(Báo Quảng Ngãi)- Để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19, tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 có khác so với mọi năm trong hoạt động vui chơi, giải trí, giao tiếp... nhưng nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc trong ngày Tết thì vẫn được giữ gìn.
[links()]
Ấm áp đêm giao thừa
Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 là một cái Tết chưa từng có trong lịch sử do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Mọi hoạt động vui chơi, giải trí trong đêm giao thừa cũng như trong những ngày Tết đều phải dừng tổ chức để tránh tập trung đông người dễ lây lan dịch bệnh. Đêm giao thừa năm nay không tưng bừng, rộn rã trong âm thanh của nhạc hội, không rực rỡ sắc màu trên bầu trời bởi pháo hoa, nhưng mọi người vẫn cảm nhận được sự ấm áp, thiêng liêng trong thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, vẫn tràn đầy niềm tin và khát vọng vào một năm mới an lành, hạnh phúc và thắng lợi.
Người dân du xuân tại chùa Thiên Ấn. Ảnh: BS |
Đêm giao thừa ở các làng quê, ánh sáng từ những khóm lửa nhỏ ở ven đường, ngõ xóm như thắp lên ánh sáng của niềm tin và hy vọng trong năm mới Tân Sửu 2021. Ở khu dân cư số 9, thôn 2, xã Đức Tân (Mộ Đức), từ chiều 30 Tết mọi người gom củi, gỗ sắp xếp thành hình tháp để chuẩn bị cho đêm giao thừa. Thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mọi người quây quần bên ánh lửa bập bùng, nướng khoai, gà làm những món ăn dân dã. Anh Nguyễn Phú Phong, ở thôn 2, xã Đức Tân cho biết: “Cả năm mới có một đêm giao thừa, cũng là dịp để anh em trong thôn quây quần bên nhau ôn lại kỷ niệm và đón chào năm mới. Mọi người chúc nhau năm mới an lành, hạnh phúc và thành đạt”.
Còn ông Nguyễn Rân, ở xã Đức Phú (Mộ Đức) thì chia sẻ: "Năm nay, tuy con cháu ở phương xa không về quê ăn Tết như mọi năm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, nhưng vợ chồng tôi vẫn giữ truyền thống nấu bánh tét. Đêm giao thừa, không có nồi bánh để thức canh lửa là không còn gì sự háo hức trông Tết".
Anh Nguyễn Thành Phát, ở xã Tịnh Ấn Tây (TP.Quảng Ngãi) bộc bạch: “Do ảnh hưởng dịch bệnh nên mọi người hạn chế đi lại. Hiếm khi cả gia đình có mặt đầy đủ như trong đêm 30 Tết năm nay, rất ấm áp”.
Du xuân an lành
Trong dịp Tết, tuy không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhưng ở khắp mọi nơi đều rực rỡ sắc màu của các loại hoa. Tết này, nhiều gia đình hạn chế việc đi chúc Tết, ai cũng hiểu và thông cảm, không trách cứ nhau, bởi đó là trách nhiệm của mỗi người dân để góp phần phòng, chống dịch Covid-19. Dẫu vậy, mọi người vẫn chọn cho mình một điểm đến để ghi lại kỷ niệm của mùa Xuân năm Tân Sửu 2021, đó là nơi không ồn ào, náo nhiệt nhưng vẫn rực rỡ sắc màu của mùa Xuân. Chị Nguyễn Thị Công sinh sống ở TP.Hồ Chí Minh về quê ở huyện Mộ Đức đón Tết cho biết: "Ngày Tết mới có dịp về thăm quê, tôi ở vùng không có ca bệnh nhưng để đảm bảo an toàn, gia đình tôi không đi chúc Tết bà con, chỉ đi vòng quanh các con đường, ngõ phố để cảm nhận nét đẹp, sự đổi thay của quê hương mình, gia đình cũng chọn cảnh đẹp là ruộng đồng, là sông quê, là những nơi yên tĩnh để ghi lại khoảnh khắc trong dịp Tết ở quê nhà".
Ở các điểm du lịch trong tỉnh như: Suối Chí (Nghĩa Hành), Ý Lạc Viên, Thác Trắng (Nghĩa Hành)... lượng khách du xuân ít hơn mọi năm. Giám đốc Khu du lịch Suối Chí Nguyễn Hữu Hoa cho biết: Mỗi ngày, khu du lịch đón gần 1 nghìn lượt khách, giảm 50% so với các năm trước. Để đảm bảo an toàn phòng dịch, du khách đều được đo thân nhiệt, sát khuẩn tay, mang khẩu trang và giữ khoảng cách.
Tại Công viên Ba Tơ (TP.Quảng Ngãi) cũng có nhiều lượt khách đến du xuân và chụp ảnh lưu niệm bên các tiểu cảnh được trang trí nhiều hoa tươi. Nhiều bạn trẻ mặc áo dài truyền thống tạo dáng bên các tiểu cảnh để chụp ảnh. Đa số người dân đến đây đều mang theo khẩu trang. Anh Nguyễn Hòa, ở TP.Quảng Ngãi chia sẻ: "Chỉ có lúc chụp hình thì gia đình mới không đeo khẩu trang, còn lại thì đeo khẩu trang thường xuyên khi đến các điểm tham quan, đứng giữ khoảng cách với mọi người để vừa vui chơi, vừa phòng dịch".
Còn tại cảng Sa Kỳ, những ngày Tết ít khách hơn so với các năm trước, đa phần khách ra đảo Lý Sơn là người dân làm ăn xa trở về sum họp gia đình. Tại đây, bộ đội biên phòng phối hợp với Ban Quản lý Cảng Sa Kỳ và cán bộ y tế thực hiện các bước trong công tác phòng, chống dịch. Giám đốc Ban Quản lý Cảng Sa Kỳ Lê Tấn Hải cho biết: Từ ngày mùng 1 - 4 tết Nguyên đán Tân Sửu, có hơn 2.500 lượt khách ra đảo. Đa số hành khách là người dân Lý Sơn, khách du lịch trong tỉnh rất ít.
NHÓM PV, CTV