Nước Min- Dấu xưa vang vọng

10:09, 06/09/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Lâu lắm rồi tôi mới trở lại thôn Nước Min, xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Nước Min ngày trước im vắng lắm, thi thoảng mới nghe tiếng vrook, tiếng ru con trầm buồn vang vọng từ một vài mái nhà sàn. Bây giờ, Nước Min đã khác. Dấu xưa như đang vang vọng mỗi ngày.
 
[links()]
 
Từ góc nhà sàn...
 
 Nghệ nhân ưu tú Đinh Ka La  chơi đàn ra-uốt.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Ka La chơi đàn ra-uốt.
Có những ngày tôi ngồi lì bên góc nhà sàn của ông Đinh Ka La - một nghệ nhân được Chủ tịch nước phong danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” năm 2018, ở thôn Nước Min, để ghi chép những câu chuyện do ông kể về Grăng Tek-pia, Grăng Hoa, Yang Ing... và kể về những ngày mừng lúa mới, lễ ăn trâu mà gia đình ông tổ chức vào những năm trước, về chuyện mua hàng chục chiếc nồi đồng... Thi thoảng, ngẫu hứng, ông lại vào căn phòng che vách nứa, lúc thì lấy chiếc đàn ra-uốt, lúc thì lấy chiếc vook t’ru - những chiếc đàn tre do chính ông chế tác, ra chơi cho tôi nghe. Ông Đinh Ka La nhớ nhiều chuyện kể, biết nhiều thứ nhạc cụ của người Ca Dong là nhờ cha ông - ông Dhuh Loh, đã dạy cho ông và các em của ông ngay từ thuở nhỏ. Nhà ông có 8 anh em: 4 trai là Ka La, Ka Để, Ka Đu, Ka Điêng; 4 gái là Hi Gôn, Hi Ghên, Hi Ghiu, Hi Goong. Nhờ sự truyền dạy của cha mà người nào cũng biết chơi ít nhiều các nhạc cụ bằng tre nứa, chiêng đồng, nhớ nhiều truyện kể, biết hát những bài ca-lêu, ca-cheo, dê-ô-dê...
 
Noi theo cha, ông Đinh Ka La cũng kể cho các con mình và vài người trong làng về những câu chuyện cổ, dạy cho họ chơi vài nhạc cụ, chơi vài điệu chiêng h’lênh, h’năng, làm vlăk kring-ning... Nhớ đến cách truyền dạy của cha và của anh trai là ông Đinh Ka La, ông Đinh Kà Để  - nguyên Bí thư Huyện ủy Sơn Tây - một người luôn canh cánh nỗi niềm về di sản văn hóa Ca Dong đang trên đường mai một, nghĩ rằng: “Sao lại chỉ truyền dạy cho con cái mình trên cái nhà sàn này? Mà mình cũng có nhớ được hết các truyện kể, các câu hát xưa đâu. Sao không tập trung lại con cháu trong plây (tương tự như làng của người Kinh) rồi dạy luôn thể, để ai nhớ gì thì cứ dạy lại cho lũ trẻ? Nếu cách làm này thành công thì các làng khác sẽ làm theo. Và, cứ như vậy, hy vọng văn hóa Ca Dong có cơ may được hồi phục”. Từ suy nghĩ đó, ông Đinh Kà Để bàn với anh ruột là nghệ nhân Đinh Ka La, cùng các nghệ nhân và người lớn tuổi trong làng tập hợp con trai, con gái trong làng truyền dạy vốn hiểu biết về văn hóa dân gian của dân tộc mình.
 
... Đến nhà văn hóa
 
Khác với những đồng tộc láng giềng, như Xteng, Tơ-đrá, Mơ-nâm, Hà- lăng... cùng trong nhóm được gộp chung là dân tộc Xơ đăng vào năm 1979, người Ca dong ở huyện Sơn Tây không có nhà rông. Nếu có khu nhà rông, ắt hẳn, chuyện tập trung con cháu để tập luyện sẽ thuận lợi hơn, vì nhà lẫn sân rộng rãi. Ở thôn Nước Min cũng không có ngôi nhà nào đủ dài để hơn vài chục thanh niên, cùng hàng chục trẻ con tập chiêng h’năng, chiêng h’lênh. May quá, Nước Min lại có nhà sinh hoạt văn hóa. Hơi cũ một tí, thiếu sân, nhưng phòng sinh hoạt cũng được khoảng 50 m2. 
 
Ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây).                                                                        Ảnh: Đăng Vũ
Ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây). Ảnh: Đăng Vũ
Vậy là, ngày đi làm rẫy, đêm về một nhóm con trai, con gái, cùng vài chục đứa trẻ con theo ông bà, cha mẹ, anh chị, tập trung tại ngôi nhà này. Người lớn tuổi dạy cho người trẻ tuổi những bài ca-lêu, ca-cheo, dê-ô-dê, ra-nghế, vadhô kon... mà trước đây ông bà, cha mẹ đã truyền dạy cho họ trong mái nhà sàn, bên bếp lửa, trong những đêm canh rẫy ở đỉnh Voi Ra-nga, Voi H’tang, hoặc ở Goi H’ming... Những cây đàn bằng tre nứa, như a-khung, vrook krâu, vrook t’ru, vrook t’rưng, vrook jeng, ra-uốt, ra-dhoong, vang-vút... được nối dây, chỉnh dây, được lau chùi sạch sẽ. Những bộ chiêng h’năng, h’lênh lâu nay thường phải xếp trong góc nhà sàn, giờ cũng được đem ra chỉnh âm.
 
Có những nhạc cụ “con con” như ra-ngoái (đàn môi), sáo a-mam... thì phải tìm cây, lá để làm lại. Anh Đinh Thanh Sơn (51 tuổi), người được tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cùng một lúc với cha của anh là ông Đinh Ka La, luôn chú ý tìm cây a-mam mỗi lần đi làm trên rẫy. Anh Sơn bảo, còn nhớ cách thổi a-máp, ra-ngoái, nhưng phải tập lại cho thật rành mới chỉ dạy được cho mấy cô con gái trong làng.
 
Gần 1 năm qua, mỗi tuần 4 - 5 đêm, nhà văn hóa thôn Nước Min rộn ràng tiếng chiêng, tiếng trống ha-gơn, tiếng ca- lêu, ra - nghế... Tôi đã ngồi trong nhà văn hóa thôn Nước Min hàng chục đêm, nghe già, trẻ, gái, trai chăm chú tập luyện. Đám trẻ con, chừng vài chục đứa cũng thấp thó bên cửa lớn, cửa sổ. Chắc hẳn chúng rồi cũng sẽ thuộc những lời ca tiếng hát vang vọng từ phía bên trong. Có lẽ đó cũng là một sự trao truyền cho thế hệ mai sau, âm thầm nhưng bền vững.
 
Vực dậy không gian văn hóa truyền thống
 
Khác với những đêm tập luyện, buổi ra mắt của Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong ở xã Sơn Mùa (gồm 22 người, hầu hết là ở thôn Nước Min) vào ngày 10/8/2022 rực rỡ sắc màu. Những bộ y phục truyền thống, những chiếc vlăk kring-ning, priek apuk, priek kawen... được gìn giữ cẩn trọng bao lâu nay, giờ được đem ra phô diễn. Hội Ca-cheo với tiếng trống ha-gơn, chiêng h’năng, nhịp chày cối giã gạo, tiếng kring-ning, những bước chân điệu đàng, những bàn tay búp măng xòe cánh quạt, những động tác sảy, dần, sàng... được tái hiện, giúp người xem hiểu về một ngày người Ca Dong đi tuốt lúa pa-dhăm, rước hồn lúa vào chòi và ăn mừng lúa mới. Giai điệu “Kân ra-dhăm rai kân... kần...”, trong trẻo, mượt mà, từ lời ru cổ xưa, nói về những chàng trai Ca Dong lớn lên “xứng đáng là con của cha, là trai của làng”, hòa cùng tiếng đàn t’rưng, làm ta liên tưởng đến một thời plây-pla Ca Dong có những ra-dhăm “oai hùng” giữa đại ngàn. Và, tiếng vang-pút, tiếng vrook, tiếng tàlía... thánh thót, nồng nàn, như mời gọi người nghe về miền quá khứ.
 
Buổi ra mắt, không dừng ở việc trình diễn các giai điệu, mà còn trưng bày những dụng cụ của người Ca Dong trong hoạt động sản xuất, săn bắn, sử dụng trong gia đình. Rượu cần, rượu dhoak, những chiếc bánh ú nếp, gói bằng lá dong, cơm nướng ống tre, đọt mì xay cùng lúa rẫy trộn với hạt mè đen, gỏi búp chuối và các loại rau rừng, các món chế biến từ heo ky... cũng được các mí, các cô gái Ca Dong mời khách, tạo nên một miền ẩm thực chắt chiu từ núi rừng, thơm phưng phức.
 
Mong ước từ Nước Min 
 
Sự khuyến khích trao truyền, bảo tồn di sản, không chỉ bằng một quyết định thành lập câu lạc bộ văn hoá, mà còn bằng chính sự quan tâm sẻ chia những khó khăn, hỗ trợ và động viên kịp thời của những người có trách nhiệm tại địa phương. Buổi ra mắt Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong có đông đảo lãnh đạo các cấp, các ngành ở huyện Sơn Tây, là một bằng chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt đó.
 
Xã Sơn Mùa có đến 5 nghệ nhân người Ca Dong được phong danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”: Đinh Ka La, Đinh Văn Tung, Đinh Văn Khoen, Đinh Thanh Sơn và Đinh Văn Trinh (vừa mất). Ông Đinh Kà Để - người  “lĩnh xướng” cho việc thành lập câu lạc bộ này, cũng như các nghệ nhân nói với chúng tôi, ngoài Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong của Trường THCS Dân tộc Nội trú Sơn Tây đã thành lập trước đó, nay có thêm Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong của xã Sơn Mùa. Hy vọng trong một vài năm tới, 9 xã trong huyện Sơn Tây đều có câu lạc bộ văn hóa dân gian dân tộc Ca Dong. Họ sẵn sàng truyền dạy những gì họ còn nắm giữ cho thế hệ trẻ, dù bất cứ nơi đâu. Và, không chỉ là để bảo tồn, mà hy vọng, các câu lạc bộ này còn là một sản phẩm thu hút khách du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
 
Khi bước chân leo đỉnh đồi Ngook Alu, vào plây Tu Ka La, thôn Nước Min, giờ đây tôi đã nghe dấu xưa luôn vang vọng mỗi ngày. Hy vọng không lâu, dấu xưa từ Nước Min sẽ vang xa, đến khắp các plây trên vùng núi cao chập chùng này, tựa như suối Nước Min vẫn âm thầm đổ vào sông Rin suốt bốn mùa mưa nắng.
 
NGUYỄN ĐĂNG VŨ
 
 
                                                                                                                                                        
 

.