(Báo Quảng Ngãi)- Ngày qua ngày, chị Lê Thị Tím, ở thôn Phước Luông, xã Đức Hòa (Mộ Đức) cố quên đi những cơn đau bởi căn bệnh ung thư dạ dày, để đi nhặt ve chai bán kiếm tiền nuôi con. Bao ve chai bữa vơi, bữa đầy, nhưng tình thương của người mẹ dành cho hai người con thì vẫn luôn đầy ắp. Người con trai lớn của chị mắc bệnh hiểm nghèo, con trai nhỏ thì đang tuổi ăn tuổi học.
Tần tảo thân cò...
Trên chiếc xe đạp cũ, người mẹ chỉ nặng vỏn vẹn chưa đến 30kg, nhưng chị Tím rong ruổi khắp nơi để nhặt ve chai. Vừa bước sang tuổi 52, nhưng bệnh tật khiến chị Tím trông như già thêm chục tuổi. Vóc dáng gầy gò của người phụ nữ nay đau, mai ốm như lọt thỏm giữa những bao đựng ve chai lỉnh kỉnh, chất chồng trên chiếc xe đã gỉ sắt...
Mặc dù bị bệnh, nhưng chị Lê Thị Tím ngày qua ngày vẫn đạp xe đi nhặt ve chai để kiếm tiền nuôi con. Ảnh: Ý Thu |
Chị Tím bị ung thư dạ dày, nhưng lao động chân tay nặng nhọc không hề thua kém người bình thường. Điều đó cũng khiến sức khỏe của chị vốn đã yếu, lại càng thêm yếu. “Nhiều bữa hết tiền mua thuốc, dạ dày quặn đau đến mức thở không nổi nói gì đến chuyện đạp xe, nhưng tôi cũng ráng đi làm, chứ ở nhà mãi thì chẳng thể nào có đủ tiền lo cho chồng và hai con”, chị Tím vừa nói vừa đau đáu nhìn về phía người con trai lớn.
Con trai chị Tím là cháu Nguyễn Hữu Toàn (19 tuổi) không may mắc phải bệnh u hạch ác tính - căn bệnh khiến một thanh niên 19 tuổi, giờ chỉ còn "da bọc xương", nặng chưa đến 30kg. Mắc bệnh hiểm nghèo, Toàn đành dở dang việc học và phải nằm ở nhà điều trị bệnh đã 3 năm nay. “Tháng nào có tiền mua thuốc cho con uống, thì con đỡ đau. Còn không có, thì đành nuốt nước mắt nhìn con đau đớn”, chị Tím đau đáu kể về nỗi đau của con mà chẳng hề nhắc đến bệnh tật của chính mình.
Đổi sự sống của mình cho con
Bị ung thư dạ dày nhưng gần 3 năm nay, chị Tím không trở lại bệnh viện để khám và phẫu thuật theo lịch hẹn của bác sĩ. “Bác sĩ bảo, bệnh ung thư dạ dày được điều trị càng sớm thì tỷ lệ khỏi bệnh càng cao. Bạn bè thương cho hoàn cảnh của tôi, nên từng chung tay đóng góp gần 20 triệu đồng để tôi phẫu thuật. Nhưng rồi, thời điểm quyết định mổ, cũng là lúc con trai tôi bất ngờ đổ bệnh. Giữa sức khỏe của mình và con, tôi lựa chọn lo cho con trước”, chị Tím trầm ngâm kể.
Nhà dột nát đủ chỗ, nhưng chị Lê Thị Tím vẫn dành thời gian, công sức vận động quần áo cũ tặng những người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng cao. Ảnh: Ý Thu |
Đã 2 năm nay, con trai lớn của chị Tím không trở lại Bệnh viện ung bướu Đà Nẵng để điều trị. Thương đứa con đang ở lứa tuổi đẹp đẽ nhất của cuộc đời, lại phải gắn chặt đời mình bên giường bệnh, chị Tím lại ra sức bươn chải để dành dụm tiền mua thuốc cho con. “Mua thuốc cho em thì mẹ nhớ, còn thuốc của mẹ, thì mẹ cứ nói là mẹ quên…”, Toàn đượm buồn bảo.
Đong đầy yêu thương
Chị Tím vẫn luôn cười tươi nói với 2 con trai của mình rằng: “Mẹ thiếu tiền bạc, nhưng yêu thương thì đong đầy”. Chị vẫn thường đạp xe từ nhà xuống thị trấn Mộ Đức để chở quần áo cũ mà mình vận động được, dành tặng người nghèo.
Trong ngôi nhà nhỏ xập xệ, 7 thùng quần áo cũ dành tặng người nghèo ở huyện Ba Tơ được chị Tím sắp xếp ngay ngắn ở chỗ khô ráo, ít dột nhất trong nhà. “Những lần đi xin, mua rẻ cành keo về làm củi, tôi lại gặp các gia đình người Hrê ở Ba Tơ lặn lội xuống tận đây để đi làm công. Thấy mọi người kể về chuyện thiếu đồ ấm để mặc vào mùa đông, tôi liền hỏi xin quần áo cũ từ các gia đình khá giả rồi đi gom chở về nhà. Mỗi lần gom xong, tôi điện thoại là bà con sẽ ghé và chở về”, chị Tím mừng vui kể.
Chiếc xe đạp này là phương tiện để Nguyễn Hữu Phong đến trường, đồng thời cùng là phương tiện để người mẹ của Phong (chị Lê Thị Tím) rong ruổi lượm ve chai. Ảnh: Ý Thu |
Không chỉ đứng ra kết nối, vận động quần áo cũ cho những người thiếu thốn, người phụ nữ nghèo tiền bạc nhưng giàu tấm lòng này còn năng nổ 2 lần góp lúa gạo gửi tặng đồng bào miền Nam vào năm 2021, khi dịch Covid-19 bùng phát. Nhiều người biết chuyện, ai cũng khuyên răn và bảo bà bớt lo chuyện “bao đồng”, nhưng chị Tím bảo: “Chuyện tôi làm, có đáng sá gì đâu! Tôi khổ, nhiều người cũng đứng ra giúp tôi. Vậy thì người khác khổ, tôi cũng nên giúp lại theo sức lực của mình”.
Cậu học trò học lớp 11 Nguyễn Hữu Phong - con trai út của chị Tím, mỗi lần thấy mẹ đang đau bệnh nhưng vẫn đạp xe từ nhà xuống thị trấn Mộ Đức để chở quần áo cũ về nhà, nên xin phụ giúp mẹ. Mỗi lần như vậy, chị Tím vui lắm. Chị Tím bảo, tôi hạnh phúc khi con ủng hộ chuyện mình làm và hiểu được rằng “sống là phải cho đi”...
Ý THU