Báo xuân thời kháng chiến

06:02, 21/02/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Báo chí Quảng Ngãi thời kỳ kháng chiến tuy hình thức còn thô sơ, việc phát hành có lúc bị gián đoạn, nhưng nội dung nhiều tờ báo khá phong phú, đa dạng. Hầu hết các số báo xuân đều được tòa soạn chăm chút từ nội dung bài vở đến hình thức trình bày, vì vậy luôn đem đến cho người đọc sự hứng khởi, lạc quan về một ngày mai thắng lợi.

TIN LIÊN QUAN

Từ Tiền Phong xuân Canh Dần 1950…

Ra đời trong kháng chiến chống thực dân Pháp, báo Tiền Phong do Nguyễn Chánh Địch (Trưởng ty Thông tin tuyên truyền) làm chủ nhiệm; Nguyễn Văn Phú làm thư ký tòa soạn. Ngoài việc cung cấp tin tức chiến sự, tuyên truyền các chủ trương “kháng chiến, kiến quốc”, Tiền Phong đi sâu cổ vũ các phong trào thi đua chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Với đội ngũ sáng tác hùng hậu, được Ty Thông tin tuyên truyền tập hợp lúc bấy giờ, Tiền Phong trở thành tờ báo khá “chuyên nghiệp” so với những tờ báo của tỉnh xuất bản thời chống Pháp.

Báo xuân thời kháng chiến. Ảnh: QL.
Báo xuân thời kháng chiến. Ảnh: QL.


Xuân Canh Dần 1950, Tiền Phong ra số đặc biệt. Có thể coi đây là tờ báo Xuân đầu tiên ở tỉnh ta. Vì là năm Dần nên trên trang nhất Tiền Phong đăng tranh vẽ hai con hổ oai phong húc đầu vào quân giặc. Bức tranh do họa sĩ Nguyễn Hồng, quê xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa (nay là TP.Quảng Ngãi) vẽ khắc gỗ, in hai màu lên mặt báo. Ở trang 2, báo có bài thơ “Nhạc quân hành” của Nguyễn Hường, Phó Ban thông tin xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh (nay là thành phố Quảng Ngãi), bài thơ có đoạn: “Mùa đẹp như hoa, mùa xanh như tóc/ Mùa vinh quang của dân tộc sắp về/ Nhạc quân hành tai ta lắng đê mê/ Tràn âm hưởng một mùa xuân đang tới”.

Báo Tiền Phong xuân Canh Dần đăng các bài viết của Nguyễn Chánh Địch, Nguyễn Văn Phú, Mai Đình Thọ (sau này là GS.Trường Lưu), nêu bật khí thế của quân và dân Quảng Ngãi hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng chuẩn bị chuyển mạnh sang tổng phản công. Ngoài ra còn có các bài viết về mùa xuân dân tộc, về tăng gia sản xuất, xây dựng hậu phương vững chắc cho kháng chiến. Bài thơ “Tiếng hát đồng quê” của Nguyễn Viết Lãm đăng trên số báo này có đoạn: “Cuốc nầy lay động gò hoang/ Cuốc nầy tỉnh giấc yên nhàn hư không/ Sớm mai vác cuốc ra đồng/ Anh lo tháo nước, chị trồng thêm khoai”.

Nối tiếp tờ Tiền Phong, tờ Tin Quảng Ngãi xuất bản sau đó cũng luôn chú trọng các số báo xuân. Đầu năm 1953 Trung ương Đảng đề ra nhiệm vụ “phóng tay phát động quần chúng nông dân” tiến hành cải cách ruộng đất. Tin Quảng Ngãi xuân Quý Tỵ 1953 trên trang nhất, bên cạnh bức tranh “tổng phản công”, báo đăng trang trọng bài thơ chúc Tết của Hồ Chủ tịch: “Mừng năm Thìn vừa qua/ Mừng năm Tỵ đã tới/ Mừng phát động nông dân/ Mừng hậu phương phấn khởi/ Mừng tiền tuyến toàn quân/ Thi đua chiến thắng mới/ Mừng toàn dân đoàn kết/ Mừng kháng chiến thắng lợi/ Mừng năm mới nhiệm vụ mới/ Lực lượng mới, thành công mới/ Mừng toàn thể chiến sĩ và đồng bào/ Mừng phe dân chủ hòa bình thế giới”. Giữa năm 1953, thực dân Pháp mở chiến dịch Át Lăng.

Liên Khu ủy 5 chủ trương huy động toàn bộ sức người, sức của phục vụ cho thắng lợi tại chiến trường Tây Nguyên. Hàng vạn người  dân Quảng Ngãi nô nức lên đường tham gia dân công hỏa tuyến. Những người ở lại lo tăng gia sản xuất, đóng góp nghĩa vụ lương thực. Hậu phương ra sức thi đua với tiền phương. Tin Quảng Ngãi xuân Giáp Ngọ 1954 trên trang nhất đăng bức tranh mô tả khí thế chiến đấu, phục vụ chiến đấu với hàng đoàn dân công hăng hái ra mặt trận. Ở trang 2 số báo này có bài thơ “Anh đi tiếp vận” của Trần Quang: “Gió đưa lay lắt lá cà/ Anh đi tiếp vận đường xa chuyến nầy/ Anh đi tiếp vận đánh Tây/  Em ở quê nhà nộp thuế xong chưa?/ -Gió đưa phơi phới tán dừa/ Thuế em mới nộp hồi trưa đủ rồi/ Nhớ anh tiếp vận xa xôi/ Em lo đóng thuế đứng ngồi không yên/ Chiều chiều gió thổi qua hiên/ Nhớ anh tiếp vận ở miền xa xôi/ Nay em đã nộp thuế rồi/ Gánh gồng tiếp tế nhờ người dân công”.

Báo chí Quảng Ngãi thời kỳ kháng chiến chống Pháp đa dạng về thể loại. Bên cạnh tin tức, những bài chính luận, loại hình văn nghệ nhất là thơ ca, hò vè được báo chí sử dụng khá nhuần nhuyễn. Các số báo xuân cũng dành một dung lượng đáng kể cho thơ ca, hò vè, và coi đó như một thể tài của báo chí.

…đến Giải Phóng xuân Ất Mão 1975

Thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, báo chí Quảng Ngãi xuất hiện liên tục với các tờ Hòa Bình, Đoàn Kết, Thống Nhất, Cờ Giải Phóng, Giải Phóng, Vùng Lên, Chiến Đấu, Cờ Hồng…Trong đó, Giải Phóng là tờ báo tồn tại lâu nhất, từ giữa năm 1962 đến đầu năm 1975. Giải Phóng cũng là tờ báo ra được báo xuân thường xuyên, nhất là vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến.

Từ năm 1970 trở đi báo Giải Phóng in khổ lớn hơn (27x38cm), có thêm các chuyên mục “Người tốt việc tốt”, “Kể chuyện hai chân ba mũi giáp công”, “Ca dao kháng chiến”… Trong các số báo xuân, Giải Phóng sử dụng bút ký,  tùy bút, ghi chép, thơ, câu đối, tranh cổ động.

Xuân Ất Mão 1975, báo Giải Phóng đăng trên trang nhất tranh cổ động “Quyết thắng” và Thiếp chúc Tết của Bác Tôn Đức Thắng. Trong bài tùy bút “Ý xuân” báo viết: “Một mùa xuân thắm đã về. Một chân trời mới đang tỏa sáng. Mùa xuân của độc lập và tự do. Mùa xuân của ấm no và chiến thắng. Chúng ta bước vào năm 1975, xuân Ất Mão với bao niềm tin, bao ý nghĩ tốt đẹp”. Bài tùy bút thể hiện quyết tâm của Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi trước thềm xuân Ất Mão: “Xuân năm sau phải tươi sáng, rạng rỡ hơn xuân năm trước. Những bước đi năm sau phải vững mạnh, hào hùng hơn năm trước. Những thành tích năm sau cao hơn những thành tích năm trước.

Những mùa hoa năm sau nở rộ, tươi đẹp hơn mùa hoa năm trước. Những vùng đất giải phóng năm sau rộng hơn năm trước. Những xóm thôn giải phóng năm sau đông dân, tươi vui, giàu mạnh hơn năm trước. Bởi vì: “Thời đại lớn cho ta đôi cánh/ Không gì hơn độc lập, tự do/ Bốn mươi thế kỷ cùng ra trận/ Có Đảng ta đây, có Bác Hồ”.

Báo Giải Phóng xuân Ất Mão 1975 động viên toàn Đảng bộ, quân và dân Quảng Ngãi thực hiện phương châm “táo bạo, kiên quyết, vững chắc, linh hoạt, kịp thời, tranh thủ thời cơ để giành thắng lợi lớn”. Và cả tỉnh đã bước vào trận đánh cuối cùng với khí thế hừng hực tiến công, để ngày 24.3 năm ấy từ vùng núi cao đến vùng ven biển hải đảo, từ Dốc Sỏi đến Sa Huỳnh rợp bóng cờ bay trong niềm vui đại thắng.

 

HÀ MINH ĐÍCH

 


.