Người trẻ giữ hương vị Tết xưa

02:02, 13/02/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Vài năm trở lại đây, có không ít người trẻ chịu khó học hỏi, tự tay làm ra những chiếc bánh đậm hương vị quê nhà. Dần dà, họ đam mê những chiếc bánh truyền thống, rồi đưa hương vị Tết quê đến với nhiều người xa xứ.
[links()]
Đam mê hương vị bánh truyền thống
 
Những ngày cuối năm, cơ sở làm bánh tét, bánh chưng của cô gái sinh năm 1991 Trương Thị Phượng, ở thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), lại hối hả để kịp cho ra lò những chiếc bánh thơm ngon gửi đến khách hàng. Từng là thợ may, nhưng yêu thích món bánh truyền thống mà Phượng xác định gắn bó với công việc làm bánh. 
Dù còn trẻ, nhưng chị Trương Thị Phượng, ở thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), đã có gần 5 năm gắn bó với nghề làm bánh truyền thống.           ẢNH: TRỊNH HIỀN
Dù còn trẻ, nhưng chị Trương Thị Phượng, ở thôn An Hà 3, xã Nghĩa Trung (Tư Nghĩa), đã có gần 5 năm gắn bó với nghề làm bánh truyền thống. ẢNH: TRỊNH HIỀN
Phượng trải lòng: “Ban đầu tôi cũng như nhiều người trẻ, chỉ biết chút ít về công thức và các công đoạn làm bánh. Đến năm 2014, tôi lấy chồng về xã Nghĩa Trung. Bà ngoại, mẹ chồng tôi đều là những người làm bánh truyền thống mấy chục năm. Vốn là người yêu thích hương vị bánh truyền thống, tôi xin mẹ chồng học nghề. Cứ tưởng loại bánh chưng, bánh tét chỉ có nếp, đậu xanh, thịt sẽ dễ làm, dễ gói, nhưng tôi mất hơn hai tháng để học cách vo nếp, làm nhân bánh và đặc biệt là học cách gói bánh sao cho đẹp và chắc tay...”. 
 
Ngày thường cơ sở bánh tét, bánh chưng của cô chủ 9X này cung cấp ra thị trường  300 - 400 chiếc bánh. Nhưng trong tháng Chạp, trung bình mỗi ngày cơ sở làm ra hơn 1.500 chiếc bánh.
 
So với nhiều chủ cơ sở làm bánh tét, bánh chưng khác, Phượng có tuổi đời khá trẻ. Thế nhưng, nhờ kinh nghiệm của bà và mẹ chồng truyền lại, cùng với sự đam mê, chịu khó học hỏi đã giúp những chiếc bánh của Phượng được nhiều người tiêu dùng đón nhận.
 
Phượng chia sẻ: “Các loại bánh tôi làm đều mộc mạc, đơn thuần từ nếp, đậu xanh, thịt heo và gói bằng lá chuối, lá dong, không có bất kỳ chất bảo quản  nào. Thế nhưng, bánh có thể để cả tuần không hư, giữ đúng hương vị thơm ngon. Dù nghề làm bánh vất vả, cực nhọc, phải thức khuya, dậy sớm, nhưng giờ đã trở thành đam mê của tôi, nên nghỉ vài hôm đã thấy nhớ!”.
 
Mang vị Tết đến với nhiều người
 
Cô gái trẻ Trần Thị Kim Liên (25 tuổi), ở tổ dân phố 2, thị trấn Mộ Đức (Mộ Đức), thì nặng lòng với món bánh bó truyền thống. Bánh bó là món mà người Quảng Ngãi thường làm vào mỗi độ xuân về để cúng tổ tiên và mời khách. “Cứ vào những ngày giáp Tết, mẹ lại hay làm bánh bó. Món bánh bó gắn liền với tuổi thơ tôi, nên khi lớn lên tôi thay mẹ làm bánh này vào dịp Tết. Làm hoài nên bánh dần chuẩn vị, thơm ngon, nhiều vị khách đến nhà ăn thấy ngon, rồi đặt hàng tôi làm. Cứ thế, người này giới thiệu người kia, từ đó các đơn đặt hàng làm bánh bó ngày càng nhiều”, Liên chia sẻ về cơ duyên đến với nghề làm bánh bó.
 
Liên bộc bạch: “Kỹ thuật khó nhất trong làm bánh bó là nhồi bột. Phải nhồi sao cho các loại mứt trái cây quyện vào bột nếp để tạo ra chiếc bánh dẻo thơm. Từ làm bánh để cúng trong những ngày Tết, hơn nửa năm qua tôi được nhiều người đặt hàng và đây trở thành công việc mang về thu nhập chính cho tôi. Trung bình mỗi ngày, tôi bán từ 5 - 6kg bánh bó, còn tháng cuối năm thì bán gấp 2 - 3 lần ngày thường”.
 
Khách hàng chủ yếu của Liên là những người Quảng Ngãi xa quê. Thay vì chọn các loại bánh sản xuất công nghiệp, dịp Tết họ thường đặt các loại bánh truyền thống để nhớ vị Tết quê.
 
Trịnh Hiền
 
 
 

.