tiêu chí về thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo đang là rào cản lớn. Trước thực tế đó, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề xuất và được Thường trực HĐND tỉnh thống nhất nội dung giám sát chuyên đề trong năm 2022. Đó là giám sát việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại các huyện miền núi giai đoạn 2016 – 2021. Theo đó, 10 xã đã về đích nông thôn mới của 5 huyện miền núi đã được giám sát; những xã dự kiến về đích trong giai đoạn 2021-2025 và và những xã khó khăn nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới.
Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh Hồ Ngọc Thịnh cho biết, bám sát cơ sở, lựa chọn nhiều địa phương để đi sâu vào tìm hiểu thực tế nhằm đánh giá đúng và trúng vấn đề cần giám sát. Chúng tôi đổi mới phương pháp giám sát theo hướng tiến hành giám sát trực tiếp tại cơ sở trước, sau đó mới giám sát tại các cơ quan chuyên môn có liên quan. Kết hợp nghe báo cáo với kiểm tra thực tế để có đánh giá tổng thể kết quả đạt được. Đoàn cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các địa phương để có hướng đề xuất, tháo gỡ. Đối với việc xây dựng nông thôn mới ở miền núi, hạn chế ở đây là công tác chỉ đạo, điều hành ở cấp xã chưa quyết liệt, chưa có kế hoạch cụ thể để thực hiện. Việc đánh giá tiêu chí hàng năm chưa thực chất, chưa xác định địa phương đang ở mức độ nào. Trong quá trình thực hiện chưa điều chỉnh quy hoạch phù hợp với sự phát triển chung của địa phương.
Đoàn giám sát của Ban Dân tộc HĐND tỉnh khảo sát thực tế tại Công trình Nhà văn hóa thôn Đăk Lang, xã Sơn Dung, huyện Sơn Tây. (Ảnh: TL) |
Thực tiễn cho thấy, việc chọn đúng nội dung giám sát chuyên đề được xem là yếu tố quyết định và nâng cao chất lượng giám sát của HĐND tỉnh. Trong hai năm qua, Thường trực và các Ban HĐND tỉnh xem xét kỹ lưỡng, lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Đó là đi sâu vào các vấn đề nổi cộm, liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của người dân. Nhiều vấn đề được các Đoàn giám sát của HĐND tỉnh kịp thời phát hiện và chỉ ra cho các địa phương sau giám sát, giúp các địa phương, ngành chức năng kịp thời chấn chỉnh.
Điển hình như giám sát việc đầu tư xây dựng, quản lý, sử dụng, khai thác, duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2022; giám sát thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia ở các huyện miền núi; giám sát thực hiện quy định pháp luật về khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 -2021; giám sát việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 – 2021; giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội về đổi mới Chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, giai đoạn 2014 -2022…
Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh giám sát việc quản lý, sử dụng các thiết chế văn hóa tại huyện Bình Sơn. (Ảnh: TL) |
Các vấn đề, nội dung được giám sát không trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng, địa điểm. Kết hợp giám sát qua báo cáo với giám sát thực tế trực tiếp tại cơ sở; gặp gỡ, trao đổi trực tiếp các đối tượng thụ hưởng các chính sách. Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh Phan Đặng Nhân Ái cho biết, phương thức tổ chức hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có sự chuyển biến rõ rệt, nhất là sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 594 ngày 12/9/2022 về hướng dẫn hoạt động giám sát của HĐND, đã thống nhất, chuẩn hóa hoạt động giám sát, khắc phục một số hạn chế, vướng mắc trong giám sát của HĐND; góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của HĐND. Ban Văn hóa – Xã hội sẽ phát huy tinh thần đổi mới, nâng cao hiệu quả trên các mặt công tác theo hướng trực tiếp nghe ý kiến và đối thoại với nhân dân ở địa phương trong hoạt động giám sát
Hướng về cử tri
Tại kỳ họp cuối năm 2022, hàng loạt vấn đề về quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, thu hút phát triển du lịch; tình trạng quản lý xe quá khổ, quá tải tại Khu kinh tế Dung Quất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, vệ sinh an toàn lao động; đào tạo nghề đã được đại biểu HĐND tỉnh chất vấn. Và mới đây, tại phiên giải trình của Thường trực HĐND khóa XIII cũng thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo cử tri khi được phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh- Truyền hình tỉnh. Những vấn đề nóng như “nợ đọng” kinh phí trong công tác dồn điền đổi thửa, chậm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; xả thải, ô nhiễm môi trường, phát triển cây xanh và công viên ở đô thị; chuyển đổi số… được lãnh đạo các đơn vị liên quan giải trình làm rõ.
Chủ tịch UBND TP.Quảng Ngãi Trà Thanh Danh giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh. (Ảnh: TL)
|
“Theo dõi giải trình của lãnh đạo UBND TP.Quảng Ngãi về tình trạng một số nhà máy sản xuất tại Cụm công nghiệp Tịnh Ấn Tây xả thải ra môi trường tôi rất hài lòng. Dù đây là vấn đề bức xúc từ nhiều năm nay, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương, nhưng qua lần giải trình này, cá nhân tôi và bà con cử tri hiểu rõ chủ trương sắp tới của chính quyền thành phố”. Cử tri Lê Văn Khánh ở thôn Độc Lập, xã Tịnh Ấn Tây (TP. Quảng Ngãi) cho biết. |
Việc tổ chức giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh là hình thức giám sát thường xuyên, là diễn đàn dân chủ thể hiện vai trò tích cực của Thường trực, các Ban và đại biểu HĐND trong việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan giải thích, làm rõ trách nhiệm của mình trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Đây cũng là cơ sở để UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trao đổi, thảo luận, kịp thời tìm ra giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh, nhất là những vấn đề bức xúc, nổi cộm được đại biểu, cử tri quan tâm.
Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bùi Thị Quỳnh Vân, trong hai năm qua, nhiều nội dung được vào giải trình tại phiên họp của Thường trực HĐND tỉnh đã thu hút được sự quan tâm cử tri, đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan chức năng, như việc quy hoạch, xây dựng chợ nông thôn, miền núi; Quy hoạch, xây dựng, quản lý sử dụng, khai thác công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn trên địa bàn tỉnh; việc triển khai thực hiện dự án hiện đại và hóa hệ thống quản lý đất đai, công tác dồn điền đổi thửa, bảo vệ môi trường…
“Đối với nội dung chuyển đổi số, đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta. Tỉnh ta đang trong giai đoạn đẩy mạnh việc thực hiện nội dung này trên cả 3 trụ cột là: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, trong đó nhà nước vừa tạo ra cơ chế, vừa tạo ra động lực để thu hút nhiều thành phần tham gia, phát triển. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số PCI của tỉnh... Tuy nhiên, việc thực hiện trong thời gian qua còn gặp không ít khó khăn, nên việc đưa nội dung này ra giải trình tại phiên họp vừa qua là nhằm tìm ra giải pháp tháo gỡ, thực hiện tốt hơn công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnhBÙI THỊ QUỲNH VÂN.
Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải trình về thực trạng công tác chuyển đổi số của tỉnh trong giai đoạn hiện nay và dự kiến trong thời gian đến. (Ảnh: TL) |
Bên cạnh phiên giải trình, hoạt động chất vấn tại các kỳ họp HĐND tỉnh cũng được nâng lên. Thường trực HĐND tỉnh luôn chọn các vấn đề bức xúc, mang tính thời sự, nổi cộm chưa được xem xét hoặc giải quyết chưa thấu đáo; nhất là những vấn đề có liên quan đến chính sách xã hội; quyền và lợi ích chính đáng của người dân. Từ nhiều kênh thông tin như giám sát, tiếp xúc cử tri, đề xuất của các đại biểu HĐND, từ các phương tiện thông tin đại chúng và thực tiễn cuộc sống, nội dung chất vấn được lựa chọn và nhóm thành các lĩnh vực cụ thể. Sau khi chọn nội dung dự kiến chất vấn, HĐND tỉnh có văn bản gửi để UBND tỉnh, các cơ quan liên quan có thời gian chuẩn bị trả lời chất vấn.
Từ kinh nghiệm trong hoạt động của HĐND tỉnh đã lan tỏa tới hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã. Vì thế, số cuộc giám sát đạ thực hiện nhiều hơn, nội dung giám sát tập trung vào các vấn đề thuộc phạm vi trách nhiệm của địa phương, các vấn đề bức xúc, được cử tri và nhân dân quan tâm… Phương thức giám sát cũng có sự linh hoạt, đổi mới theo hướng sát cơ sở, thiết thực và hiệu quả, góp phần vào công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp ngày càng hiệu quả hơn.
Kỳ cuối: ĐỒNG HÀNH CÙNG CHÍNH QUYỀN, VÌ QUYỀN VÀ LỢI ÍCH CỦA CỬ TRI