(Baoquangngai.vn)- Võ Hàng người làng Tân Phước, tổng Bình Thượng, phủ Bình Sơn, nay là thôn Tân Phước, xã Bình Minh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông đỗ tú tài Hán học khoa Quý Mão (1903) tại Trường thi hương Bình Định, nên người đời thường gọi là Tú Hàng.
Đầu thế kỷ XX, phong trào Duy Tân khởi phát ở Quảng Nam rồi nhanh chóng lan vào Quảng Ngãi, được giới trí thức, nhân sĩ và đông đảo người dân nhiệt liệt hưởng ứng. Năm 1906, Duy Tân hội Quảng Ngãi được thành lập do Cử nhân Lê Đình Cẩn làm hội chủ, với sự tham gia của nhiều nhà trí thức nho học như Nguyễn Bá Loan, Lê Đình Cẩn, Lê Tựu Khiết, Lê Ngung, Trần Kỳ Phong, Nguyễn Thuỵ, Nguyễn Đình Quảng, Mai Bá, Mai Tuấn, Nguyễn Tuyên…
Mộ cụ Võ Hàng. |
Võ Hàng trở thành một thành viên tích cực, hoạt động ở phía Bắc tỉnh và giữ mối liên lạc với phong trào Quảng Nam. Xuất phát từ chủ trương của Duy Tân hội Quảng Ngãi (cũng như Quảng Nam) là kết hợp đấu tranh cứu nước với duy tân, kết hợp xu hướng cải cách và xu hướng bạo động trong con đường cứu nước theo khuynh hướng dân chủ tư sản dưới hai hình thức hoạt động là công khai và bí mật, nên tổ chức này đề ra nhiệm vụ tuyên truyền, khơi dậy phong trào Kháng thuế cự sưu, vận động quần chúng đấu tranh ôn hòa, chống chính sách sưu cao thuế nặng của thực dân- phong kiến.
Khi phong trào bùng lên cao trào ở Quảng Nam, Quảng Ngãi đầu năm 1908, các nhà lãnh đạo Duy Tân đã trực tiếp đứng ra tổ chức, định hướng cho quần chúng. Võ Hàng được phân công tham gia hướng dẫn phong trào ở phủ Bình Sơn. Đến khi phong trào thất bại, thực dân Pháp và Nam triều khủng bố gắt gao, kéo dài từ 4.4 đến 17.4.1908. Lê Tựu Khiết, Nguyễn Bá Loan bị xử chém. Cử nhân Nguyễn Thuỵ (Suỵ), Cử nhân Nguyễn Đình Quản, Tú tài Phạm Cao Chẩm, Tú tài Nguyễn Tuyên, Tú tài Lê Đinh Cơ, bị đày ra Côn đảo.
Võ Hàng cùng nhiều người khác bị giam ở nhà tù Quảng Ngãi. Trong tù, Võ Hàng tìm cách liên lạc với các nhà yêu nước Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, tham gia Việt Nam Quang Phục hội do cụ Phan Bội Châu thành lập. Ông cũng là một trong những người tham gia vụ mưu khởi Duy Tân năm 1916.
Ông Võ Phú Hưng- người con trai cụ Võ Hàng bên bàn thờ thân phụ. |
Năm 1937, ông ra tranh cử vào Viện Dân biểu Trung kỳ (Chambre des Représentants du Peuple de l'Annam, do Thực dân Pháp lập ra từ năm 1926) để lợi dụng diễn đàn công khai đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ. Võ Hàng trúng cử và trở thành một trong ba thành viên của tỉnh Quảng Ngãi có chân trong Viện Dân biểu Trung kỳ, nhiệm kỳ 1937- 1940. Đây cũng là nhiệm kỳ Viện Dân biểu Trung kỳ được đánh giá là “cấp tiến”, hoạt động sôi nổi, lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của người bình dân và nhân dân lao động.
Cách mạng tháng Tám thành công, tuy tuổi đã cao nhưng Võ Hàng vẫn nhiệt tình ủng hộ Mặt trận Việt Minh. Năm 1946, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam tỉnh Quảng Ngãi, gọi tắt là Liên Việt Quảng Ngãi.
Võ Hàng mất năm 1949 vì tuổi già, bệnh nặng.
Ông là một trong những sĩ phu yêu nước của tỉnh Quảng Ngãi đã hiến trọn đời mình cho sự nghiệp đấu tranh Giải phóng dân tộc.
Lê Hồng Khánh
*Đón đọc kỳ tới: Bốn tráng sĩ Đá Vách